Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sụp đổ đe dọa 'giỏ bánh mì' của nhiều nước
Sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có thể gây ra những tác động vượt ngoài khu vực và đe dọa đến 'giỏ bánh mì' của nhiều quốc gia.
Giá lúa mì và ngô trên thị trường toàn cầu đã tăng vọt ngày 17/7 sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen - một thỏa thuận quan trọng do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine ra thế giới. Sự sụp đổ của thỏa thuận này đã đe dọa đẩy giá lương thực tăng cao và hàng triệu người có nguy cơ rơi vào nghèo đói. Nhà Trắng cho biết thỏa thuận đóng vai trò then chốt trong việc làm hạ giá lương thực toàn cầu, vốn tăng vọt sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 năm ngoái.
"Quyết định của Nga khi dừng tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sẽ làm nghiêm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và ảnh hưởng tiêu cực đến hàng triệu người là đối tượng dễ tổn thương trên thế giới", ông Adam Hodge, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho hay trong một thông báo.
Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã đảm bảo một hành lang an toàn cho tàu thuyền chở ngũ cốc từ các cảng biển của Ukraine. Thỏa thuận này hết hạn vào 17h ngày 17/7 (giờ địa phương). Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, cho đến nay, thỏa thuận đã cho phép xuất khẩu 33 triệu tấn lương thực qua các cảng biển của Ukraine. Thỏa thuận được gia hạn 3 lần nhưng Nga nhiều lần đe dọa rút khỏi thỏa thuận vì cho rằng nước này bị cản trở xuất khẩu các sản phẩm của mình.
Cuối tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow sẽ không làm mới thỏa thuận, đồng thời nhận định mục đích chính của thỏa thuận là cung cấp ngũ cốc tới các quốc gia cần chúng đã "không được đáp ứng".
“Đổ thêm dầu vào đống lửa đang cháy to”
Sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc có thể gây ra những tác động vượt ngoài khu vực. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, trước xung đột, Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm thế giới, chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu. Ukraine cũng nằm trong tốp 3 nhà sản xuất lúa mạch, ngô và dầu hạt cải toàn cầu, Gro Intelligence - một công ty về dữ liệu nông nghiệp cho hay. Còn theo Liên Hợp Quốc, cho đến nay, Kiev vẫn là nhà xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 46% sản lượng.
Năm ngoái, cú sốc kinh tế do xung đột ở Ukraine và đại dịch Covid-19 là những nguyên nhân chính cho "tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng" ở 27 quốc gia, ảnh hưởng đến gần 84 triệu người, Mạng lưới Thông tin An ninh Lương thực (FSIN) tiết lộ. FSIN định nghĩa mất an ninh lương thực nghiêm trọng là không có đủ lương thực ở mức độ có thể đe dọa đến cuộc sống con người.
Theo Phó Chủ tịch chính sách toàn cầu tại Mercy Corps, Kate Phillips-Barrasso, những gì đang diễn ra Ukraine "giống như đổ thêm dầu vào đống lửa vốn đã đang cháy to".
Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) hồi tháng 11 đánh giá, sự sụp đổ của thỏa thuận sẽ đẩy nhiều người đến "bờ vực của nạn đói". Cảnh báo được đưa ra sau khi Moscow dừng tham gia thỏa thuận, một vài ngày sau vụ tấn công UAV vào thành phố cảng Sevastopol ở Crimea.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng nhận định, vào thời điểm thỏa thuận sụp đổ, nó sẽ gây ra "cuộc khủng hoảng khả năng chi trả lương thực trong một cuộc khủng hoảng đang diễn ra" nếu nông dân trên thế giới không có nguồn cung phân bón cần thiết trước vụ mùa.
Nga là nhà cung cấp phân bón lớn nhất thế giới. Là một bên tham gia thỏa thuận, các điều khoản cũng tạo điều kiện để Moscow vận chuyển phân bón và ngũ cốc. Tuần trước, Shashwat Saraf - Giám đốc phụ trách các vấn đề khẩn cấp khu vực Đông Phi tại IRC cho biết, sự mở rộng dài hạn của thỏa thuận sẽ mang đến ổn định cho khu vực, vốn đã tổn thất lớn trong nhiều vụ mùa do lũ lụt và hạn hán.
"Với khoảng 80% ngũ cốc của Đông Phi được xuất khẩu từ Nga và Ukraine, hơn 50 triệu người trong khu vực đang đối mặt với đói nghèo và giá lương thực tăng gần 40% trong năm nay", chuyên gia Saraf cho hay trong một thông báo.
“Giỏ bánh mì” của nhiều nước bị đe dọa
Theo thu thập của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu ở mức cao nhất từ trước đến nay vào tháng 3/2022 nhưng đã giảm dần kể từ đó. Tuy nhiên, việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có thể đảo ngược xu hướng này. Các nước phát triển ít chịu tác động hơn so với một số quốc gia ở Trung Đông và châu Phi, Caroline Bain, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics nhận định với CNN.
"Xu hướng tăng giá nông sản rõ ràng sẽ đẩy giá thực phẩm bán lẻ tăng cao mặc dù có lẽ không nhiều, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển”.
Dù vậy, theo chuyên gia này: “Có quá nhiều chi phí đi kèm trong quy trình từ lúa mì thành một ổ bánh mì, bao gồm chi phí vận chuyển, chế biến, đóng gói và nhân công".
Nhà phân tích này cũng cho biết giá năng lượng là một nhân tố chính dẫn đến lạm phát giá lương thực.
Vào tháng 5, giá lương thực ở Anh tăng 18,4% và giá lương thực ở châu Âu tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Liên Hợp Quốc đánh giá, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đóng "vai trò không thể thay thế" với an ninh lương thực toàn cầu, đồng thời cho biết tổ chức này sẽ hỗ trợ ổn định giá cả và ngăn tình trạng thiếu lương thực ở các nước đang phát triển.
Triển vọng nối lại thỏa thuận
Theo 2 nhà phân tích nhận định trên New York Times, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc - 2 khách hàng lớn nhất mua ngũ cốc của Ukraine, có thể sẽ gây sức ép để Tổng thống Putin chấp nhận nối lại thỏa thuận. Lãnh đạo 2 nước này vẫn giữ mối quan hệ thân thiện với ông Putin sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Tổng thống Putin cũng dự kiến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng tới để trao đổi với Tổng thống Tayyip Erdogan.
Dù vậy, Nga cho biết, thỏa thuận đã chấm dứt thay vì tạm dừng. Điều đó khiến cho triển vọng thỏa thuận nhanh chóng được nối lại khó có thể xảy ra. Hồi tháng 4, Moscow đã đưa ra một loạt yêu cầu để đổi lấy việc gia hạn thỏa thuận. Những yêu cầu này gồm dỡ bỏ hạn chế với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga cũng như chấm dứt trừng phạt Ngân hàng Nông nghiệp Nga.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng đưa ra các đề xuất nhằm đáp ứng một số yêu cầu của Nga nhưng Moscow vẫn quyết định rút khỏi thỏa thuận. Ông António Guterres cho biết ông lấy làm tiếc về quyết định của Nga khi chấm dứt Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Trong khi đó, Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Jossep Borrell đánh giá, động thái của Moscow có thể đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.
"Điều chúng ta thấy rõ là điều này sẽ gây ra cuộc khủng hoảng lương thực quy mô lớn trên thế giới", ông Borrell nói.