Thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật: Cam kết vội vàng, ngành ô tô Nhật Bản vẫn chưa hết 'run'
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật được ký kết vào ngày 26/7 được xem như là một thỏa thuận mà 'đôi bên cùng có lợi'. Song, giới quan sát lại cho rằng, thỏa thuận này được đưa ra khá vội vàng và ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản vẫn đứng trước sự không chắc chắn của Tổng thống Trump.
Mỹ và Nhật Bản đã ký kết hiệp định thương mại trong sự vội vàng. (Nguồn: Bloomberg)
Sau buổi lễ ký kết hiệp định thương mại Mỹ - Nhật, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời các thành viên của các tổ chức nông nghiệp đến khách sạn InterContinental New York Barclay (Mỹ) để “ăn mừng” thành quả của mình. “Đây là một chiến thắng to lớn cho nông dân, chủ trang trại và người trồng trọt Mỹ. Và điều đó rất quan trọng với tôi”, Tổng thống Trump nói.
Chiến thắng vội vã
Ngành nông nghiệp Mỹ đang phải quay cuồng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh ngừng mua hàng nông sản vào tháng 8/2019. Trong thỏa thuận Mỹ - Nhật, hơn 90% nông sản và thực phẩm của Mỹ xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ được miễn thuế hoặc được hưởng ưu đãi.
Theo đó, Nhật Bản sẽ giảm thuế theo các giai đoạn đối với thịt bò và thịt lợn. Đồng thời loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm bao gồm: hạnh nhân, quả việt quất, bắp ngọt, phô mai và váng sữa, gia cầm, cam đông lạnh và ethanol.
Đổi lại, Washington sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu đối với 40 triệu USD hàng nông sản của Tokyo. Ngoài ra, thỏa thuận cũng bao trùm cam kết về thương mại điện tử trị giá 40 tỷ USD giữa hai quốc gia.
Giới quan sát cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra và cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc đã thúc đẩy Tổng thống Trump đạt được thỏa thuận này. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và cũng là nhà đàm phán chính cho rằng, phía Mỹ là người muốn có một thỏa thuận nhanh chóng, còn phía Nhật Bản chỉ cung cấp những thứ có thể cung cấp.
Thỏa thuận được ký ngày 26/9 đã mang đến cho Tổng thống Trump một chiến thắng vẻ vang trong ngành nông nghiệp, đồng thời, mức thuế tự động bổ sung mà phía Nhật Bản đang sợ hãi sẽ không được áp dụng. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận định, thỏa thuận này là một thỏa thuận mà "đôi bên cùng có lợi".
Tuy nhiên, thỏa thuận giữa nền kinh thế số 1 và số 3 thế giới lại được đưa ra trong vội vàng, còn để lại nhiều khác biệt chưa được giải quyết. Đặc biệt, ngay sau lễ ký kết, ông chủ Nhà Trắng đã phát tín hiệu cho các cuộc đàm phán bổ sung.
"Trong tương lai khá gần, chúng tôi sẽ có nhiều thỏa thuận toàn diện hơn với Nhật Bản", ông Trump nói. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng cho biết, các cuộc đàm phán thương mại có thể bước vào vòng thứ hai, thời điểm sớm nhất là vào mùa xuân năm 2020. Theo đó, phía Mỹ đang “nhắm” vào lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản với các hàng rào phi thuế quan, mở cửa các ngành công nghiệp tài chính và viễn thông.
Mặc cho thỏa thuận Mỹ - Nhật bao gồm sự đảm bảo Mỹ sẽ không tăng thuế đối với ngàng công nghiệp ô tô Nhật Bản nhưng các nhà sản xuất vẫn không hết lo. (Nguồn: Bloomberg)
Nỗi lo của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật bao gồm sự đảm bảo Washington sẽ không tăng thuế đối với ngành công nghiệp ô tô, cũng như không bị áp hạn ngạch nhập khẩu. Hiện tại, mức thuế là 2,5% và ngành này đang thúc giục chính phủ thuyết phục Mỹ loại bỏ hoàn toàn thuế quan.
Các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực nếu mức thuế quan 25% như lời Tổng thống Trump đe dọa hồi tháng Năm chính thức có hiệu lực. Trong một cuộc họp với Bộ trưởng thương mại Nhật Bản ở Tokyo ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, Chủ tịch hãng Toyota, người đứng đầu Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Akio Toyoda khẳng định rằng, khoản thuế 25% có thể khiến Toyota Motor và các "tay chơi" ô tô lớn của Nhật Bản bị mất khoảng 500 tỷ Yên (tương đương với 4,64 tỷ USD).
Ông Akio Toyoda cho biết, ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản đang phải đứng trước những thách thức vô cùng khó khăn, trong bối cảnh đồng Yên Nhật tăng, những tác động có thể xảy ra từ việc tăng thuế bán hàng sắp tới và những bất ổn của thị trường thế giới.
"Chúng tôi hy vọng Chính phủ Nhật Bản hiểu được tình hình nghiêm trọng này, hỗ trợ thêm để giúp ngành công nghiệp ô tô tăng cường khả năng cạnh tranh và có thể phát triển như một ngành công nghiệp chiến lược", Chủ tịch hãng Toyota nhấn mạnh.
Koji Endo, một nhà phân tích của Tập đoàn SBI Securities tại Tokyo cho hay, ngành công nghiệp ô tô hoan nghênh thỏa thuận giữa hai quốc gia nhưng vẫn thận trọng trước sự khó lường của Tổng thống Trump.
"Các mối đe dọa về thuế quan cao hơn từ Tổng thống Trump đã gây ra mối quan ngại nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, vì vậy, khi thỏa thuận này được ký, các nhà sản xuất có thể thư giãn. Nhưng một thực tế rõ ràng rằng, không bao giờ có thể biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", ông Koji Endo bày tỏ.