Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ lý do không áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga
Phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết Ankara không theo đuổi làn sóng trừng phạt nhằm vào Nga vì nước này được dẫn dắt bởi những chính sách thực dụng và cân bằng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Haberturk TV, ông Kalin nói rằng Ankara đang theo đuổi "chính sách cân bằng" khi nói đến quan hệ với Nga.
“Vì chúng tôi phụ thuộc vào các nguồn năng lượng từ nước ngoài, nên chúng tôi phát triển quan hệ cả với Nga và cũng như với Iran”, ông Kalin nói, đồng thời lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng có quan hệ tốt với Mỹ và các nước phương Tây khác.
“Chúng tôi không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi xung đột Ukraine bùng phát. Tất nhiên, chúng tôi phải bảo vệ lợi ích của đất nước mình”, ông Kalin nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông Kalin, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Mátxcơva “sẽ gây hại cho nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn là của Nga”.
“Chúng tôi đã có lập trường rõ ràng. Phương Tây cũng đã chấp nhận điều này. Họ không bình luận bất cứ điều gì về lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ vì lý do địa - chính trị.
Ông Kalin nhấn mạnh rằng Ankara không ủng hộ chính sách áp đặt các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với các doanh nhân Nga. “Những người giàu ở phương Tây được gọi là tỷ phú, còn ở Nga thì bị gọi là tài phiệt”, ông Kalin nhận xét.
Cố vấn Tổng thống nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, Ankara sẽ tiếp tục đối thoại với cả Nga và Ukraine vì “xung đột càng kéo dài sẽ càng tốn kém”.
Ông Kalin nhấn mạnh vai trò của Ankara trong việc đàm phán các giải pháp cho một số vấn đề quan trọng trên toàn cầu, chẳng hạn như đảm bảo nguồn cung ngũ cốc từ khu vực xung đột.
“Thành thật mà nói, chưa có quốc gia nào nỗ lực đưa hai bên xích lại gần nhau. Cuối cùng, ai sẽ là người nói chuyện với Nga nếu mọi người đốt cháy tất cả những cây cầu”, ông Kalin hỏi.
Cố vấn thừa nhận ông không thể dự đoán được vào thời điểm Nga sẽ quyết định ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng nhấn mạnh rằng “xung đột có những tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn”.
“Tôi dự đoán chúng ta sẽ bận rộn với cuộc xung đột này và những ảnh hưởng của nó trong 10 năm tới. Xung đột có thể kết thúc, nhưng ảnh hưởng của nó sẽ tiếp tục theo một cách khác”.
Theo ý kiến của ông Kalin, thế giới đang đối mặt với một kiểu chiến tranh lạnh mới, khi "làn sóng chống Nga" lan rộng ở phương Tây và “chủ nghĩa chống phương Tây” đang trỗi dậy ở Nga.
Bình luận về những lý do đằng sau chiến dịch của Nga ở Ukraine, người phát ngôn bác bỏ cáo buộc của phương Tây về sự “phi lý” của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo ý kiến của ông, các vấn đề trong quan hệ giữa Nga và phương Tây bắt đầu nhen nhóm từ những năm 1990 khi Mátxcơva - trước sự thay đổi của trật tự địa-chính trị toàn cầu - đề nghị phương Tây thực hiện “một thỏa thuận cân bằng mới”.
Ông Kalin nhấn mạnh rằng “đây không phải là lý do biện minh cho việc Nga khai màn chiến dịch ở Ukraine”, nhưng cho thấy hành động của Nga không phải vô cớ và “tầm quan trọng của việc không nên phớt lờ mối quan hệ nhân quả”.
“Chúng tôi cũng phản đối trật tự thế giới bất thường và không công bằng này”, ông nói thêm.