Thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas: Nỗ lực hậu trường hối hả của Mỹ

Căng thẳng ngoại giao đã qua và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng có vẻ đợt giao tranh dữ dội giữa Israel với Hamas sắp kết thúc. Nhưng sau cuộc điện đàm, ông Biden vẫn chưa tin lắm, sợ rằng mọi việc có thể sớm rẽ ngang.

Trẻ em Palestine vẫy cờ Palestine và Hamas khi đang đứng trên đống đổ nát để bày tỏ vui mừng với thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza ngày 21/5. Ảnh: AP

Trong tâm trạng lo lắng, các trợ lý của Nhà Trắng nhấc điện thoại gọi đến Tel Aviv và Cairo để hỏi xem thỏa thuận ngừng bắn có được thực hiện hay không. Các quan chức của cả Mỹ và Israel đều lo rằng một loạt rốc-két nữa của Hamas có thể đánh chìm thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập dàn xếp, một quan chức Mỹ kể với AP.

Vài giờ sau cuộc điện đàm thứ nhất, ông Netanyahu tiếp tục gọi một cuộc nữa cho Tổng thống Biden để tái bảo đảm với nhà lãnh đạo Mỹ rằng cuộc chiến kéo dài 11 ngày sẽ dừng lại.

Trong cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại đáng kể đầu tiên từ khi lên nhậm chức, ông Biden chọn cách tránh ống kính và xử lý mọi việc ở hậu trường. Cuối cùng, cuộc khủng hoảng hạ nhiệt.

Đứng trước ống kính camera ở cửa Nhà Trắng ngày 20/5, ông Biden nói về “những cuộc bàn bạc cấp cao căng thẳng diễn ra từng giờ theo đúng nghĩa đen” giữa Mỹ với Ai Cập, Chính quyền Dân tộc Palestine và các quốc gia Trung Đông khác. Ông Biden nói rằng tất cả những điều này diễn ra “với mục đích tránh một cuộc xung đột kéo dài mà chúng ta đã thấy trong những năm trước đây khi thù địch bùng lên”.

Hai cuộc điện đàm giữa ông Biden với nhà lãnh đạo Israel là một ví dụ của nỗ lực ngoại giao hối hả mà Nhà Trắng đã triển khai. Tổng thống Biden và các trợ lý cấp cao đã thực hiện hơn 80 cuộc trao đổi qua điện thoại hoặc trực tiếp để tìm cái kết sớm cho cuộc xung đột, Nhà Trắng cho biết.

Bài phát biểu của ông Biden về thỏa thuận ngừng bắn chỉ kéo dài 3 phút rưỡi, được phát kịp chương trình thời sự buổi tối. Ông nhắc lại quan điểm rằng Israel có quyền tự vệ, đồng thời chia buồn với gia đình những thường dân Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel. Ông cũng hứa rằng hoạt động viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza sẽ được khôi phục.

Đây được coi là cái kết phù hợp cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Trung Đông mà ông Biden muốn tránh, đặc biệt khi ông mới lên cầm quyền và đang phải tập trung xử lý cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng và những hệ lụy kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Lời hứa với Israel

Ngày 19/4, ông Biden nói với ông Netanyahu qua điện thoại rằng ông chờ đợi “sự xuống thang đáng kể” vào cuối ngày hôm đó. Nhưng nhà lãnh đạo Israel ra tuyên bố công khai rằng ông “quyết tâm tiếp tục” các chiến dịch ở Gaza “cho đến khi đạt được mục tiêu”.

Khi áp lực gia tăng lên ông Biden, nhà lãnh đạo Mỹ và các cố vấn khẳng định với giới chức Israel rằng thời điểm lần này không có lợi cho họ. Hai ông Biden và Netanyahu đã biết nhau hơn 30 năm và thường xuyên bất đồng. Những cuộc nói chuyện của họ trong đợt khủng hoảng này chủ yếu để thăm dò nhau khi cả hai đang tìm lối thoát, các quan chức Mỹ cho biết.

Theo tiết lộ của một quan chức Mỹ giấu tên, các cố vấn của ông Biden không cho rằng phát biểu này của ông Netanyahu là lời cự tuyệt kêu gọi của nhà lãnh đạo Mỹ về việc xuống thang. Các quan chức Mỹ tin rằng ông Netanyahu không muốn báo hiệu trước với Hamas rằng ông sẵn sàng chấp nhận các điều khoản để chấm dứt bạo lực, và nhà lãnh đạo Israel cũng muốn gửi thông điệp đến dư luận trong nước khi họ vẫn đang choáng váng vì những trận “mưa” rốc-két từ Gaza. Nhưng áp lực lên ông Biden ngày càng lớn, nên nhà lãnh đạo Mỹ cũng phải khiến ông Netanyahu hiểu điều đó.

Ngày 18/5, khi đang ở Michigan để thăm cơ sở của Ford, ông Biden bị Hạ nghị sĩ Dân chủ Rashida Tlaib chặn trên đường ra sân bay để đề nghị tổng thống lên tiếng mạnh mẽ hơn về các cuộc không kích của Israel. Cũng trong tuần này, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez trình các dự luật để ngăn chặn thương vụ bán vũ khí trị giá 735 triệu USD cho Israel mà chính quyền Biden đã chấp thuận.

“Hãy để chúng tôi hy vọng rằng thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza được thực thi. Nhưng điều đó chưa đủ. Công việc của chúng ta bây giờ là ủng hộ viện trợ nhân đạo và tái thiết cho người dân Gaza, cũng như tìm ra cách để cuối cùng có thể mang hòa bình đến cho khu vực”, ông Sanders viết trên Twitter sáng 20/5.

Ngay trong những ngày đầu tiên nổ ra cuộc khủng hoảng, khi Hamas dội hàng trăm quả rốc-két vào Israel, các cố vấn của ông Biden rút ra kết luận rằng việc nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi Israel kiềm chế sẽ không có tác dụng. Cũng trong những ngày đầu của đợt khủng hoảng, có một nỗi lo sâu sắc trong Nhà Trắng rằng cuộc chiến này có thể kéo dài nhiều tháng.

THU LOAN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thoa-thuan-ngung-ban-israel-hamas-no-luc-hau-truong-hoi-ha-cua-my-post1338835.tpo