Thỏa thuận ngầm 'không tuyển dụng': Bài học cảnh tỉnh cho Việt Nam

Án phạt 1,4 triệu Euro tại Peru vì thỏa thuận 'không tuyển dụng' là lời cảnh tỉnh cho Việt Nam trong bảo vệ quyền lợi người lao động và cạnh tranh lành mạnh.

Án phạt lịch sử trong lĩnh vực lao động

Theo thông tin từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), trong một động thái được coi là cứng rắn chưa từng có nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động, Viện Quốc gia Bảo vệ Cạnh tranh và Sở hữu Trí tuệ (INDECOPI) của Peru đã ra án phạt trị giá 1,4 triệu Euro đối với sáu công ty xây dựng lớn cùng bốn giám đốc điều hành cấp cao vì hành vi thỏa thuận “không tuyển dụng”.

Bản án không chỉ khép lại một cuộc điều tra kéo dài mà còn mở ra một lời cảnh tỉnh sâu sắc cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nơi thị trường lao động đang chuyển mình mạnh mẽ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh.

Thỏa thuận “không tuyển dụng”, hay còn gọi là thỏa thuận ngầm giữa các doanh nghiệp để không tuyển dụng nhân sự của nhau được INDECOPI xác định là hành vi phản cạnh tranh. Trong môi trường đó, người lao động không chỉ bị tước đoạt quyền tự do dịch chuyển mà còn bị khóa chặt trong một guồng quay công việc không có lối ra, không có cơ hội nâng lương, cải thiện điều kiện làm việc hay phát triển nghề nghiệp. Lợi ích mà doanh nghiệp thu được từ các thỏa thuận ngầm này là sự ổn định nhân sự “cưỡng ép”, còn cái giá phải trả là sự méo mó thị trường lao động, cản trở sáng tạo và triệt tiêu động lực cạnh tranh.

Sáu công ty xây dựng lớn cùng bốn giám đốc điều hành cấp cao ở Peru phải chịu án phạt 1,4 triệu Euro vì thỏa thuận “không tuyển dụng” (ảnh minh họa). Nguồn ảnh: andina.pe

Sáu công ty xây dựng lớn cùng bốn giám đốc điều hành cấp cao ở Peru phải chịu án phạt 1,4 triệu Euro vì thỏa thuận “không tuyển dụng” (ảnh minh họa). Nguồn ảnh: andina.pe

Điểm đáng chú ý trong vụ việc tại Peru là mức xử phạt lên tới 1,4 triệu Euro, con số cao nhất từng được áp dụng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động tại nước này. Chủ tịch INDECOPI không giấu sự kiên quyết khi tuyên bố: “Các hành vi bóp méo cạnh tranh sẽ không được dung thứ”.

Cùng với phạt tiền, các công ty vi phạm bị buộc phải chấm dứt ngay các cam kết ngầm, rà soát lại toàn bộ chính sách nhân sự, đồng thời cam kết tuân thủ luật pháp về cạnh tranh trong thời gian tới. Đây không chỉ là một án phạt mang tính răn đe mà còn là một thông điệp gửi tới toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp: “Trách nhiệm xã hội không chỉ là một khẩu hiệu, mà là nền tảng bắt buộc cho phát triển bền vững”.

Dư luận tại Peru và giới chuyên gia quốc tế nhìn nhận vụ việc này như một bước ngoặt lớn trong quản trị cạnh tranh. Thỏa thuận hạn chế tuyển dụng không phải là câu chuyện mới. Tại Mỹ, nhiều vụ kiện đã từng bùng nổ khi các “ông lớn” công nghệ bị phát hiện âm thầm bắt tay nhau để “giữ chân” nhân tài. Ở châu Âu, các thỏa thuận kiểu này cũng bị xem là hành vi bóp méo thị trường lao động nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng đủ mạnh tay hoặc có cơ chế đủ chặt để xử lý.

Bài học “nóng” cho Việt Nam

Từ đó, bài học cho Việt Nam là quá rõ ràng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt cả trong và ngoài nước. Giữ chân nhân sự giỏi là mục tiêu chính đáng. Nhưng nếu cách làm là bắt tay nhau để “không tuyển người của nhau”, đó không còn là quản trị nhân lực mà là bóp nghẹt sự cạnh tranh công bằng.

Án phạt 1,4 triệu Euro tại Peru vì thỏa thuận “không tuyển dụng” là lời cảnh tỉnh cho Việt Nam trong bảo vệ quyền lợi người lao động và cạnh tranh lành mạnh. Ảnh: Thuấn Nguyễn

Án phạt 1,4 triệu Euro tại Peru vì thỏa thuận “không tuyển dụng” là lời cảnh tỉnh cho Việt Nam trong bảo vệ quyền lợi người lao động và cạnh tranh lành mạnh. Ảnh: Thuấn Nguyễn

Hiện tại, pháp luật Việt Nam đã có các quy định liên quan đến bảo vệ quyền lợi người lao động và cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng trống lớn trong giám sát thực thi. Không khó để bắt gặp những câu chuyện về nhân sự bị “chặn cửa” khi muốn chuyển việc chỉ vì “công ty cũ có tiếng nói”. Cũng không ít trường hợp người lao động bị ép ký vào các cam kết “không đầu quân cho đối thủ”, đôi khi kéo dài cả năm sau khi rời công ty, một kiểu “thỏa thuận ngầm” hóa thân thành điều khoản hợp đồng.

Nếu không có biện pháp mạnh tay từ các cơ quan chức năng, những hành vi như vậy sẽ ngày càng tinh vi hơn, nguy hiểm hơn: Thị trường lao động sẽ mất đi tính năng động, người lao động mất đi niềm tin, doanh nghiệp mất đi động lực đổi mới và nền kinh tế mất đi một phần năng lực cạnh tranh cốt lõi.

Để tránh lặp lại vết xe đổ như Peru, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho rằng, Việt Nam cần nhìn thẳng vào vấn đề và hành động quyết liệt trên nhiều mặt trận. Thứ nhất, cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý, quy định rõ ràng hơn về các hành vi bị cấm trong tuyển dụng và lao động. Các thỏa thuận mang tính độc quyền, hạn chế quyền dịch chuyển việc làm cần được xử lý như hành vi vi phạm luật cạnh tranh, không chỉ là vi phạm hợp đồng lao động.

Thứ hai, hệ thống thanh tra, giám sát cần được trao quyền nhiều hơn, cả về nhân sự lẫn nghiệp vụ, để phát hiện và xử lý kịp thời. Sự thiếu quyết đoán hoặc chậm trễ sẽ khiến các doanh nghiệp vi phạm lặp lại sai lầm, thậm chí coi thường quy định.

Thứ ba, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội trong quản trị nhân sự. Giữ chân người giỏi không thể bằng biện pháp tiêu cực. Phải tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn, đãi ngộ xứng đáng, cơ hội phát triển minh bạch. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới đủ sức giữ người một cách tự nhiên, thay vì cưỡng ép.

Cuối cùng, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống chống độc quyền hiệu quả. Việc thiết lập các cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin và xây dựng bộ tiêu chuẩn giám sát cạnh tranh minh bạch sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn trong việc ngăn chặn các hành vi bóp méo thị trường lao động từ sớm, từ xa.

Án phạt tại Peru là lời cảnh tỉnh không thể rõ ràng hơn: Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực nhân sự có thể dẫn tới hệ lụy lâu dài và sâu rộng hơn nhiều so với tưởng tượng. Nếu không kiểm soát, nó sẽ âm thầm phá hủy chính nền tảng phát triển bền vững mà mọi nền kinh tế đang nỗ lực xây dựng. Với Việt Nam, trong hành trình hướng tới nền kinh tế số, nền kinh tế sáng tạo thì tự do dịch chuyển lao động, minh bạch trong tuyển dụng và công bằng trong đãi ngộ phải trở thành nguyên tắc bất khả xâm phạm.

Không có phát triển bền vững nếu người lao động không được tôn trọng. Không có doanh nghiệp mạnh nếu môi trường lao động bị gò bó trong những thỏa thuận ngầm. Và không có nền kinh tế cạnh tranh nếu thị trường lao động bị bóp méo bởi sự thỏa hiệp giữa những “cái bắt tay dưới bàn”. Vụ việc ở Peru có thể là chuyện ở nửa vòng trái đất, nhưng bài học thì rất gần và rất nóng.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thoa-thuan-ngam-khong-tuyen-dung-bai-hoc-canh-tinh-cho-viet-nam-388295.html