Thỏa thuận Mỹ - Trung 'giai đoạn một': Có đáp ứng được sự kỳ vọng?

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo rằng, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tổ chức lễ ký kết thỏa thuận thương mại 'giai đoạn một' mà hai bên đạt được trong tháng này, nhưng Bắc Kinh hiện vẫn chưa xác nhận thông tin trên. Vậy, thời điểm để thỏa thuận này được ký kết cũng như nó có đáp ứng được sự kỳ vọng của các hay không vẫn đang là một câu hỏi lớn.

Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 26-12, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin gì về thời điểm ký kết Thỏa thuận thương mại với Mỹ. Ông đồng thời lên tiếng phản đối Mỹ thông qua Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng hay Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2020, khi trong đó có nhiều điều khoản gây bất lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo đó, đạo luật này đã hạn chế việc Mỹ mua sắm các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Ông Cao Phong cho rằng, đạo luật này đã đưa ra những quy định chặt chẽ nhằm trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, “đi ngược hoàn toàn” với nguyên tắc công bằng, bình đẳng và thương mại tự do mà Mỹ từng tuyên bố. Ông khẳng định, Trung Quốc “kiên quyết phản đối” việc làm này, bởi nó “phá hoại trật tự kinh tế thương mại quốc tế, đe doa an ninh chuỗi sản nghiệp toàn cầu”.

Trung Quốc yêu cầu Mỹ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tiến hành các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại một cách bình thường, đồng thời tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ những tác động của việc thực thi đạo luật này và sẽ thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Trung Quốc.

Phản ứng của Trung Quốc và quyết định thông qua NDAA của Mỹ cho thấy, đúng là thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” mà hai bên mới đạt được chỉ là một bước đi thăm dò. Nó có thể giúp tạm thời ngăn chặn một tình huống nguy hiểm, nhưng vẫn cách xa các mục tiêu đàm phán của cả hai bên. Thỏa thuận trên sẽ có hiệu lực nếu được ký kết vào tháng 1-2020, mô tả việc Trung Quốc gia tăng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, đồng thời đòi hỏi Bắc Kinh phải theo đuổi những cải cách trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, hàng rào phi thuế quan, dịch vụ tài chính và chính sách quản lý tiền tệ.

Một loạt yêu cầu khó khăn của Mỹ đối với Trung Quốc, có trong một bản ghi nhớ được chuẩn bị ngay từ đầu các cuộc đàm phán bao gồm giảm thâm hụt thương mại song phương. Tuy nhiên, các nhà đàm phán Mỹ đã nhấn mạnh ngay từ đầu rằng yêu cầu quan trọng hơn của họ là Trung Quốc phải cải cách cơ cấu để tạo sân chơi công bằng cho các công ty Mỹ.

Những yêu cầu này bao gồm cải thiện tình trạng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hủy bỏ yêu cầu chuyển giao công nghệ để được hoạt động tại Trung Quốc, bỏ các quy định cản trở xuất khẩu dịch vụ của Mỹ, tiếp cận thị trường cho đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc và tăng cường bảo vệ đầu tư, giảm thuế của Trung Quốc, loại bỏ một số hàng rào phi thuế quan và cải thiện khả năng tiếp cận xuất khẩu nông sản của Mỹ vào Trung Quốc.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu đàm phán chính của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở thỏa thuận giai đoạn một, mà là đưa mọi thứ trở lại nguyên trạng, tức là xóa bỏ tất cả thuế quan của Mỹ áp dụng theo Điều 301, loại bỏ mối đe dọa áp thuế quan mới và bình thường hóa việc đối xử với tập đoàn công nghệ Huawei.

Chưa rõ thời điểm Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn một”.

Chưa rõ thời điểm Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn một”.

Đối với phía Bắc Kinh, thỏa thuận “giai đoạn một” không đáp ứng các mục tiêu của nước này bởi một khác biệt rất lớn: Trong khi thuế quan đối với hàng hóa trị giá 160 tỷ USD của Trung Quốc vào tháng 12 sẽ không có hiệu lực và những khoản thuế bổ sung được áp đặt hồi tháng 9 đối với 120 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc sẽ giảm một nửa (từ 15% xuống còn 7,5%), tất cả các mức thuế khác vẫn sẽ giữ nguyên. Mỹ nhấn mạnh rằng thuế quan vẫn còn được duy trì để đảm bảo rằng Trung Quốc phải tuân thủ thỏa thuận và giữ lại đòn bẩy cho giai đoạn đàm phán thứ hai.

Ngoài ra, một câu hỏi liên quan đến việc liệu Bắc Kinh có thực hiện tốt những cam kết của mình trong việc tăng cường nhập khẩu từ Mỹ lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD trong vòng hai năm tới, tương đương mức năm 2017, trong đó có gia tăng nhập khẩu nông sản Mỹ lên 40-50 tỷ USD, hay không? Trong quá khứ, nhập khẩu nông sản của Trung Quốc từ Mỹ chưa bao giờ vượt quá mức 30 tỷ USD.

Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng do nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, những yêu cầu gia tăng nhập khẩu có thể là nhiệm vụ quá nặng nề mà Bắc Kinh khó thực hiện được.

Trung Quốc cũng cam kết chấm dứt việc yêu cầu các nhà đầu tư Mỹ hoạt động tại nước này phải chuyển giao công nghệ. Bắc Kinh cũng sẽ mở thêm thị trường tài chính cho các công ty Mỹ, nhưng điều này cũng phải phù hợp với các cải cách đã được công bố trước đây. Họ cũng cam kết tránh sử dụng việc phá giá tiền tệ như một công cụ cạnh tranh, một thực tế đã chấm dứt từ lâu.

Các điều khoản cụ thể được thiết kế để giải quyết tranh chấp trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, dường như không có gì trong thỏa thuận này liên quan đến trợ cấp thông qua các doanh nghiệp nhà nước, chính sách công nghiệp (như chương trình Sản xuất tại Trung Quốc đến năm 2025) và các cam kết tiếp cận thị trường dường như chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính.

Có thể nói, bất kỳ điều gì được coi là sự không tuân thủ của Bắc Kinh khi đó sẽ bị đáp trả bằng việc Washington áp đặt lại các mức thuế quan. Nói tóm lại, phần lớn những gì đã đạt được trong thỏa thuận giai đoạn một có thể bị đảo ngược. Bởi vậy, mặc dù thỏa thuận này đáng được hoan nghênh, nhưng nó chỉ là một bước tiến mang tính thăm dò.

Theo như diễn giải của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, điều mà thế giới đang có là một sự đình chiến về thương mại nhưng điều mà thế giới cần là một sự hòa bình về thương mại.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/co-dap-ung-duoc-su-ky-vong-575858/