Thỏa thuận Mỹ - Trung bế tắc việc chọn nơi ký kết
Mỹ và Trung Quốc đang vật lộn với thách thức kép về thương mại: hoàn tất thỏa thuận tạm thời và thu xếp vấn đề hậu cần để đưa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập tới địa điểm ký kết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại hội nghị APEC ở Chile ngày 16-17/11 nhưng các cuộc biểu tình lớn trên đường phố đã khiến chính phủ Chile hủy bỏ sự kiện này.
Điều đó đã loại bỏ áp lực buộc Mỹ và Trung Quốc phải ký một thỏa thuận vào tuần tới, cho phép có nhiều thời gian hơn cho các cuộc đàm phán và khả năng thúc đẩy bất kỳ lễ ký kết nào cho đến tháng 12 hoặc muộn hơn.
"Các cuộc họp kiểu này không thể được sắp xếp qua đêm", Wendy Cutler, nhà đàm phán thương mại cấp cao trong chính quyền Obama, cho biết.
Ngoài ra, không bên nào muốn mất đòn bẩy đàm phán của mình bằng cách đồng ý với một địa điểm ký kết trước khi họ đi đến nhất trí về bản thân thỏa thuận.
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đã bắt đầu từ địa điểm ký kết.
Mong muốn của Tổng thống Trump
Một quan chức Nhà Trắng cho biết chính quyền đã xem xét hơn một chục địa điểm có thể tổ chức ký kết. Nhưng các quan chức cảnh báo rằng không được công bố địa điểm cho đến khi cả hai bên đồng ý với thỏa thuận.
Ông Trump nói với các phóng viên hôm 8/11 rằng ông hy vọng sẽ ký thỏa thuận tại Mỹ, tốt nhất là ở Iowa hoặc một nơi nào khác ở "bang nông nghiệp".
Iowa là một tiểu bang quan trọng về mặt chính trị, nơi nông dân hứng chịu hậu quả do sự sụt giảm trong việc Trung Quốc mua hàng hóa nông sản của Mỹ để trả đũa thuế quan của ông Trump đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Trong khi ông Tập có mối liên hệ trước với Iowa, các cựu quan chức nói rằng Mỹ có thể sẽ phải nhượng bộ thêm cho Trung Quốc tại bàn đàm phán để "trả giá" cho buổi lễ ký kết tại Mỹ có lợi cho ông Trump về mặt chính trị.
"Nếu họ nghĩ ông Trump muốn ký kết ở Iowa thì đó là một con bài mặc cả và họ sẽ tận dụng được từ đó", Bill Reinsch, cựu quan chức thương mại hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói với Wall Street Journal.
Ông Tập đã lên kế hoạch tới Hy Lạp cho chuyến thăm cấp nhà nước vào ngày 10/11, sau đó là chuyến đi tới Brazil để tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nền kinh tế thị trường mới nổi bắt đầu vào ngày 13/11.
Ông Trump chuẩn bị tới London vào đầu tháng 12 để dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, nhóm không bao gồm Trung Quốc, mặc dù ông có thể gặp ông Tập trước hoặc sau đó.
Một ý tưởng được đưa ra bởi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là tổ chức APEC tại Mỹ vào tháng 1, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nói với các phóng viên hôm 7/11. Điều này có thể cung cấp một địa điểm khác cho hội nghị thượng đỉnh Trump - Tập.
Tình huống nguy hiểm nhất
Nhiều nhà lập pháp của đảng Cộng hòa rất mong muốn chính quyền Trump sẽ giành lợi thế trong giai đoạn một của thỏa thuận với Trung Quốc, vì điều đó có thể giúp khôi phục việc mua nông sản, cũng như giảm thiểu tác động từ thuế quan được áp đặt ngày 1/9 đã làm tổn thương các nhà bán lẻ.
"Ai quan tâm nó được ký ở đâu? Tất cả những gì chúng ta quan tâm là nó được ký kết", Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, đảng Cộng hòa, bang Iowa, chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, nói với các phóng viên.
Thỏa thuận giai đoạn một đang được đàm phán xoay quanh quyết định của Mỹ nhằm giảm thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc để đổi lấy cam kết mua thêm nông sản của Mỹ, đồng ý với các quy tắc mới để ngăn chặn thao túng tiền tệ và mở cửa ngành tài chính cho các công ty nước ngoài.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người đang dẫn đầu các cuộc đàm phán từ phía Mỹ, ủng hộ hệ thống thực thi cho phép thuế quan "hồi phục" với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc nếu Bắc Kinh không tuân theo thỏa thuận.
Tuy nhiên, vẫn có sự chia rẽ trong chính quyền Trump về nội dung thỏa thuận giai đoạn một. Hai nước đã gần đạt được thỏa thuận vào mùa xuân này nhưng sau đó các cuộc đàm phán đã sụp đổ.
Cả hai bên đang làm việc hướng tới một thỏa thuận hạn chế, đẩy các vấn đề khó khăn hơn sang một bên nhưng không có gì chắc chắn rằng bất kỳ hiệp định nào sắp được ký kết.
"Chúng ta đang ở trong tình huống nguy hiểm nhất, khi mỗi bên cảm thấy rằng bên kia đang yếu thế hơn", ông Reinsch nhận định.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/thoa-thuan-my-trung-be-tac-viec-chon-noi-ky-ket-post1011619.html