Thờ Thành hoàng, nét đẹp lưu truyền
Thành hoàng thường là người có công với nước với dân trong các cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, là người có công khai khẩn mở đất, truyền dạy nghề, hướng dẫn dân làng cách làm ăn hoặc hiển linh phù hộ cho làng, xã... Được xem là biểu tượng thiêng liêng nhất của cả làng, vì vậy, Thành hoàng được nhiều địa phương ở Quảng Bình thờ phụng trong các đình, đền, miếu, trong dòng họ, gia đình.
Ông Mai Xuân Thành, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao cho biết: "Thờ Thành hoàng là nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa làng. Cũng giống như thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Thành hoàng vừa là tín ngưỡng, vừa là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với bậc tiền bối có công với làng xóm, đất nước.
Căn cứ vào những tài liệu hiện có, chúng tôi thấy Thành hoàng ở Quảng Bình có nhiều nguồn gốc khác nhau, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của một vùng gồm: Thành hoàng có nguồn gốc từ thiên thần, Thành hoàng có nguồn gốc từ nhiên thần, Thành hoàng có nguồn gốc từ nhân thần và Thành hoàng có nguồn gốc khác."
Trên Tạp chí Thông tin khoa học và công nghệ Quảng Bình số 2-2019, tác giả Nguyễn Văn Tuân, thuộc Viện nghiên cứu Hán-Nôm có viết: “Qua khảo sát tư liệu Hán-Nôm chép về sự tích của các vị Thành hoàng ở Quảng Bình, chúng tôi thấy tại Viện nghiên cứu Hán-Nôm có cuốn "Đại Nam thần lục", ghi chép Quảng Bình có 494 cơ sở thờ tự Thành hoàng và lai lịch của từng vị thần”. Cũng theo tác giả Nguyễn Văn Tuân, trong các Thành hoàng, thì Thành hoàng có nguồn gốc nhân thần chiếm số lượng lớn nhất.
Trước đây, để tri ân các vị Thành hoàng, mỗi năm, các xóm làng trên địa bàn tỉnh đều tổ chức lễ hội làng, thường là vào các ngày thần húy và thần đản (tức là ngày mất và ngày sinh của Thành hoàng làng) hay ngày nhập tịch của làng. Ngày nay, do đời sống được nâng cao, vào dịp Tết đến, xuân về, các điểm thờ Thành hoàng làng trên địa bàn tỉnh đều tổ chức tế lễ để người dân địa phương và khách thập phương đến sinh hoạt tín ngưỡng và tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng.
Đơn cử như lễ hội cúng Thành hoàng làng Thượng Phong (Lệ Thủy) thờ bậc khai cư, khai canh nổi tiếng Hoàng Hối Khanh đã có công lập làng Tiểu Phúc Lộc trên 600 năm. Lễ hội được tổ chức vào ngày kỵ của ngài (6-6 âm lịch), ngày Lễ Hạ nguyên (15-10 âm lịch) với các hình thức lễ tế rước thần và hội hè vui chơi chọi gà, hò khoan, đánh cờ người, vật võ...
Lễ hội tưởng nhớ các bậc khai canh làng Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh) thờ cúng ba vị tổ họ Dương, Nguyễn, Trần được đồng suy tôn là Thành hoàng làng vào dịp rằm tháng 2 âm lịch với nhiều nghi lễ như: túc yết, chánh tế, rước, đại tế và mở hội với nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ.
Lễ hội tưởng niệm thần khai cư ở Thanh Trạch (Bố Trạch) được tổ chức tại lăng Ông vào ngày rằm tháng giêng. Mục đích lễ hội là tưởng nhớ Ông Ngư, người có công lập làng, cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Lễ hội thờ Thành hoàng làng Di Lộc (xã Quảng Tùng), Thành hoàng làng Lũ Phong (Quảng Phong) và lễ hội thờ thần khai cư làng Cảnh Dương (tổ chức vào 22-12 âm lịch để tưởng nhớ “Thập nhị hiền tục khẩn” (12 vị tiền hiền khai khẩn).
Lễ hội Thành hoàng ở xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) tưởng nhớ vị Thành Hoàng làng ở đây là ông Nguyễn Hữu Tưởng (nhân thần), vị tướng nhà Lê cầm quân chinh phạt Chiêm Thành (thời vua Lê Thánh Tông) rồi định cư lập làng nơi đây. Lễ hội được tiến hành vào dịp 1-12 âm lịch hàng năm…
Lễ hội Thành hoàng làng ở các địa phương trong tỉnh thường gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ thường diễn ra ở trong thần điện của đình, đền, miếu, chùa… Cùng với phần lễ, phần hội cũng mang nhiều nét văn hóa đặc sắc với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian như: bơi trải, vật cổ truyền, thi thổi cơm, kéo co...
Đã thành thông lệ, hàng năm, cứ vào ngày 16-6 âm lịch, người dân xã Hạ Trạch (Bố Trạch), dù ở gần hay xa, ở quê hay sinh sống ở nước ngoài đều trở về thành kính dâng những nén hương thơm lên Thành hoàng làng và các bậc tiền nhân tại đình làng Cao Lao Hạ để bày tỏ lòng tri ân đến những người đã khai sinh, lập nên làng Cao Lao Hạ (xã Hạ Trạch ngày nay), đồng thời cầu mong Thành hoàng và các bậc tiền nhân phù hộ, độ trì cho con cháu, người dân làng Hạ ở khắp mọi nơi được bình an, hạnh phúc, quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp…
Ông Nguyễn Chung Quý, cán bộ văn hóa xã Hạ Trạch cho biết: Đình làng Cao Lao Hạ được xây dựng, tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, cao ráo, nằm sát đường, mặt đình nhìn ra hướng bắc. Theo truyền khẩu và tìm hiểu qua các cụ cao niên thì đình làng Cao Lao Hạ được xây dựng cách đây trên 300 năm, là nơi thờ Thành hoàng làng cùng các vị đã có công khai canh, khai khẩn lập nên làng Cao Lao Hạ xưa-Hạ Trạch ngày nay và những người có công với quê hương, đất nước. Đồng thời, đây còn là nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội truyền thống của quê hương.
Ông Mai Xuân Thành cho biết thêm: Tục thờ phụng Thành hoàng làng đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh thể hiện đạo lý truyền thống của người dân, đồng thời gắn kết các cộng đồng dân cư, là cầu nối cho các thế hệ, qua đó phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, góp phần tô thắm thêm truyền thống văn hiến, văn hóa lâu đời của các làng quê.