Thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh: Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Như Báo Hànôịmới đã đưa tin, đại diện Azerbaijan và các lực lượng Armenia tại Nagorny-Karabakh đã đạt thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch thông qua vai trò trung gian của lực lượng Gìn giữ hòa bình (Nga) tại đây.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nguy cơ tái bùng phát bạo lực vẫn chưa hoàn toàn được giải trừ. Mâu thuẫn sắc tộc cùng tình trạng thiếu sự tin tưởng lẫn nhau sẽ tiếp tục trở thành “ngòi nổ” âm ỉ có thể khiến xung đột nổ ra bất kỳ thời điểm nào.

Đại diện các bên liên quan trong cuộc đàm phán ngừng bắn.

Đại diện các bên liên quan trong cuộc đàm phán ngừng bắn.

Theo thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, lực lượng Gìn giữ hòa bình nước này, ngày 23-9, đã bước đầu tiếp nhận vũ khí và các thiết bị quân sự khác do lực lượng dân quân người Armenia ở vùng lãnh thổ Nagorny-Karabakh thuộc Azerbaijan giao nộp gồm 6 xe bọc thép, hơn 800 thiết bị vũ khí cá nhân và hàng ngàn viên đạn đã được tiếp nhận. Lực lượng Gìn giữ hòa bình Nga đã chuyển hơn 50.000 tấn thực phẩm dọc theo hai con đường dẫn đến khu vực.

Giới quan sát đánh giá việc lực lượng vũ trang người Armenia ở Nagorny-Karabakh giao nộp vũ khí là chỉ dấu quan trọng cho thấy lệnh ngừng bắn đang phát huy tác dụng. Nếu các bên nghiêm túc tuân thủ thỏa thuận đã đạt được, sau khi lực lượng vũ trang Armenia tại khu vực giải giáp hoàn toàn, Azerbaijan cùng đại diện người Armenia sinh sống tại đây sẽ tiến hành các cuộc đàm phán để cộng đồng này hòa nhập và có đầy đủ quyền lợi như công dân Azerbaijan.

Nhìn chung, giới quan sát đặt nhiều kỳ vọng vào thỏa thuận lần này, tuy nhiên, trên thực tế, những rủi ro tiềm ẩn tới quá trình ổn định lâu dài tại khu vực cũng không phải là ít, nhất là khi cuộc xung đột kéo dài hơn 3 thập kỷ khiến thù hận sắc tộc bén sâu và lòng tin gần như bị phá hủy hoàn toàn. Hiện tại, hơn 120.000 người Armenia tại Nagorny-Karabakh rất lo sợ về khả năng sẽ bị trả thù, bị phân biệt hoặc thậm chí bị thanh lọc sắc tộc sau khi hạ vũ khí để nhập vào Azerbaijan.

Lãnh đạo người Armenia tại Nagorny-Karabakh cho biết, họ vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào với Chính phủ Azerbaijan về bảo đảm an toàn sau khi thỏa thuận ngừng bắn ký kết. Chính phủ của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trao trách nhiệm cho lực lượng Gìn giữ hòa bình Nga để bảo đảm an ninh của người dân ở Nagorny-Karabakh. Trong khi đó, sự quan tâm của Nga đang bị phân tán bởi cuộc xung đột với Ukraine. Theo thông tin từ Nhóm viện trợ nhân đạo HART, khoảng 25.000 người Armenia đã bị mất nhà cửa trong xung đột. Họ phải sống trong các khu lều trại dựng tạm khi phương tiện liên lạc bị cắt đứt. Dấu hiệu về thảm họa nhân đạo ngày càng hiện hữu do lệnh phong tỏa của Azerbaijan ban hành kéo dài suốt 9 tháng qua khiến nguồn cung cho vùng đất này bị căng thẳng.

Nhà nghiên cứu về vấn đề Nagorny-Karabakh tại Viện Quincy (Mỹ) Artin Dersimonian nhận định, những nghi ngờ của người Armenia là có cơ sở và vấn đề về vị thế của họ ở Nagorny-Karabakh đang là trở ngại chính trên bàn đàm phán. Bởi khi giành thắng lợi trong cuộc xung đột vào năm 2000 Azerbaijan đã coi Nagorny-Karabakh là vấn đề nội bộ và từ chối bất kỳ cuộc đối thoại quốc tế nào về bảo vệ quyền lợi của người thiểu số Armenia tại khu vực này. Đồng thời, Baku cũng tìm cách đạt được một hiệp ước hòa bình với các điều khoản có lợi cho Azerbaijan và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề. Quyết định phong tỏa Nagorny-Karabakh từ tháng 12-2022 và triển khai chiến lược chống khủng bố bằng pháo binh và máy bay không người lái ngày 19-9 vừa qua khiến hơn 200 người thiệt mạng, hơn 400 người bị thương là một minh chứng cho điều này.

Vì vậy, nhiều nhận định cho rằng, hy vọng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 3 thập kỷ chưa bao giờ rõ ràng như hiện nay. Nhưng Baku có rất nhiều công việc phải làm để xây dựng lòng tin, qua đó thuyết phục người Armenia ổn định cuộc sống một cách lâu dài tại Nagorny-Karabakh. Bất kỳ động thái không phù hợp nào trong giai đoạn này cũng có thể “thổi bùng” mong muốn tiếp tục ly khai để thành lập nhà nước Cộng hòa Artsakh như nhiều tay súng Armenia từng theo đuổi suốt 3 thập kỷ qua.

Nói một cách cụ thể hơn, dù các bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn và giải giáp vũ khí, song không thể khẳng định các tay súng Armenia sẽ trừ bỏ vũ khí hoàn toàn. Theo các nhà phân tích, những quyết định thiếu cân nhắc từ Chính phủ Azerbaijan cũng như các bên liên quan sẽ dễ dàng khiến xung đột nổ ra.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thoa-thuan-ngung-ban-tai-nagorny-karabakh-van-tiem-an-nhieu-nguy-co-642885.html