Thỏa thuận hạt nhân Iran: Nga từ bỏ phản đối, EU nói vẫn còn chướng ngại

Theo Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran là 'trong tầm tay' nhưng vấn đề về 'yếu tố thế chấp' chưa được giải quyết có thể phá hỏng mọi thứ.

Lực lượng IRCG của Iran vẫn còn nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của Mỹ, đây là vấn đề khúc mắc trong đàm phán hạt nhân. (Nguồn: Anadolu)

Lực lượng IRCG của Iran vẫn còn nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của Mỹ, đây là vấn đề khúc mắc trong đàm phán hạt nhân. (Nguồn: Anadolu)

Phát biểu trong phiên điều trần trước Nghị viện châu Âu (EP) ngày 28/3, ông Borrell giải thích: "Nga đã bãi bỏ các phản đối của mình và không còn là vấn đề nữa. Tuy nhiên, một yếu tố thế chấp, đó là tư cách của một số tổ chức của Iran như là tổ chức khủng bố không được giải quyết".

Bên cạnh đó, Đại diện cấp cao của EU cảnh báo "một thỏa thuận nằm trong tầm tay nhưng không có gì đảm bảo chúng tôi có thể hoàn thành".

Hiện Tehran đang yêu cầu loại bỏ lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) - lực lượng quân sự tinh nhuệ của Iran chịu trách nhiệm bảo vệ chế độ Hồi giáo khỏi các mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài - khỏi danh sách "các tổ chức khủng bố" của Washington.

Trước đó, trong cuộc đàm phán hạt nhân gần đây, Nga đã đưa ra các yêu cầu nhằm bảo vệ hoạt động thương mại của nước này với Iran, trong bối cảnh Moscow phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt vì phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Đòi hỏi này khi đó khiến nhiều nước lo ngại việc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran có nguy cơ đổ vỡ.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian ngày 27/3 cho biết, việc "thu được tất cả các lợi ích kinh tế và bãi bỏ các lệnh trừng phạt" là một ưu tiên hàng đầu của Iran trong các cuộc đàm phán hạt nhân.

Theo ông Abdollahian, Tehran đã tham gia các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) một cách nghiêm túc và đưa ra tất cả các sáng kiến cần thiết để đạt được một thỏa thuận. Các bên khác, đặc biệt là Mỹ, nên có cách tiếp cận thực tế để tạo điều kiện giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.

Nhà ngoại giao Iran nhận định, việc Washington không có một quyết định mang tính chính trị nào để dỡ bỏ lệnh trừng phạt, vốn trói buộc lợi ích kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo, đang cản trở các bên tham gia đàm phán đi đến một thỏa thuận chung.

Năm 2015, Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc trên thế giới, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, tháng 5/2018, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran, khiến nước này từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận trên.

Kể từ tháng 4 năm ngoái, Iran và các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân đã tiến hành 8 vòng đàm phán tại Vienna để khôi phục thỏa thuận.

(theo AFP)

Bảo Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoa-thuan-hat-nhan-iran-nga-tu-bo-phan-doi-eu-noi-van-con-chuong-ngai-178518.html