Thỏa thuận hạt nhân Iran đứng trước bờ vực thẳm

Tuần qua, nhiều cường quốc trên thế giới 'sục sôi' trước tuyên bố mới của Iran về việc làm giàu uranium ở mức 5%. Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) khẳng định, Iran đã từng thực hiện làm giàu uranium ở mức 20% trong quá khứ và tới đây, quốc gia Hồi giáo này hoàn toàn có khả năng làm giàu uranium ở mức 20%, 60% hoặc bất kỳ mức độ nào.

Một góc bên trong cơ sở chuyển đổi uranium của Iran. Ảnh: AP

Một góc bên trong cơ sở chuyển đổi uranium của Iran. Ảnh: AP

Không chỉ dừng lại ở việc thu hẹp thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), những động thái mới từ phía Iran đang đẩy JCPOA đứng trước nguy cơ sụp đổ. Thỏa thuận được ký kết vào năm 2015 giữa Iran và nhóm các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức (P5+1), trong đó, Iran chỉ được phép làm giàu uranium ở giới hạn 3,67%. Tuy nhiên, việc Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA vào giữa năm ngoái và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran là một trong những yếu tố quan trọng khiến Iran bất tuân thỏa thuận.

Ngày 7-11, Iran đã bơm khí uranium vào các máy ly tâm tại các cơ sở tại miền Nam và miền Trung nước này. Iran đưa ra sức ép với lời kêu gọi các nước trong thỏa thuận JCPOA khẩn trương tìm ra giải pháp giúp Iran tránh khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ, đổi lại sẽ là “gió đảo chiều” trong chính sách hạt nhân mà Iran đang và sẽ tiến hành.

Ngày 9-11, trong chuyến thăm tới Moskva, Nga,Thứ trưởng Ngoại giao Iran Seyed Abbas Araghchi tuyên bố, nếu không tìm được giải pháp xử lý các khủng hoảng, JCPOA có thể sẽ sụp đổ chỉ trong vài tháng tới đây. Iran quyết tâm thực hiện các chính sách của mình và sự sụp đổ của thỏa thuận này có thể xảy ra ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020.

Ông Araghchi cũng cáo buộc các nước trong thỏa thuận này đã không tuân thủ các cam kết và Iran có quyền khôi phục làm giàu uranium. Những cam kết về lợi ích kinh tế mà các nước hứa hẹn dành cho Iran khi ký thỏa thuận JCPOA đã không diễn ra. Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh, Iran sẽ quay trở lại thực hiện đúng theo cam kết chỉ khi các nước tuân thủ và thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết của mình.

Ngoại trưởng Nga Sergei Ryabkov khẳng định, Iran không có vũ khí hạt nhân và Nga kỳ vọng Iran không bao giờ có vũ khí hạt nhân. Đồng thời, ông Ryabkov cũng cho biết, hiện đã có mạng lưới pháp lý quốc tế cùng các cơ chế kiểm soát điều này. Việc cắt giảm các thỏa thuận JCPOA mà Iran đang thực hiện cũng không gây ra mối đe dọa về vũ khí hạt nhân. Nga ủng hộ chương trình hạt nhân của Iran với mục đích hòa bình chứ không phải để tạo ra vũ khí hủy diệt thế giới.

Sau những tuyên bố cứng rắn của Iran, Quốc vụ khanh phụ trách Bộ Ngoại giao Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Anwar Gargash cũng đã lên tiếng kêu gọi Iran và các nước liên quan cần ngồi vào bàn đàm phán để kiềm chế căng thẳng đang gia tăng. Không chỉ các biện pháp ngoại giao có hiệu quả cao trong vấn đề hạt nhân Iran mà việc đàm phán còn xoa dịu căng thẳng về an ninh tại Trung Đông, khu vực mà Iran đang dồn lực gia tăng sức ảnh hưởng.

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, hành động cứng rắn của Iran thời gian qua là một cách tạo sức ép đối với các nước đối tác, khi Iran đang một mình đối chọi với sự trừng phạt từ Mỹ. Tuy nhiên, đây có thể là “con dao 2 lưỡi” và sẽ đem lại những điều bất lợi không như kỳ vọng đối với Iran. Điển hình là việc Iran đang tạo ra sức ép đẩy các nước châu Âu rời xa mình và đứng về phía Mỹ, thay vì với mục đích kéo họ về phía ủng hộ mình. Mặc dù các nước này đều đang có quan hệ đồng minh phụ thuộc với Mỹ, đồng thời là đối tác của Iran, nhưng để trở thành “cầu nối” xoa dịu căng thẳng Mỹ - Iran thì là điều khó có thể làm được.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thoa-thuan-hat-nhan-iran-dung-truoc-bo-vuc-tham/