Thỏa thuận Abraham: Thay đổi địa chính trị Trung Đông

Thỏa thuận mà Israel và Các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất vừa đạt được là bước đột phá ngoại giao lịch sử, giúp thúc đẩy hòa bình Trung Đông, mở ra tiềm năng mới, to lớn cho cả khu vực.

Những nhân vật chính của Thỏa thuận Abraham (từ trái sang): Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Những nhân vật chính của Thỏa thuận Abraham (từ trái sang): Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Israel và Các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE) vừa đạt được thỏa thuận về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian hòa giải. Thỏa thuận được coi như một cơn địa chấn chính trị tại Trung Đông. Vậy thỏa thuận này có tạo ra một kỷ nguyên mới giữa Israel và thế giới Ả-Rập, có biến sa mạc khô cằn Trung Đông thành vùng đất nở hoa?

Cơn địa chấn tại Trung Đông

Các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE) và Israel hôm 13.8 vừa qua đã ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao (trong thế giới Ả-Rập hiện mới có hai nước Ai Cập và Jordan đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel) trong một thời điểm lịch sử. Dư luận tại khu vực Trung Đông và thế giới cho rằng dù thỏa thuận không đem lại hòa bình cho khu vực, nhưng thỏa thuận Israel – UAE đánh dấu sự thay đổi quan điểm mang tính thế hệ về Palestine. Con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump ông Lared Kushner vốn là trung gian thúc đẩy để Israel và UAE bắt tay với nhau đã giải thích về tên của thỏa thuận Abraham giữa Israel và UAE đầy hàm ý rằng “Hiệp ước Abraham theo tên của cha đẻ các tôn giáo một thần được sáng lập ở khu vực Trung Đông bao gồm Cơ Đốc giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo”. Theo thỏa thuận, phía Israel đồng ý ngừng kế hoạch áp đặt chủ quyền đối với vùng lãnh thổ bờ Tây. Trong tuyên bố chung ba nước Mỹ - Israel - UAE nhấn mạnh: “Hiệp ước Abraham là bước đột phá ngoại giao lịch sử, giúp thúc đẩy hòa bình Trung Đông, mở ra tiềm năng mới, to lớn cho cả khu vực”. Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi các nước Ả-Rập “theo gương” UAE để làm tan băng trong quan hệ với Israel. Phía UAE tuyên bố vẫn ủng hộ người Palestine và một nhà nước Palestine có chủ quyền và hiệp ước Abraham sẽ ngăn chặn việc sáp nhập các vùng lãnh thổ Palestine trong tương lai. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel chỉ tạm hoãn việc sáp nhập chứ không hủy bỏ kế hoạch sáp nhập khu bờ Tây. Các nước bên ngoài khu vực Trung Đông như Nga, Anh, Pháp, Đức… hoan nghênh Israel và UAE bình thường hóa quan hệ và kêu gọi Israel từ bỏ việc sáp nhập bờ Tây. Sau khi Israel và UAE ký thỏa thuận Abraham, dư luận thế giới đặc biệt quan tâm đến phản ứng của phía Palestine và Cộng hòa hồi giáo Iran.

Về phía Palestin: Ngay sau khi ông Kushmer đưa ra “kế hoạch hòa bình” Trung Đông kêu gọi Israel và Palestin thiết lập hòa bình với việc Israel có thể sáp nhập 30% khu bờ Tây – nơi sinh sống của hầu hết những người định cư Israel và Palestine, có thể có một nhà nước phi quân sự với 70% diện tích còn lại cùng một số thỏa thuận hoán đổi đất đai với Israel, phía Palestine đã bác bỏ hoàn toàn kế hoạch của con rể Tổng thống Donald Trump. Sau khi Israel và UAE đạt được thỏa thuận Abraham, Tổng thống Palestine ông Mahmoud Abbas và tổ chức giải phóng Palestine (PLO) bác bỏ thỏa thuận giữa UAE và Israel, coi đây là bước đi ngược chiều đồng thuận trong cộng đồng Ả-Rập và sự nghiệp của người Palestine. Các phong trào Fatah và Hamas của Palestine cũng cho rằng Hiệp ước Abraham không đồng nghĩa trao cho Israel tính hợp pháp khi chiếm đóng đất đai của người Palestin.

Phía Iran: Ngay sau khi Israel và UAE đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao, phía Iran đã bác bỏ thỏa thuận này. Tổng thống Iran Hassan Roahani đã tuyên bố rằng UAE đã “phạm sai lầm lớn” khi bình thường hóa quan hệ với Israel và coi đây là sự phản bội của một quốc gia vùng vịnh đối với người Palestine. Phía UAE đã triệu đại sứ Iran tại UAE để phản đối và cho rằng phát biểu của tổng thống Iran là “không thể chấp nhận, mang tính kích động và ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh và ổn định tại vùng vịnh Ả-Rập”. Giới phân tích cho rằng sau khi UAE bình thường hóa quan hệ với Israel, rất có thể trong tương lai không xa các quốc gia vùng vịnh khác như Bahrain, Oman sẽ theo chân UAE. Đối với Saudi Arabia một cường quốc khu vực có chung mục tiêu với Israel là chống Iran sẽ có những bước đi của riêng mình để cùng các quốc gia vùng vịnh theo đạo Hồi hệ phái Sunni chống lại cường quốc khu vực là Iran theo đạo Hồi dòng Shite.

Tạo cục diện chính trị mới

Một vấn đề nóng đã tồn tại nhiều thập kỷ qua tại vùng vịnh (khu vực Trung Đông) đó là mâu thuẫn giữa Iran với các nước Ả-Rập trong khu vực và giữa Iran với Israel (Iran không công nhận sự tồn tại của nhà nước Do Thái Israel), do đó các nước Ả-Rập vùng vịnh luôn coi Iran là “kẻ thù”. “Kẻ thù” Iran đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc nối lại quan hệ giữa các nước Ả-Rập vùng vịnh với Israel. Một điều đáng lưu ý là các nước Ả-Rập vùng vịnh đều là đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc đối đầu giữa các nước này với Iran. Nhưng quan điểm về mối đe dọa Iran của các nước vùng vịnh không giống nhau. Những nước phản đối Iran cho rằng nước này can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác bằng cách hỗ trợ, cung cấp tài chính và triển khai một số nhóm vũ trang trong khu vực. Nhưng các nước như Kuwait, Qatar và Oman đều có quan hệ với Iran. Trong khi đó thì Saudi Arabia và Bahrain theo đường lối cứng rắn vẫn cương quyết tẩy chay Iran, còn UAE và Israel có quan điểm giống nhau hơn về mối đe dọa chung từ Iran đối với khu vực.

Có một vấn đề cần lưu ý là mục tiêu chung của Mỹ trong khu vực vùng vịnh, Mỹ vẫn coi Iran là mục tiêu chính nên khi bước vào nhà Trắng Tổng thống Donald Trump không thể xóa mục tiêu chung của Mỹ với Iran. Do đó mấy năm qua Tổng thống Donald Trump đã thực thi nhiều biện pháp cứng rắn đối với Iran, nên thỏa thuận Abraham đạt được giữa Israel và UAE là điều rất đáng giá đối với ông Donald Trump trong thời điểm hiện tại và rất có thể thỏa thuận Abraham sẽ ghi thêm điểm cho ông trong cuộc chạy đua tái cử vào tháng 11 tới đây tại Mỹ. Như vậy, sự đoàn kết công khai giữa Israel và UAE đã giúp Tổng thống Mỹ kiên quyết hơn với “chiến lược” chống Iran của ông và theo giới phân tích thì Iran là trung tâm hội tụ lợi ích giữa Israel và UAE hai quốc gia luôn xem Iran là mối đe dọa sống còn và bước đi của hai quốc gia này chính là cú hích cho việc chống Iran trong khu vực. Đối với Iran, bà Barbama Slavin - giám đốc chương trình Sáng kiến tương lai cho Iran, thuộc hội đồng Đại Tây Dương cho rằng liên minh mới hình thành (Israel – UAE) là khởi đầu cho việc thể hiện sức mạnh ngoại giao và đối thoại và đó là những gì Iran phải để tâm tới. Bà nói: “giới lãnh đạo Iran cần cân nhắc đến sự lỗi thời và phản tác dụng của lập trường không chịu thừa nhận Israel (Sự tồn tại của nhà nước Do Thái) mà lâu nay họ vẫn giữ… Iran cần nhanh chóng có các cuộc đối thoại giữa tất cả các bên trong khu vực đặc biệt là những đối thủ lâu năm”.

Câu hỏi đặt ra là thỏa thuận Abraham giữa Israel và UAE liệu có thay đổi động lực chính trị tại khu vực Trung Đông? Theo giới phân tích thỏa thuận Abraham chắc chắn sẽ có thay đổi vì việc xích lại gần Israel và UAE nhiều khả năng sẽ khoét sâu hơn những căng thẳng nội bộ thế giới Ả-rập nhưng không đến mức nảy sinh những bất đồng mới và rất có thể một số nước Ả-rập, cụ thể là những nước trong vòng ảnh hưởng của Iran sẽ tìm cách đình chỉ hoặc tước bỏ tư cách thành viên liên đoàn Ả-rập của UAE. Nhưng UAE lại là thành viên của một nhóm các nước Ả-rập mạnh như Saudi Arabia, Ai Cập, Jordan và nhiều nhân tố khác, họ chắc chắn sẽ không để liên minh bị ảnh hưởng tiêu cực. Cũng theo lý giải của giới phân tích, thỏa thuận Abraham giữa Israel và UAE đạt được dưới sự bảo trợ của Mỹ nhưng không thể không tính đến nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giới phân tích Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, UAE và Qatar đều từng nằm trong khối thân Mỹ ở Trung Đông. Mối quan hệ của họ trở nên xấu đi khi sự kiện mùa xuân Ả-rập nổ ra cách đây gần chục năm. Khi đó Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ các cuộc nổi dậy của các phong trào dân túy như tổ chức Anhem hồi giáo, trong khi UAE ủng hộ các chế độ đã được thành lập. Mặt khác, Israel và UAE có chung nhận thức về mối đe dọa từ Iran theo cách riêng của họ và sau đó họ cũng nhất trí về tổ chức Anhem hồi giáo và Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa gần đây Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tỏ rõ sức mạnh của mình ở vùng biển Địa Trung Hải tranh chấp với Hy Lạp và chống lại tướng Kalifa Haffal tại Lybia trong khi Israel và UAE lại ủng hộ còn Israel đã ra tuyên bố ủng hộ Hy Lạp trong cuộc tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Có thể nỏi rằng thỏa thuận lịch sử giữa Israel và UAE là bước đột phá trong quan hệ giữa Israel và thế giới Ả-rập nhưng điều này không đồng nghĩa với việc “Bình thường hóa” thực sự lâu dài giữa Israel với các nước láng giềng Ả-rập mà nó cần đến sự hiểu biết tôn trọng nhau giữa cả hai bên. Và chừng nào Israel tạo dựng mối liên kết riêng lẻ với các quốc gia Ả-rập mà không giải quyết vấn đề cốt lõi gây ra mối thù hận giữa người Ả-rập với người Do Thái, tức là cảnh ngộ của người Palestine thì chừng đó mọi liên kết của Israel vẫn chỉ được thiết lập với các nhà cầm quyền và lãnh đạo riêng lẻ của một nước Ả-rập cụ thể chứ không phải với các quốc gia Ả-rập nói chung. Do đó hòa bình tại khu vực này không thể bỏ qua đàm phán ngoại giao để hiểu nhau, tôn trọng chủ quyền và thể chế của Israel và cộng đồng các quốc gia Ả-rập thì mới hi vọng chấm dứt căng thẳng và bạo lực từng bước tiến tới hòa bình tại Trung Đông như mong muốn của người do thái sẽ “khiến sa mạc khô cằn trở thành vùng đất nở hoa”.

HẢI HÀ

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/binh-luan/thoa-thuan-abraham-thay-doi-dia-chinh-tri-trung-dong-145032