Thợ… 'sửa thời gian'

'Sửa thời gian' là nghề gì? Có người sẽ thắc mắc vì khó hiểu, nhưng nếu gọi là nghề sửa đồng hồ thì hẳn ai cũng quen thuộc. Được xem như một trong số ít những nghề xưa cũ còn tồn tại theo vòng quay thời gian, những người thợ sửa đồng hồ vẫn ngày ngày cặm cụi, tỉ mỉ với những cây kim giây, kim giờ, kim phút.

Ngổn ngang cách sắp đặt đồ nghề của những bác thợ nhưng khi cần họ lại lấy rất dễ dàng

Khi thích chiếc đồng hồ nào đó có lẽ đều có nguyên nhân của nó. Đại khái là vật kỷ niệm ai đó tặng, là chiếc đồng hồ đầu tiên mua bằng tiền dành dụm hay chỉ đơn giải vì nó đẹp và giá trị. Còn người thợ sửa đồng hồ, đương nhiên phải có đam mê với nghề mới gắn bó lâu dài. Nhưng đam mê ấy xuất phát từ đâu, vì sao lại trở thành người yêu nghề “sửa thời gian” thì khó ai lý giải được. Với những người thợ mà tôi có dịp tiếp xúc, “vì mưu sinh” là câu trả lời đầu tiên khi được hỏi cơ duyên gắn bó với nghề. Lâu ngày thành quen rồi yêu cái nghề suốt ngày rị mọ, lui cui, cắm cúi với từng chi tiết chi li nhất của chiếc đồng hồ lúc nào không hay.

Tiếng “tích tắc” phát ra từ chiếc đồng hồ với những người thợ gần như thân thuộc đến nỗi theo vào cả giấc mơ của họ. Để rồi khi giật mình tỉnh giấc, nhịp sống mưu sinh lại tiếp diễn. Có người thật thà hỏi, vì sao tôi lại chọn phỏng vấn họ với cái nghề chẳng có gì nổi bật, hay tiếng tăm gì. Nhưng với tôi, bản thân những người thợ sửa đồng hồ đã là đề tài khá thú vị, xét ở khía cạnh đời thường. Bởi giữa làn gió tân xuân, hiện đại với nhịp sống hối hả thì ở một góc nhỏ nào đó, hình ảnh người thợ “sửa thời gian” lại làm ta lắng đọng với nhiều suy tư và hoài niệm…

Dạo vài vòng TP. Long Xuyên, theo quan sát, có lẽ những người theo nghề sửa đồng hồ không còn nhiều. Và muốn tìm họ, phải đến đúng nơi… mới có thể gặp. Với chiếc tủ hành nghề nhỏ, đượm màu nắng gió, nơi người làm nghề sửa đồng hồ hoạt động cũng khiêm tốn như chiếc xe chất đồ nghề của họ, vừa đủ cho người thợ ngồi và tiếp thêm 1 người khách. Nói như vậy để thấy, gọi là nghề “sửa thời gian” cho nó kiêu, nhưng công việc của người thợ sửa đồng hồ thầm lặng như chính cuộc đời họ.

Để đón khách, đa phần người thợ sửa đồng hồ tập trung nhiều ở chợ, mà phải là chợ “quen”. Vì là nghề xưa cũ nên đa phần người bám trụ với nghề đều có thâm niên từ vài chục năm, thậm chí 40 năm ròng rã vẫn chưa có ý định bỏ nghề. Theo những người thợ sửa đồng hồ, ngoài sự tỉ mỉ cao cũng cần có khả năng quan sát tinh tường và tính kiên nhẫn để có thể “bắt bệnh” của từng chiếc đồng hồ.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề “sửa thời gian”, chú Út (60 tuổi, ngụ phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Cơ duyên đưa đẩy tôi đến với nghề rất tình cờ. Nhắc lại cũng dài lắm, chỉ nhớ là năm 20 tuổi, tôi thường có mặt ở các chợ xem người ta sửa đồng hồ. Tình cờ gặp được “sư phụ”, thấy tôi tò mò, muốn khám phá thế giới đồng hồ nên đã nhận tôi làm “đệ tử” và truyền nghề.

Chăm chỉ nghe sự chỉ dạy, khoảng nửa năm, tôi đã có thể sửa được đồng hồ. Nhưng để gọi là lành nghề thì vẫn còn khoảng cách rất xa. Rồi, nghề dạy nghề, tôi từ tò mò, muốn tìm một công việc mưu sinh đã dần trở nên yêu thích nghề này lúc nào không hay. Thời gian là phương thức đào thải người thợ vô tình nhất.

Hơn nữa nếu nói dư giả, thì nghề này hoàn toàn không mang lại điều đó. Người thợ sửa đồng hồ chúng tôi chỉ có thể gọi là đủ ăn. Ai không đam mê và kiên trì thì sẽ không bám trụ lâu với nghề này được là vì lẽ đó!”.

Góc làm việc của những người thợ sửa đồng hồ, những linh kiện nhỏ li ti chất chồng lên nhau như những lát cắt của quá khứ, hiện tại và tương lai. Đưa mắt nhìn từng món đồ nghề thân thuộc, chú Út nói thêm, với nghề sửa đồng hồ, khó có thể gọi ai là thợ giỏi hay không giỏi. Vì với họ, công việc này đòi hỏi sự kiên trì, độ khéo léo và quan trọng nhất là lòng đam mê.

Chú Lê Thanh Trí (sinh năm 1967, ngụ thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) nhớ lại những ngày đầu đến với nghề sửa đồng hồ đầy gian nan của mình. “Người ta có tiền, học nghề trả bằng vàng, còn tôi đổi ngày công để học nghề. Phụ tới đâu, học tới đó, vậy mà cũng thành nghề như ai. Thợ sửa đồng hồ bây giờ rất ít. Vì đồng hồ ngày nay đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng. Đôi khi người ta đến chỉ để thay dây hoặc thay pin, chứ không sửa nhiều.

Thậm chí, nhiều người chuộng trào lưu thì có thể mua đồng hồ khác thay thế đồng hồ cũ nên thợ ít dần là một trong những nguyên nhân đó. Có người chung thủy với chiếc đồng hồ cơ trông đã cũ nhưng nhất quyết phải sửa lại để đeo. Vì theo họ, đó không đơn thuần là đồng hồ đeo tay mà còn là kỷ niệm, là kỷ vật vô giá. Đó là lý do chúng tôi vẫn bám trụ với nghề đến giờ. Giá sửa 1 chiếc đồng hồ tùy thuộc vào “bệnh” của từng chiếc đồng hồ và công sức người thợ bỏ ra. Bệnh nghề nghiệp về mắt, dạ dày, đau lưng là chuyện không thể tránh khỏi” - chú Trí tâm sự.

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, không quan trọng là nghề gì, chỉ cần người thợ giỏi, có tâm và đam mê với nghề thì ở đâu cũng sẽ được trân trọng. Với người thợ sửa đồng hồ, dù nghề không phát triển như xưa, đôi khi mưu sinh chật vật nhưng họ luôn gắn bó với nghề, chứng kiến bao câu chuyện vui, buồn bên chiếc đồng hồ. Họ chính là cầu nối cho những ai yêu thích đồng hồ và níu giữ quá khứ.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tho-sua-thoi-gian--a272473.html