Thỏa thuận OPEC+ sẽ ổn định thị trường năng lượng, tạo đà cho kinh tế toàn cầu

Sau 4 ngày đàm phán căng thẳng, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đối tác, còn được gọi là OPEC+ đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ ở mức cao kỷ lục, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu.

Một cơ sở khai thác dầu của Nga trên biển Caspi. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cơ sở khai thác dầu của Nga trên biển Caspi. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là thỏa thuận được đưa ra nhằm bình ổn giá “vàng đen”, tránh đẩy nền kinh thế thế giới rơi vào hỗn loạn trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn ra phức tạp ở khắp nơi trên thế giới.

Từ thỏa thuận Nga-Saudi

Sau nhiều tuần đối đầu căng thẳng trong cuộc chiến giá dầu, trong cuộc họp trực tuyến kéo dài nhiều giờ ngày 9.4 vừa qua của OPEC cùng các nước sản xuất dầu hàng đầu khác, còn gọi là OPEC+, Saudi Arabia và Nga, hai thành viên chủ chốt của OPEC+ đã đạt được một thỏa thuận lịch sử về giảm sản lượng dầu nhằm ngăn chặn giá dầu lao dốc do lo ngại về tình trạng dư thừa nghiêm trọng.

Theo thỏa thuận sơ bộ này, Nga và Saudi Arabia nhất trí về kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô tới 10 triệu thùng/ngày trong 2 tháng 5 và 6, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.5 tới.

Cụ thể, Saudi Arabia sẽ giảm 3,3 triệu thùng/ngày, Nga giảm 2 triệu thùng/ngày, các thành viên khác trong OPEC+ giảm 5 triệu thùng/ngày.

Ngoài ra, OPEC+ cũng kêu gọi Mỹ, quốc gia sản xuất dầu đá phiến lớn nhất thế giới, Mexico và các nhà sản xuất dầu mỏ khác cùng “chung tay” cắt giảm 5 triệu thùng/ngày để nâng giá "vàng đen", vốn đã bị tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Từ tháng 7 tới tháng 12.2020, mức cắt giảm sẽ còn 8 triệu thùng/ngày và từ tháng 1.2021 đến tháng 4.2022 là 6 triệu thùng/ngày.

Thỏa thuận sẽ có hiệu lực đến ngày 30.4.2022. Tuy nhiên, việc gia hạn thỏa thuận này sẽ được xem xét trong tháng 12.2021.

Iran, Libya và Venezuela sẽ được miễn cắt giảm sản lượng do lệnh trừng phạt hoặc các khó khăn nội tại.

Việc Riyadh và Moskva tạm gạt bỏ được bất đồng và những toan tính riêng để đạt được đồng thuận trong việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ có ý nghĩa “sống còn” đối với nhiều bên liên quan cả trong và ngoài OPEC.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ đạt được giữa Nga và Saudi Arabia không chỉ giúp "cài đặt" lại liên minh OPEC+ mà còn được kỳ vọng sẽ góp phần tái cân bằng thị trường dầu thô vốn đang bị rơi vào vòng xoáy khủng hoảng về giá, khi có lúc đã rơi xuống mức dưới 30 USD/thùng, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng trên toàn cầu sụt giảm mạnh do tác động của dịch COVID-19.

Mặc dù thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ giữa Nga và Saudi Arabia đã mở ra hy vọng bình ổn thị trường dầu mỏ thế giới, song giới phân tích cho rằng Mỹ và một số nước xuất khẩu dầu thô khác, trong đó có cả Mexico, không thể đứng ngoài cuộc khi tất cả các nước xuất khẩu dầu thô trên thế giới sẽ đều được hưởng lợi nếu giá dầu tăng cao.

Hay nói cách khác, để vực dậy giá dầu và bình ổn thị trường dầu mỏ thế giới cần có một thỏa thuận đa phương với sự cam kết cụ thể của tất cả các thành viên liên quan thuộc nhóm OPEC+ hơn là một thỏa thuận song phương.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman, thỏa thuận cuối cùng của OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày hiện còn phụ thuộc vào sự tham gia của Mỹ, quốc gia sản xuất dầu đá phiến lớn nhất thế giới, và Mexico.

Trên thực tế, Mỹ và Mexico cũng đang được Nga và Saudi Arabia kêu gọi tham gia các nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+ sau cuộc họp trực tuyến ngày 9.4.

Và bất chấp những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng mang tính lịch sử của Nga và Saudi Arabia, thỏa thuận này vẫn bị nghi ngờ về tính hiệu quả của nó trong việc hỗ trợ giá dầu, cũng như chưa nhận được sự ủng hộ từ nhiều nước khác, trong đó có Mỹ và Mexico.

Theo Mỹ và Mexico, mức cắt giảm dự kiến của OPEC+ lên đến 10 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu, bên cạnh mức cắt giảm thêm 5 triệu thùng/ngày được kỳ vọng sẽ đến từ các nước sản xuất dầu khác nhằm góp phần ứng phó với cuộc khủng hoảng dầu mỏ nặng nề nhất trong hàng chục năm qua.

Tuy nhiên, nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đã giảm khoảng 30 triệu thùng/ngày, tương đương 30% nguồn cung trên toàn thế giới, trước tác động từ những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Vì vậy, tổng mức cắt giảm 15 triệu thùng/ngày chưa từng có nói trên vẫn không đủ để kìm hãm sự gia tăng trong nguồn cung dầu toàn cầu.

Theo lập luận riêng của Mexico, nếu Mexico cắt giảm sản lượng dầu mỏ, nước này sẽ mất phần trong chiếc bánh dầu mỏ thế giới. Do đó, Mexico đã hoãn ký vào văn kiện của OPEC+ sau khi nước này bày tỏ ngần ngại trong việc cắt giảm sản lượng được OPEC+ yêu cầu thực hiện là 400.000 thùng/ngày.

Washington thì lập luận rằng các công ty dầu đá phiến, vốn đang ngập trong nợ nần của Mỹ, chính là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất sau cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga, bởi họ có chi phí sản xuất cao, đồng thời không ít doanh nghiệp dầu khí đứng trước nguy cơ phá sản nếu giá dầu thấp tiếp tục duy trì trong một thời gian dài.

Do đó, Washington không thể không can dự vào tiến trình này để góp phần thay đổi tình thế, giúp giá dầu đảo chiều. Không chỉ cho thấy sự không sẵn sàng tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cảnh báo Saudi Arabia có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và thuế áp đặt với dầu mỏ nước này nếu Riyadh không cắt giảm sản lượng đủ để hỗ trợ ngành dầu mỏ của Mỹ, khi chi phí cao khiến các nhà sản xuất dầu của nước này “vật lộn” với giá dầu thấp.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy OPEC+ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước khác, tỉnh sản xuất dầu chủ yếu của Canada, Alberta, cho biết sản lượng dầu ở đây đã giảm từ trước và tỉnh này cũng chưa nhận được yêu cầu cắt giảm thêm từ OPEC+. Alberta cũng ủng hộ ý tưởng của Mỹ về việc đánh thuế dầu nhập khẩu.

Đến cơ hội G20 và OPEC+ mang lại

Trong một nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ để ngăn chặn giá dầu lao dốc do lo ngại về tình trạng dư thừa nghiêm trọng dưới tác động của dịch COVID-19, tại hội nghị trực truyến của các Bộ trưởng Năng lượng Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) do Saudi Arabia, hiện là nước Chủ tịch luân phiên của G20 đồng thời là thành viên chủ chốt của OPEC, chủ trì, diễn ra ngày 10 và 11.4, các Bộ trưởng Năng lượng G20 đã cam kết cùng hợp tác nhằm bảo đảm bình ổn thị trường dầu mỏ.

Trong thông cáo chung, các Bộ trưởng nêu rõ: "Chúng tôi cam kết đưa ra mọi biện pháp cần thiết và tức thì nhằm bảo đảm sự ổn định cho thị trường năng lượng".

Thông cáo cũng nhấn mạnh các bộ trưởng bảo đảm ngành năng lượng tiếp tục góp phần tích cực giúp thế giới vượt qua dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sau đó.

Các bộ trưởng cũng cam kết cùng hợp tác thực hiện những biện pháp khẩn trương và cụ thể để giải quyết những vấn đề này trong bối cảnh thế giới đối mặt với tình trạng khẩn cấp chưa từng có trong lịch sử.

Đại diện các nước G20 nhất trí thiết lập một nhóm công tác giám sát cách đối phó với đại dịch COVID-19.

Cũng theo thông cáo chung, G20 sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo thảo luận về thị trường năng lượng vào tháng 9 tới, song có thể sẽ nhóm họp sớm hơn trong trường hợp khẩn cấp.

Thành công của hội nghị trực truyến các Bộ trưởng Năng lượng G20 với cam kết cùng hợp tác nhằm bảo đảm bình ổn thị trường dầu mỏ đã làm tiền đề cho thành công của cuộc họp trực tuyến của OPEC+.

Sau 4 ngày đàm phán căng thẳng, trong đó có cuộc đàm phán với Mexico, tại hội nghị trực tuyến của OPEC+ lần thứ hai ngày 12.4, OPEC, Nga và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác đã nhất trí cắt giảm sản lượng ở mức cao kỷ lục, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu.

Cụ thể, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian 2 tháng 5-6.2020. Thỏa thuận này đã được xác nhận trong tuyên bố do Bộ Năng lượng Kazakhstan đưa ra.

Đây được coi là đợt cắt giảm sản lượng lớn nhất từ trước đến nay và các nước OPEC+ cũng sẽ tiếp tục từng bước cắt giảm sản lượng trong vòng 2 năm, cho đến tháng 4.2022.

Ngoài ra, OPEC+ còn bày tỏ mong muốn các nhà sản xuất ngoài nhóm như Mỹ, Canada, Brazil và Na Uy cắt giảm thêm 5%, tương đương 5 triệu thùng/ngày.

Sau khi OPEC+ nhất trí về thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu nói trên, Bộ trưởng Năng lượng Mexico Rocio Nahle cho biết Mexico sẽ cắt giảm sản lượng dầu trong nước 100.000 thùng/ngày kể từ tháng 5.2020.

OPEC+ trước đó đã đề nghị Mexico giảm sản lượng dầu trong nước 400.000 thùng/ngày, song việc nước này chưa sẵn sàng điều chỉnh sản lượng “vàng đen” trong nước đã khiến OPEC+ chậm thông qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng nói trên.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết mức cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ có thể lên tới 12,5 triệu thùng/ngày do sản lượng dầu của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Kuwait đã gia tăng kể từ tháng 4.2020.

Saudi Arabia đã sản xuất 12,3 triệu thùng dầu/ngày kể từ đầu tháng 4.2020, cao hơn mức 11 triệu thùng/ngày mà nước này đã đưa ra trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng mới của OPEC+, có nghĩa mức cắt giảm mà nước này thực hiện trên thực tế sẽ vào khoảng 3,8 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, các mức giảm sản lượng trên thực tế của Kuwait và UAE cũng sẽ cao hơn so với các mức đã nhất trí trong thỏa thuận mới nói trên.

Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al Mazrouei cho biết nước này cũng cam kết giảm sản lượng dầu trong nước từ mức 4,1 triệu thùng/ngày hiện nay.

Theo các đánh giá, thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ “lịch sử” của OPEC+ đã mở ra triển vọng ổn định thị trường năng lượng thế giới, mở ra hy vọng giá dầu thế giới sẽ sớm bật tăng trở lại sau nhiều ngày giảm sâu, tạo đà cho nền kinh tế toàn cầu vững mạnh hơn trước tác động của đại dịch COVID-19.

Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo gọi thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ là mức cắt giảm mang tính “lịch sử” nhằm bình ổn giá “vàng đen” trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng trên thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12.4 giờ địa phương đã đánh giá cao thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 'lịch sử" của OPEC+ vừa đạt được cùng ngày sẽ tác động tốt cho thị trường năng lượng thế giới khi ngăn chặn giá dầu tiếp tục giảm mạnh, tránh đẩy nền kinh thế thế giới rơi vào hỗn loạn.

Theo tuyên bố của Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm song phương, Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Trump đã nhất trí về "tầm quan trọng to lớn của một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mà OPEC+ đạt được".

Cùng ngày, trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Trump cũng bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận trên với nhận định: "OPEC+ đã hoàn thành Thỏa thuận Dầu mỏ và điều này sẽ cứu vãn hàng trăm nghìn việc làm trong lĩnh vực năng lượng tại Mỹ”.

Trong khi đó, Canada đã chính thức hoan nghênh thỏa thuận mới đạt được nói trên của OPEC+. Trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Canada Seamus O'Regan nhấn mạnh đây là thông tin tích cực và Canada hoan nghênh bất kỳ thông tin nào mang lại sự ổn định cho thị trường dầu mỏ toàn cầu. Theo quan chức này, Chính phủ Canada đặc biệt quan ngại về tình trạng giá thiếu ổn định và nước này quyết tâm đạt được sự ổn định về kinh tế và giá cả.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Thamer al-Ghadhban cũng cho rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ của OPEC+ sẽ giúp ổn định thị trường, "làm giảm lượng dầu trữ kho và đẩy giá dầu đi lên".

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/binh-luan/thoa-thuan-opec-se-on-dinh-thi-truong-nang-luong-tao-da-cho-kinh-te-toan-cau-133636