Trên chiến trường Ukraine, trong khi Ka-52 Alligator và Mi-35 Hind được sử dụng với tần suất lớn thì trực thăng vũ trang Mi-28NM Night Hunter lại hoàn toàn vắng bóng, nguyên nhân là do đâu?
Cần nhấn mạnh rằng trực thăng tấn công Mi-28NM Night Hunter chính là phiên bản nâng cấp sửa đổi từ chiếc Mi-28N, nó được cho là đã khắc phục triệt để những thiếu sót khi máy bay hoạt động trong điều kiện khí hậu nóng và bụi sa mạc.
Ông Pavel Budagov, Giám đốc Nhà máy khí cụ quốc gia Ryazan cho biết khác biệt lớn nhất giữa Mi-28NM và Mi-28N là trực thăng cải tiến được tích hợp radar mới với máy tính hoạt động nhanh và hiệu quả gấp 10 lần.
Với những tổ hợp thiết bị hiện đại như radar, hệ thống định vị, tổ hợp trinh sát và hệ thống điều khiển mới, Mi-28NM được quảng cáo đã trở thành cỗ máy chiến đấu không có đối thủ trong bất kỳ thời gian nào và trong mọi điều kiện thời tiết.
Radar hình cầu mới bố trí trên nóc rotor có tầm nhìn bao quát tốt và hoạt động trên nhiều dải tần, cho phép xác định chính xác tọa độ mục tiêu, các thông số vật cản và khả năng bám bắt, dẫn bắn nhiều vũ khí cùng lúc.
Ngoài radar thế hệ mới thì trực thăng tấn công Mi-28NM Night Hunter còn được trang bị tổ hợp tác chiến điện tử Richag-AV, có tác dụng giúp máy bay hoạt động an toàn trước hỏa lực phòng không đối phương.
Theo nhà sản xuất, Richag-AV được thiết kế để tránh radar hoặc các hệ thống phát hiện khác nhằm bảo vệ máy bay khỏi các tên lửa không đối không hoặc hệ thống phòng không mặt đất của đối phương.
Tổ hợp Richag-AV sử dụng ăng ten mảng pha đa chùm với công nghệ DRFM, được thiết kế để chủ động gây nhiễu và làm mù các hệ thống radar, nhằm bảo vệ máy bay khỏi các vũ khí dẫn đường bằng sóng vô tuyến - điện tử.
Bên cạnh công năng như một hệ thống phá sóng radar, Richag-AV có khả năng thu thập cả những dữ liệu tình báo, bao gồm việc tìm ra nguồn bức xạ điện từ bên ngoài.
Với cơ sở dữ liệu về nhiều loại phương tiện trinh sát và radar của kẻ địch được cài đặt sẵn, Richag-AV có thể nhanh chóng xác nhận loại mục tiêu và tìm cách vô hiệu hóa thiết bị dò tìm của nó một cách hiệu quả.
Ngoài ra trực thăng Mi-28NM còn được thông báo đã thể hiện khả năng kết nối rất ấn tượng, phi công điều khiển nó có thể tương tác trực tiếp với các phương tiện bay không người lái để nhận thông tin trinh sát mục tiêu.
Nhưng đáng tiếc các thông số trên chỉ là quảng cáo được nhà sản xuất đưa ra nhằm tìm kiếm hợp đồng, quá trình thử nghiệm đã cho thấy chiếc Mi-28NM Night Hunter vẫn gặp những sự cố đáng kể về thiết bị đi kèm.
Cụ thể, cả radar điều khiển hỏa lực lẫn hệ thống quang điện tử đều không đủ độ tin cậy để dẫn đường chính xác cho vũ khí, không tận dụng được hết khả năng của tên lửa chống tăng tầm xa cũng như pháo tự động mà nó mang theo.
Độ linh hoạt của Mi-28NM cũng cho thấy không bằng Ka-52, trong khi đặc tính sinh tồn kém hơn hẳn, với những nhược điểm kể trên, hoàn toàn không ngạc nhiên khi Night Hunter vẫn chưa được Không quân Nga tin tưởng tung vào chiến trường Ukraine.
Việt Dũng