Thỏa thuận Iran-Saudi Arabia: Trung Quốc gọi tên 'chiến thắng', hé lộ đề xuất của Bắc Kinh, Mỹ có lo?

Theo The Hill ngày 12/3, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia hôm 10/3 đang khiến Mỹ phải cân nhắc về vai trò của Washington tại Trung Đông.

Từ trai qua phải: Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani, Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Saudi Arabia Musaad bin Mohammed al-Aiban tại lễ ký kết thỏa thuận ngày 10/3 ở Bắc Kinh. (Nguồn: Reuters)

Từ trai qua phải: Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani, Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Saudi Arabia Musaad bin Mohammed al-Aiban tại lễ ký kết thỏa thuận ngày 10/3 ở Bắc Kinh. (Nguồn: Reuters)

Thỏa thuận trên đạt được sau 4 ngày đàm phán, theo đó 2 nước Trung Đông sẽ nối lại quan hệ ngoại giao và mở lại cơ quan đại diện trong vòng 2 tháng, khép lại căng thẳng song phương đã kéo dài 7 năm.

Đây được coi là một thành công về chính trị và ngoại giao của Bắc Kinh. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị gọi thỏa thuận này là một “chiến thắng”, khẳng định nước này sẽ tiếp tục hướng đến giải quyết các vấn đề toàn cầu khác.

Trước đó, Bắc Kinh cũng đưa ra kế hoạch hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn tin cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị các nước Arab ở Vịnh Persia và Iran tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh trong năm nay.

Theo các nguồn tin, ông Tập Cận Bình đã nêu đề xuất trên tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia hồi tháng 12/2022, nhấn mạnh rằng hội nghị giữa Iran và 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) nên diễn ra trong năm 2023.

The Hill nhận định, từ góc độ của Mỹ, thỏa thuận này đe dọa vai trò ảnh hưởng của Washington tại khu vực.

Năm 2021, Mỹ đã giảm sự hiện diện tại Syria sau khi rút quân khỏi Afghanistan. Hiện, Mỹ lại đang gặp nhiều khó khăn tại Trung Đông khi đồng minh Israel đối đầu với Palestine, nội chiến ở Syria, bạo lực tại Yemen

Bên cạnh đó, quan hệ Mỹ-Iran cũng rạn nứt vài thập kỷ nay, thỏa thuận hạt nhân không tiến triển trong khi vướng thêm căng thẳng với nước Cộng hòa Hồi giáo vì Tehran ủng hộ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Trước đó, phản ứng với thỏa thuận Iran-Saudi Arabia, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, Washington được “thông báo” về thỏa thuận nhưng không đóng vai trò gì trong quá trình này, đồng thời hoan nghênh việc 2 quốc gia Trung Đông bình thường hóa quan hệ.

Cũng trong ngày 12/3, phái đoàn ngoại giao Iran tại Liên hợp quốc cho hay, thỏa thuận đột phá với Saudi Arabia nhằm khôi phục quan hệ song phương sẽ là động lực thúc đẩy các nỗ lực khôi phục thỏa thuận ngừng bắn đã hết hạn tại Yemen, "giúp khởi động đối thoại và thiết lập chính phủ quốc gia tại nước này".

Chính phủ Yemen được Saudi Arabia hậu thuẫn đã ra một tuyên bố thận trọng về thỏa thuận nói trên, cho biết, quan điểm của họ "phụ thuộc vào hành động chứ không phải lời nói".

Theo đó, Yemen sẽ hành động thận trọng "cho tới khi thấy được sự thay đổi thực thụ trong hành vi của Iran".

Ngày 10/3, Trung Quốc đã hậu thuẫn cho thỏa thuận khôi phục quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia. Iran và Saudi Arabia có hai tháng để thống nhất các chi tiết trước khi mở lại các đại sứ quán.

Nguồn tin nói với Wall Street Journal rằng, các ngoại trưởng Saudi Arabia và Iran dự kiến gặp nhau để sớm ký kết thỏa thuận và hội nghị thượng đỉnh GCC với Trung Quốc, sẽ diễn ra "một thời gian sau đó".

(theo The Hill, Wall Street Journal, IRNA)

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoa-thuan-iran-saudi-arabia-trung-quoc-goi-ten-chien-thang-he-lo-de-xuat-cua-bac-kinh-my-co-lo-219681.html