Thỏa thuận bô xít của Trung Quốc với Ghana: Bẫy nợ, ô nhiễm môi trường và các mối đe dọa tiềm ẩn

Theo thỏa thuận được ký kết giữa Trung Quốc và Ghana vào năm ngoái, Bắc Kinh sẽ tài trợ cho Ghana mạng lưới đường sắt, đường bộ và cầu trị giá 2 tỷ USD, đổi lại, Trung Quốc sẽ được cấp 5% trữ lượng bô xít của Ghana.

Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu giai đoạn một trong dự án xây dựng đường bộ lớn ở Ghana, như một phần của thỏa thuận cơ sở hạ tầng trị giá 2 tỷ USD, cho phép Bắc Kinh tiếp cận với trữ lượng bô xít của đất nước này.

Thỏa thuận này gây nên sự chỉ trích lớn từ các nhà hoạt động môi trường, phe đối lập chính trị và các đối tác đầu tư quốc tế. Một báo cáo mới từ nhóm tư vấn rủi ro EXX Châu Phi nhấn mạnh, sự thiếu minh bạch và mối đe dọa đối với tính bền vững của các khoản nợ.

Thỏa thuận Bô xít giữa Ghana và Trung Quốc có nhiều mối đe dọa tiềm tàng

Thỏa thuận Bô xít giữa Ghana và Trung Quốc có nhiều mối đe dọa tiềm tàng

Tuần trước, một phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Sun Chunlan dẫn đầu đã đồng ý tiến hành đợt tài trợ đầu tiên trị giá 649 triệu USD cho các dự án xây dựng đường bộ trên toàn Ghana sau cuộc hội đàm song phương với Phó Tổng thống Ghana Mahamadu Bawumia.

Các dự án thuộc giai đoạn 1 thuộc về Tập đoàn bảo hiểm tín dụng và xuất khẩu Trung Quốc, được gọi là Sinenses, và 6 dự án tiếp theo sẽ được xác nhận vào cuối năm nay.

Là một phần của thỏa thuận được ký kết giữa hai quốc gia vào năm ngoái, Bắc Kinh sẽ tài trợ cho mạng lưới đường sắt, đường bộ và cầu trị giá 2 tỷ USD, và đổi lại, Trung Quốc sẽ được cấp 5% trữ lượng bô xít của Ghana.

Bắc Kinh đồng thời đã củng cố thỏa thuận này bằng cách cam kết tài trợ 100 xe ô tô cho Sở cảnh sát Ghana và cung cấp khoản tài trợ trị giá 300 triệu Nhân dân tệ (42,7 triệu USD) và đồng thời xóa khoản nợ 250 triệu Nhân dân tệ.

Trung Quốc trước đó đã có một thỏa thuận tương tự với Guinea, trao đổi khoản vay 20 tỷ USD trong hai thập kỷ tới để tiếp cận với quặng bô xít. Từ năm 2000 đến 2017, Trung Quốc đã đồng ý khoảng 143 tỷ USD cho vay cơ sở hạ tầng trên khắp lục địa đen.

Một công nhân đang khai thác bô xít ở Úc

Một công nhân đang khai thác bô xít ở Úc

Elizabeth Stephens, giám đốc điều hành tại công tư Tư vấn rủi ro địa chính trị, nói với CNBC rằng: “Những thỏa thuận cao cấp được ca ngợi là sẽ đưa ra một con đường chung để thịnh vượng, nhưng thường không thể giúp các quốc gia châu Phi thoát khỏi cảnh nghèo đói”.

“Điều này là do các chính phủ châu Phi thường thiếu ý chí hoặc năng lực để đảm bảo số tiền thu được từ các dự án lớn có hiệu quả như mong muốn và đồng thời các nhà đầu tư Trung Quốc cũng không coi đây là điều kiện tiên quyết của đầu tư”, bà nói thêm.

Các khoản nợ bền vững?

Tuần trước, sau chuyến thăm IMF mới nhất, Bộ trưởng Tài chính Ghana, Ken Ofori-Atta đã cam kết tăng 21% chi tiêu, hứa hẹn tăng mức lương của khu vực công cao hơn và xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng hơn. Ông cũng công bố kế hoạch vay 3 tỷ USD trên thị trường nợ quốc tế.

Một báo cáo đặc biệt được công bố vào thứ ba bởi các nhà phân tích tại EXX Châu Phi đã nhấn mạnh một số lo ngại trong kế hoạch chi tiêu của chính phủ Ghana.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, các cam kết chi tiêu của Ofori-Atta sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách lên 4,7% GDP vào năm 2020 từ con số 4,5% vào năm 2019.

Theo báo cáo của IMF, Ghana có lịch sử chi tiêu mạnh mẽ trong các chu kỳ bầu cử và mức tăng được đề xuất này đến vào thời điểm tăng trưởng kinh tế chậm lại, với GDP dự kiến sẽ giảm từ 7,46% vào năm 2019 xuống 5,61% vào năm 2020 và 4,22% vào năm 2022.

Trong khi đó, mức nợ của chính phủ dự kiến sẽ ở mức 63% GDP hiện tại trong những năm tới, làm trầm trọng thêm mối lo ngại về tính bền vững của các khoản nợ tại một quốc gia được IMF cứu trợ trong năm 2015, trong bối cảnh ngân sách kinh niên của Ghana bị thâm hụt, và quốc gia hiện được xếp hạng có nguy cơ cao về nợ khó khăn.

Ô nhiễm môi trường

Hoạt động khai thác bô xít có thế gây ra ô nhiễm môi trường trên diện rộng ở Ghana

Hoạt động khai thác bô xít có thế gây ra ô nhiễm môi trường trên diện rộng ở Ghana

Có nhiều lo ngại rằng, mỏ bô xít này, ở vùng rừng núi Atewa, có thể gây ô nhiễm ba con sông lớn - nơi cung cấp nước uống cho ba khu vực lớn của Ghana, trong đó có một triệu người ở Accra.

“Việc các nghiên cứu về tác động của dự án đến môi trường không được công bố công khai cũng là một mối lo ngại”, theo bà Elizabeth Stephens.

Ủy ban Tài nguyên Nước đã bày tỏ lo ngại về sự ô nhiễm đối với các con sông này, trong khi Sở Lâm nghiệp Hoa Kỳ vào tháng 3 đã cung cấp một tư vấn kỹ thuật về Atewa, trong đó cảnh báo về tiềm năng và ảnh hưởng lâu dài đến khu rừng và nguồn nước.

Phó Tổng thống Ghana Mahamadu Bawumia, tuần trước đã làm dịu dư luận bằng bằng tuyên bố bắt đầu công việc xây dựng dự án trị giá 130 triệu USD do Trung Quốc tài trợ để nâng cấp các cơ sở đào tạo và trang thiết bị tại 15 trường đại học kỹ thuật Ghana.

Tuy nhiên, bà Stephens đã cảnh báo về sự tham gia của việc tài trợ giáo dục cũng có thể là một phương tiện để Trung Quốc can thiệp vào sự phát triển sức mạnh mềm của quốc gia này.

“Việc tài trợ xây dựng trường học và trường đại học có khả năng cho phép Trung Quốc tạo ra ảnh hưởng đáng kể đối với chương trình giảng dạy vào thời điểm mà có nhiều mối quan tâm đang được đặt ra về việc các khoản đầu tư của Trung Quốc được sử dụng để gây ảnh hưởng đến việc giảng dạy tại các trường đại học châu Phi”. Bà Stephens nói.

Theo Dân trí

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thoa-thuan-bo-xit-cua-trung-quoc-voi-ghana-bay-no-o-nhiem-moi-truong-va-cac-moi-de-doa-tiem-an-556637.html