Thỏa thuận không dễ dàng của Liên minh châu Âu

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu nhất trí lên kế hoạch về các biện pháp trừng phạt Nga, đồng thời bác khả năng thúc đẩy cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở thủ đô Brussels - Bỉ hôm 25-6, Pháp và Đức kêu gọi đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Putin. Đề xuất được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc gặp riêng với ông Putin tại Geneva - Thụy Sĩ vào tuần trước.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng EU cần đối thoại trực tiếp với Nga vì xung đột có thể được giải quyết hiệu quả nhất thông qua thảo luận. Ủng hộ quan điểm trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định mối quan hệ nồng ấm hơn với Moscow là cần thiết cho sự ổn định của châu Âu.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU đã không đạt được sự đồng thuận về việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với Nga sau cuộc họp ngày 25-6. Các nước EU cho biết sẽ tìm hiểu cách thức và điều kiện đối thoại với Nga nhưng không đề cập hội nghị thượng đỉnh.

Trong tuyên bố chung sau cuộc họp, các nước kêu gọi Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và An ninh của EU Josep Borrell đề xuất các biện pháp hạn chế bổ sung, bao gồm các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.

Theo tờ Politico, Hội đồng châu Âu (EC) thông qua tuyên bố hy vọng lãnh đạo Nga thể hiện cam kết chính trị mang tính xây dựng hơn, đồng thời ngừng các hành động chống lại EU và các nước thành viên cũng như các nước bên thứ 3.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu tham dự cuộc họp tại Brussels - Bỉ hôm 25-6. Ảnh: REUTERS

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu tham dự cuộc họp tại Brussels - Bỉ hôm 25-6. Ảnh: REUTERS

Kết quả cuộc họp đánh dấu chiến thắng áp đảo của các quốc gia dọc biên giới Nga, như Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania, trước Đức và Pháp nhưng cũng qua đó phơi bày rạn nứt nội khối sâu sắc về mối quan hệ với Nga.

Bà Merkel và ông Macron không đưa ra lời giải thích đáng kể nào về việc thúc đẩy cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với Nga chỉ một ngày trước cuộc họp. Tuy nhiên, động thái bất ngờ của họ rõ ràng đã khiến các nhà lãnh đạo EU khác bất mãn khi cho rằng không có lý do gì để giảm bớt áp lực ngoại giao đối với Nga.

Kể từ năm 2014, EU chưa tổ chức hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea. Căng thẳng trong mối quan hệ EU - Nga tiếp tục leo thang sau vụ nhân vật đối lập Alexei Navalny bị đầu độc. Hơn nữa, vụ nổ súng giữa một tàu chiến Hải quân Hoàng gia Anh và các lực lượng Nga gần Crimea hôm 23-6 ít nhiều cũng tác động đến các đồng minh cũng như đối thủ của Anh.

Theo đài CNN, trong khi các chuyên gia vẫn đang tranh luận động cơ khiến tàu khu trục Anh HMS Defender đi vào vùng biển gần Crimea mà Nga cho là vùng lãnh hải của mình, ông Nigel Gould-Davies, chuyên gia cấp cao về Nga và Á - Âu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) ở Anh, cho rằng điều đó chỉ khuếch đại mối quan hệ Anh - Nga vốn đã rất khó khăn suốt thời gian qua.

Chuyên gia này lập luận trong trường hợp Anh vẫn là thành viên EU thì London chắc chắn sẽ phản đối đề xuất nêu trên của Pháp và Đức. Ông James Nixey, Giám đốc chương trình Nga và Á - Âu tại Viện Chatham House (Anh), nhận định mục tiêu của Anh hôm 23-6 chỉ muốn cho Nga thấy lằn ranh đỏ của London và khẳng định sẽ không nhượng bộ.

Đề xuất về cuộc gặp thượng đỉnh với Nga của lãnh đạo Pháp và Đức được công bố trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken bắt đầu chuyến thăm châu Âu nhằm thắt chặt hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Ngoại trưởng Blinken đến Pháp hôm 25-6 và có cuộc hội đàm với Tổng thống Macron. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 24-6 cho biết Pháp vẫn là một đối tác kiên định trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời 2 nước nhất trí Nga chịu trách nhiệm về những hoạt động mà họ cho là gây bất ổn trong khu vực, bao gồm ở Ukraine.

XUÂN MAI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/thoa-thuan-khong-de-dang-cua-eu-20210625221027524.htm