Thỏa thuận Mỹ-Taliban: Thách thức còn ở phía trước

Ngày 29-2, Mỹ đã cùng Taliban ký một thỏa thuận hòa bình tại Doha (Qatar), mở đường cho kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Afghanistan. Sau khi thỏa thuận được ký kết, bước tiếp theo sẽ là tiến trình đàm phán nhằm tìm kiếm thỏa thuận kết thúc toàn bộ cuộc chiến và định hình tương lai cho Afghanistan. Giới chức và nhiều chuyên gia đều nhận định bước tiếp theo sẽ đặt ra những thách thức nghiêm trọng vì Chính phủ Afghanistan cho đến nay vẫn bị gạt ra ngoài lề.

Tờ The Sunday Times cho rằng thỏa thuận hòa bình vừa được ký đánh dấu một bước đi thăm dò tiến tới việc Mỹ rút khỏi cuộc chiến dài nhất của mình. Trong vài ngày, thỏa thuận này đã lấy lại tinh thần cho người dân Afghanistan trước những lo ngại phải rời bỏ nhà cửa và đi lánh nạn. Số lượng các vụ tấn công kể từ khi thỏa thuận được kích hoạt đã hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, phần khó khăn của thỏa thuận, đặc biệt trong bối cảnh tại Afghanistan, vẫn còn ở phía trước. Hậu Doha, kế hoạch tiếp theo sẽ là phải tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình phức tạp hơn trong nội bộ Afghanistan, ở một đất nước nơi mà kết quả cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 9-2019 vẫn còn gây tranh cãi.

Washington Post nhận định thỏa thuận vừa được ký là một bước quan trọng trong tiến trình đàm phán phức tạp nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan. Theo thỏa thuận, Taliban chấp nhận không tài trợ, huấn luyện hay hỗ trợ mọi nhóm khủng bố trong phạm vi lãnh thổ mà họ quản lý (kể cả al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo), những nhóm khủng bố đe dọa Mỹ hay nhà nước Afghanistan mà họ hậu thuẫn. Nếu Taliban đảm bảo các cam kết, mối đe dọa khủng bố mà Mỹ và Afghanistan phải đối mặt sẽ giảm bớt, tạo điều kiện để Mỹ cân nhắc thu hẹp quân số đồn trú và tạo nền tảng cho hòa bình bền vững.

Các tay súng Taliban tại Afghanistan. Ảnh tư liệu

Các tay súng Taliban tại Afghanistan. Ảnh tư liệu

Mỹ sẽ rút quân nhưng không chấm dứt sự hiện diện của mình. Giới chức cho biết, Washington tiếp tục duy trì các chính sách phù hợp với lợi ích an ninh của mình. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien mới đây nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không giảm bớt quân xuống dưới mức cần thiết để bảo vệ những lợi ích của Mỹ và các đối tác của chúng ta ở Afghanistan. Tôi có thể đảm bảo với quý vị điều đó”. Một nhà phân tích Afghanistan cũng cho rằng, không có khả năng Mỹ sẽ rút quân hoàn toàn, chỉ riêng việc bảo vệ Đại sứ quán Mỹ và căn cứ của Mỹ ở Bagram cũng như đảm bảo các hoạt động chống khủng bố, Washington sẽ cần tối thiểu 2.000-3.000 quân, và điều đó rất có thể sẽ khiến Taliban cho rằng thỏa thuận vẫn chưa được hoàn thành.

Dù sao, thỏa thuận này là một bước tiến lớn từ những gì hai bên đã nhất trí hồi tháng 9-2019, trước khi vụ một sỹ quan người Mỹ bị Taliban sát hại khiến Tổng thống Donald Trump đình chỉ các cuộc đàm phán. Khi tiến trình này được khôi phục, Mỹ cương quyết nhấn mạnh yêu cầu Taliban phải thể hiện rằng họ có cả quyết tâm và khả năng giảm thiểu bạo lực thông qua việc giảm các vụ tấn công trong 7 ngày từ khi thỏa thuận được ký. Các nhà đàm phán Mỹ cũng đạt được một nhượng bộ từ phía Taliban rằng tiến trình hòa bình có sự tham gia của cả chính phủ Afghanistan và Taliban sẽ diễn ra trong vài tuần sau khi Mỹ và Taliban ký thỏa thuận này. Đây được xem là một bước đột phá quan trọng bởi Taliban trong suốt một thập kỷ qua vẫn luôn phản đối việc đối thoại với chính phủ Afghanistan.

Theo Washington Post, các cuộc đàm phán tại Afghanistan cần ít nhất 3 yếu tố nếu muốn hướng đến một nền hòa bình lâu bền. Thứ nhất, phạm vi tham gia đàm phán cần được mở rộng để bao gồm toàn bộ các thành phần xã hội Afghanistan, từ phe đối lập chính trị, các nhóm sắc tộc chính, và đại diện từ các tổ chức xã hội, gồm cả phụ nữ và thanh niên. Taliban có thể sẽ tận dụng yếu tố này để gạt chính phủ Afghanistan ra ngoài lề bằng việc ủng hộ các đại diện phi chính phủ. Cách tốt nhất để kiểm soát và hạn chế nguy cơ này là Tổng thống Ashraf Ghani phải tìm cách phối hợp với tất cả các bên, kể cả đối thủ của mình là nhà điều hành cấp cao Abdullah Abdullah, đồng thời dẫn đầu tiến trình hợp nhất một phái đoàn Afghanistan thực sự toàn diện. Điều này sẽ thể hiện cho Taliban thấy được rằng mọi thành phần xã hội Afghanistan đều phản đối các nỗ lực nhằm hủy hoại nền cộng hòa, hủy hoại hiến pháp và phớt lờ những quyền xã hội, kinh tế và chính trị của người dân, đặc biệt là của phụ nữ.

Thứ hai, các cuộc đàm phán ngay từ đầu phải nhấn mạnh tới điều kiện là chấm dứt thù địch - ưu tiên lớn nhất của những người dân Afghanistan vốn luôn lo sợ chiến tranh. Taliban lo ngại rằng một lệnh ngừng bắn sớm có thể khiến lực lượng của họ bị thiệt hại, dẫn tới việc hạn chế ảnh hưởng trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, chính phủ Afghanistan cũng đối mặt với cùng một rủi ro. Cả hai bên đều lo ngại bên kia sẽ tận dụng lệnh ngừng bắn làm thời cơ để tái vũ trang và củng cố vị thế của mình. Tuy nhiên, cả Afghanistan và Taliban đều phải mạo hiểm nếu muốn tiến tới hòa bình.

Thứ ba, kế hoạch rút quân của Mỹ cần đi kèm điều kiện. Cam kết giảm quân số tại Afghanistan từ 13.000 xuống 8.600 người có thời gian hoàn thành là 135 ngày sau khi ký thỏa thuận. Điều này cho phép Mỹ có thời gian để cân nhắc xem liệu Mỹ có thật lòng cam kết giảm bạo lực, chống lại chủ nghĩa khủng bố và tham gia tiến trình đàm phán chính trị với các thành phần Afghanistan một cách chân thành hay không.

Hòa bình tại Afghanistan chắc chắn là một mục tiêu gập ghềnh và thành công là điều chưa ai dám chắc. Mọi đàm phán hòa bình đều là phép thử cho sự chân thành của các bên tham gia. Nếu Mỹ chỉ đơn giản là rút quân, Afghanistan sẽ chìm trong bất ổn và một lần nữa trở thành “thiên đường” cho những kẻ khủng bố, một nguồn gây bất ổn trong khu vực và một mối đe dọa với Mỹ.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thoa-thuan-my-taliban-thach-thuc-con-o-phia-truoc-182326.html