Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ trả đũa nếu bị ảnh hưởng quyền lợi ở Libya

Nhà lãnh đạo Quân đội Quốc gia Libya (LNA) Khalifa Haftar đã đe dọa sẽ tấn công các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ và cáo buộc Ankara ủng hộ các đối thủ của mình là Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) sau khi lực lượng này phải chịu thất bại lớn trong nỗ lực giành thủ đô Tripoli.

Trước đó, vào thứ 4 ngày 26 tháng 6 năm 2019, các lực lượng chống LNA trên danh nghĩa Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được quốc tế công nhận của Libya tuyên bố đã chiếm lại thị trấn chiến lược Gharyan trong một cuộc tấn công bất ngờ và chiếm được căn cứ tiếp tế chính của LNA.

Ông Haftar, sau đó đã hứa hẹn một "phản ứng cứng rắn" và cáo buộc các dân quân ủng hộ Chính phủ Hiệp định Quốc gia có trụ sở tại Tripoli xử tử các binh sỹ bị thương của LNA tại bệnh viện của thị trấn, tuy nhiên những cáo buộc này đã bị cả GNA và chính quyền ở Gharyan bác bỏ.

Thị trấn chiến lược Gharyan, bị các lực lượng trung thành với Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được quốc tế công nhận chiếm lại ngày 26-6. Thị trấn này đóng vai trò là căn cứ tiếp tế chính của LNA trong các cuộc tấn công chiếm thủ đô Tripoli (nguồn AFP)

Một phát ngôn viên của GNA cho biết, hàng chục lính tinh nhuệ của LNA đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ khoảng 100 km (60 dặm) về phía nam của thủ đô, với ít nhất 18 binh sỹ bị bắt làm tù nhân.

Phát ngôn viên của LNA - Tướng Ahmed al-Mesmari tuyên bố, để “trả thù” cho những thất bại trên, Nguyên soái Haftar đã ra lệnh cho quân đội tự phong của mình tấn công nhắm vào các tàu và công ty Thổ Nhĩ Kỳ, cấm các chuyến bay và bắt giữ các công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở nước này. Đồng thời cáo buộc Ankara "trực tiếp" "cử binh lính, máy bay và tàu” để giúp đỡ lực lượng GNA và gọi người dân Gharyan là "phản quốc".

Trước động thái trên của LNA, trả lời hãng thông tấn nhà nước Anadolu, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tuyên bố: "Sẽ có một cái giá rất đắt cho thái độ thù địch hoặc tấn công, chúng tôi sẽ trả đũa theo cách hiệu quả và mạnh mẽ nhất".

Trước đó, LNA cũng bắn hạ một máy bay không người lái đang cố gắng tấn công các vị trí của LNA và cho rằng đó là máy bay do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Kể từ đầu tháng 4, LNA đã tham gia vào một cuộc tấn công để giành quyền kiểm soát Tripoli, còn GNA đã tiến hành một cuộc phản công để ngăn chặn các lực lượng do Haftar lãnh đạo chiếm được thành phố.

Cả hai bên cáo buộc nhau sử dụng lính đánh thuê nước ngoài và nhận được sự hỗ trợ quân sự từ các cường quốc bên ngoài, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc diễn ra kể từ cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn năm 2011 lật đổ chế độ Moamer Kadhafi. Libya đã ở trong tình trạng xung đột quân sự giữa nhiều nhóm khác nhau kể từ khi nhà lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011. Phần phía đông của đất nước được cai trị bởi chính phủ ở Tobruk, nơi được LNA hậu thuẫn. GNA có trụ sở tại Tripoli, đứng đầu là Thủ tướng Fayez Sarraj, hoạt động ở phía tây của đất nước.

Nguyên soái Haftar có sự ủng hộ của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Ai Cập và cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ GNA.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã xác nhận đất nước ông ủng hộ GNA và cung cấp vũ khí cho tổ chức này theo một "thỏa thuận hợp tác quân sự". Ông đã tuyên bố với các phóng viên vào ngày 19-6 rằng sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép Tripoli "tái cân bằng" cuộc chiến chống lại Haftar.

Vào 29-6-2019, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, ông Erdogan cho biết, ông chưa có bất kỳ thông tin nào về lời đe dọa của Nguyên soái Haftar đối với tài sản của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trang Vũ (Theo Sputniknews)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/tho-nhi-ky-tuyen-bo-se-tra-dua-neu-bi-anh-huong-quyen-loi-o-libya/816032.antd