Thơ Trương Trọng Nghĩa đăm đắm hồn quê

Đọc tập thơ 'Bay lên từ cánh đồng' (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, năm 2019) của Trương Trọng Nghĩa (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang), tôi giật mình thảng thốt. Giật mình vì trong khi phần đông các nhà thơ trẻ cùng thời nôn nóng đi tìm những tứ thơ 'độc', mới lạ cả về đề tài và cách thể hiện, thì Nghĩa lại tự tin quay về với ruộng đồng, lão nông, ông bà, cha mẹ, cô gái quê... - những người 'cánh đồng nhỏ thôi mà quanh quẩn cả một đời', vất vả làm mãi vẫn không hết việc và cũng không thể (hoặc không muốn) vượt ra khỏi cánh đồng ấy. Còn cánh đồng thì biết trả ơn, trả nghĩa 'trả cho chúng tôi những bát cơm thơm dẻo'.

Trên cánh đồng, dòng sông và làng quê trù phú ấy hầu như không có gì không đi vào thơ Nghĩa, từ con trâu cái cày, khói đốt đồng, ong bầu, ếch nhái, dế trũi, cà cuống, vạc sành, chim cò, sẻ nâu, kìm kìm, cá tôm mùa lũ...; cho đến vách đất nhà tranh, cầu tre, chú mèo lười nằm lim dim ngủ, gà vịt, nhện giăng tơ, hoa đậu biếc, hoa bần, mồng tơi, rau tập tàng, ơ cá kho, gáo dừa, chiếc sừng trâu treo góc nhà, cánh diều mắc cạn trên ngọn tre; cả đờn kìm, ca vọng cổ đêm trăng nữa... Tôi bị lạc vào thế giới thiên nhiên muôn hình, muôn màu, muôn âm thanh và cả những người dân quê quanh năm làm lụng, chân lấm tay bùn nhưng rất đôn hậu và hào sảng của miền đất Tây Nam bộ trong thơ Nghĩa. Và yêu quá những cảm xúc tươi trong, những bài thơ, câu thơ khó thể viết hay hơn khi người con đi xa có dịp trở về:

Về lặn ngụp bên khoảng sông

mênh mông ấu thơ tắm táp
Nơi góc vườn có những
nụ trâm ổi nở lặng lẽ chờ ta
Về nghe những lũ chim gì đó hót sau nhà
Con ong bầu náu mình nơi
cột nhà nghe lời ru cánh võng
Đêm có tiếng ếch nhái gọi trăng
bên con mương nhỏ
Và ta là chú dế trũi lang thang...
(Một ngày...)

“Về ngắm khói đốt đồng mà lòng bình yên quá đỗi”. Bình yên cả “gã mèo khoanh tròn trên giàn bếp ngủ vùi”, “đàn nhện cứ cần mẫn giăng giăng nỗi nhớ”. Trên bờ rào “hoa đậu biếc cứ vô tình tím mộng, tím mơ”… Nhưng không thể mơ mộng mãi được, nên “ra sau nhà hái đầy rổ mồng tơi / Bữa cơm chiều chén canh rau tập tàng, ơ cá kho quê kiểng”…

Không chỉ tả thực, thơ Nghĩa còn đậm chất ưu tư. Cái ưu tư trăn trở của người con biết mình còn mắc nợ quê hương: Cái nợ sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, của tình làng nghĩa xóm và đồng đất quê hương.

Tôi ra đi nợ cánh đồng

lời tạ lỗi
Khi hạt cơm thơm dẻo còn
dính ở khóe môi
Chén canh rau tập tàng còn

ngọt ngào đầu lưỡi
Mùi bùn đất còn nghe ngai ngái
Khói đốt đồng chiều hôm ấy còn cay
Nợ cả sự trăn trở của người cha:
Một thời con trâu cái cày,
đồng sâu ruộng cạn
Giờ trai tráng bỏ làng lên thành phố
Đêm đêm cha thao thức cùng

tiếng vạc sành nỉ non
(Bay lên từ cánh đồng)
Nợ và thấm thía nhất là khi:
Tôi đi dọc triền sông nước lớn
Gặp lại tuổi thơ chú lìm kìm

tung tăng đùa bóng nước
Nhánh lục bình cũng khơi chuyện cũ xa xôi...
(Với khúc sông nho nhỏ)

Ai cũng có một thời tuổi thơ để nhớ, để giật mình khi gặp lại. Nhưng đối với Nghĩa thì đằm chín quá khi đi trên “cánh đồng lớn”. Ở cánh đồng ấy, cha đã bán trâu mua máy cày. Mừng cho quê hương đổi mới nhưng Nghĩa vẫn hoài vọng về thời “cánh đồng nhỏ”, nếp nhà tranh, cầu tre lắt lẻo... Mãi hoài tưởng để tác giả phải giật mình khi “từng bầy sẻ nâu bay vút lên”. Nhưng trong sau thẳm thì nhận biết được cả “hương lúa nồng nàn chiều quê hát lời rơm rạ”. Nghĩa có lý do để đăm đắm và hoài vọng. Bởi “ngày tôi sinh bìm bịp khản giọng gọi con nước lớn”, “lũ ngập trắng đồng”, “giữa đỉnh triều mẹ một mình vượt cạn” cho con nên vóc nên hình. Và:

Tôi lớn lên theo từng đàn cá linh về
Từng mùa lũ trắng đồng,
cánh cò mê mải
Bát cơm xanh xanh màu đọt choại
Ơ cá rô kho mặn đắng bờ môi
(Quê nhà)
Hình ảnh quê nhà dù còn nhiều khó khăn nhưng ân tình quá. Chính vì vậy, dù đi đâu, ở đâu tác giả cũng nhớ về quê nhà, về mái nhà xưa. Ở đó có mẹ già tảo tần hôm sớm, có cô hàng xóm vội vã lấy chồng. “Đứng trước nền nhà cũ” Nghĩa thảng thốt tự hỏi:

Đâu khói bếp ám khói chiều nồng ấm
Rau tập tàng mẹ nấu canh chua
Vị cà cuống nướng dầm nước mắm
Đọng trong tôi mãi đến bây giờ.

Tuyệt quá. Mạch thơ như chính cuộc sống cứ cuồn cuộn chảy về trong tiềm thức. Phải chăng nhà thơ Trương Trọng Nghĩa đã trả nợ cho quê hương, cho đấng sinh thành và những ân tình của mình bằng những bài thơ chắt ra từ gan ruột, từ lòng biết ơn, sự tự hào, làm rung động trái tim người đọc...
Nhà thơ nào khơi gợi được niềm cảm xúc đẹp của người đọc khiến họ rung cảm và đồng điệu với trái tim mình thì người đó thành công. Trương Trọng Nghĩa đã thành công, đã “Bay lên từ cánh đồng”. Hy vọng tác giả còn bay cao, bay xa hơn nữa.

Nhà thơ VÕ THỊ KIM LIÊN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202011/tho-truong-trong-nghia-dam-dam-hon-que-913116/