Thỏa thuận hạt nhân Iran: Giữa những tín hiệu sáng, Mỹ có tuyên bố bất ngờ ; Nga phản pháo các 'búa rìu'
Ngày 30/3, Bộ Tài chính Mỹ bất ngờ tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một công dân Iran và mạng lưới công ty của người này vì đã hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran.
Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, ông Mohammad Ali Hosseini cùng các công ty thu mua vật liệu của ông có liên quan nhiên liệu dùng để đẩy tên lửa đạn đạo của một đơn vị trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), vốn phụ trách hoạt động nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ thông báo, các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào công ty Parchin Chemical Industries của Iran.
Hôm 27/3, theo ông Kamal Kharazi, cố vấn cấp cao của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei, nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ không vượt qua "giới hạn đỏ" của mình và không chấp nhận đầu hàng trong đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 tại Vienna (Áo), hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Ông Kharazi nhấn mạnh rằng, kết quả đàm phán cần có ý chí chính trị của Mỹ.
JCPOA được Iran ký với nhóm P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức, vào năm 2015. Thỏa thuận này đã đứng bên bờ vực đổ vỡ sau khi vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Điều này đã khiến Iran từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận trên và thúc đẩy các chương trình hạt nhân đã tạm dừng trước đó.
Các bên đã tổ chức 8 vòng đàm phán từ tháng 4/2021 để khôi phục JCPOA. Các cuộc đàm phán được đánh giá lạc quan và đang đi đến giai đoạn cuối, tuy nhiên vẫn chưa đạt thỏa thuận.
Liên quan vấn đề này, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, sẽ mất vài ngày nữa hay có thể là vài tuần để đạt được thỏa thuận khôi phục JCPOA, đồng thời khẳng định "Nga đã làm mọi việc có thể để đảm bảo rằng kết quả là khả quan".
Bên cạnh đó, ông Ryabkov khẳng định: “Tôi hoàn toàn bác bỏ những cáo buộc rằng Nga đã cố tạo ra những thay đổi hoặc đưa ra yêu cầu vào thời điểm cuối cùng trong các cuộc đàm phán này”.
Trước đó, trong một cuộc đàm phán, Nga đã đưa ra các yêu cầu nhằm bảo vệ hoạt động thương mại của nước này với Iran, trong bối cảnh Moscow phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt vì phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Đòi hỏi này khi đó khiến nhiều nước lo ngại việc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran có nguy cơ đổ vỡ.
Tuy nhiên, ngày 28/3, Đại diện cấp Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nói rằng: "Nga đã bãi bỏ các phản đối của mình và không còn là vấn đề nữa".
(theo Sputnik, Reuters)