Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ gặp trắc trở

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, còn gọi là OPEC+ không thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng sau khi Mexico từ chối hạn mức cắt giảm của nước này và đề nghị hạ con số từ 400.000 xuống 100.000 thùng/ngày.

Tại cuộc họp trực tuyến diễn ra ngày 9-4, các quốc gia thành viên OPEC+, dẫn dầu là Arab Saudi và Nga, đã nhất trí cắt giảm hơn 20% sản lượng dầu thô của mình trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu dầu thô nghiêm trọng. Theo đó, Saudi Arabia và Nga đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thô tới 10 triệu thùng/ngày trong hai tháng, kể từ ngày 1-5 tới. Cụ thể, Saudi Arabia sẽ giảm 3,3 triệu thùng/ngày, Nga giảm 2 triệu thùng/ngày, các thành viên khác trong OPEC+ giảm 5 triệu thùng/ngày. Từ tháng 7 trở đi, OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô xuống còn 8 triệu thùng/ngày. Bắt đầu từ tháng 1-2021 cho đến tháng 4-2022, mức giảm sản lượng sẽ lùi về còn 6 triệu thùng/ngày. Nếu được thông qua, đây sẽ là đợt cắt giảm sản lượng lịch sử trong ngành dầu mỏ thế giới.

 OPEC đau đầu với bài toán cắt giảm sản lượng dầu.Ảnh: EPA.

OPEC đau đầu với bài toán cắt giảm sản lượng dầu.Ảnh: EPA.

Tuy nhiên, Mexico đã phản đối hạn mức cắt giảm của nước này. Theo Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mexico Rocío Nahle, Mexico sẵn sàng giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày trong hai tháng tới, chứ không phải 400.000 thùng/ngày theo yêu cầu của OPEC. Sự phản đối của Mexico khiến cuộc họp trực tuyến của OPEC+ kết thúc mà không có một thỏa thuận dứt khoát. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, OPEC+ đã nêu chi tiết mức giảm sản lượng, tuy nhiên có lưu ý rằng thỏa thuận “đã được nhất trí bởi tất cả thành viên OPEC cũng như các nước đối tác, ngoại trừ Mexico. Do đó, thỏa thuận đang phụ thuộc vào sự đồng ý của Mexico”.

Trong một phản ứng của thị trường, giá dầu ngày 10-4 đã giảm mạnh trong khi chờ đợi một thỏa thuận chính thức của các nước OPEC+. Giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giảm 9,3%, xuống còn 22,76USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 4,1%, xuống còn 31,48USD/thùng.

Theo nhận định của giới phân tích, mức cắt giảm dự kiến của OPEC+ lên đến 10 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu, bên cạnh mức cắt giảm thêm 5 triệu thùng/ngày được kỳ vọng sẽ đến từ các nước sản xuất dầu ngoài OPEC nhằm góp phần ứng phó với cuộc khủng hoảng dầu mỏ nặng nề nhất trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên, trước tác động từ những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đã giảm khoảng 30 triệu thùng/ngày, tương đương 30% nguồn cung trên toàn thế giới. Vì vậy, tổng mức cắt giảm 15 triệu thùng/ngày chưa từng có nói trên vẫn không đủ để kìm hãm sự gia tăng trong nguồn cung dầu toàn cầu.

Sau khi OPEC+ không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng dầu, tâm điểm chú ý được chuyển sang cuộc họp các Bộ trưởng Năng lượng của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) do Saudi Arabia giữ chức Chủ tịch, được tổ chức trong ngày 10-4, giờ địa phương. Nếu G20 đồng thuận giảm sản lượng đến 5 triệu thùng/ngày thì mức đóng góp của các nhà sản xuất lớn như Mỹ và Canada có thể thúc đẩy nỗ lực hồi sinh giá dầu. Trước đó, Chủ tịch nhóm G20 cho biết, cuộc họp được tổ chức nhằm “thúc đẩy đối thoại và hợp tác toàn cầu để bảo đảm tính ổn định cho thị trường năng lượng và duy trì sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu”.

Trong một động thái bất ngờ, trước ngày diễn ra cuộc họp các Bộ trưởng Năng lượng G20, Quốc vương Saudi Arabia Salman, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm, trong đó nhấn mạnh các nước sản xuất dầu mỏ cần hợp tác để duy trì ổn định của các thị trường năng lượng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/thoa-thuan-cat-giam-san-luong-dau-cua-opec-gap-trac-tro-614909