Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1: Không quá nhiều kỳ vọng

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là chiếc 'phao cứu sinh hạ nhiệt' căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhưng giới chuyên gia lại không đặt nhiều kỳ vọng vào thỏa thuận này.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc có thực sự cần mua 40 tỷ USD hàng nông sản Mỹ? (Nguồn: Reuters)

Bắc Kinh "gặp khó"

Trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Trung Quốc nhất trí với việc sẽ nâng số lượng mua hàng nông sản Mỹ của lên 40 tỷ USD, tăng từ 24 tỷ USD năm 2017 và mở rộng tổng lượng nhập khẩu thêm 200 tỷ USD trong giai đoạn 2 năm.

Nhận định về cam kết trên, giới quan sát bày tỏ sự hoài nghi rằng, liệu Bắc Kinh có thực sự đáp ứng các điều khoản trong thỏa thuận. Trang Financial Times nhận định, mức độ tuân thủ thỏa thuận của Bắc Kinh sẽ quyết định việc thỏa thuận giai đoạn 1 có phát triển thành một thỏa thuận thương mại lớn và toàn diện hơn, hay lại tiếp tục đổ vỡ theo một cách nào đó.

Không có nhiều nhà quan sát đặt cược vào khả năng thứ nhất. Bởi hiện tại, Trung Quốc đang phải đối mặt với những rào cản lớn để có thể “giữ lời hứa” trong thỏa thuận này.

Shi Yinhong, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin và là một cố vấn Chính phủ Trung Quốc cho biết, dù thỏa thuận này rất quan trọng nhưng Bắc Kinh có vẻ ít phấn khích hơn Washington.

Đối với Trung Quốc, việc thực hiện đúng thỏa thuận giai đoạn 1 là thách thức rất lớn. Trong thỏa thuận, Trung Quốc sẽ phải mua 40 tỷ USD hàng nông sản Mỹ nhưng Trung Quốc có thực sự cần số lượng nông sản đó?

Một quan chức thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, nước này sẽ nhập khẩu thêm lúa mỳ, ngô và gạo của Mỹ. Trước khi thương chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới bùng nổ, năm 2017, đậu nành Mỹ chiếm khoảng một nửa xuất khẩu nông sản của nước này sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu mua đậu nành của Trung Quốc gần đây sụt giảm do dịch tả lợn châu Phi hoành hành.

Ngoài ra, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc đã giảm 5% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2019. Sự sụt giảm này dự kiến sẽ kéo dài đến hết năm bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vật lộn với sự già hóa dân số.

Bên cạnh đó, trong quá trình thảo luận về thỏa thuận giai đoạn 1, phía Mỹ đã công bố các chi tiết như giá trị của các sản phẩm của Mỹ mà Trung Quốc đã đồng ý mua, nhưng tuyên bố của Bắc Kinh lại tập trung nhiều hơn vào các nguyên tắc rộng rãi của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Các nhà quan sát nhận thấy, điều này phản ánh, Bắc Kinh đang quan tâm về những rủi ro có thể xảy ra trước buổi lễ ký kết chính thức - dự kiến diễn ra vào tháng 1/2020.

Ngày 15/12, phát biểu trên chương trình truyền hình Face the Nation, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ tăng gần gấp đôi xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc trong hai năm tới.

Ông Robert Lighthizer khẳng định, cuối cùng, việc toàn bộ thỏa thuận này có hiệu quả hay không sẽ được quyết định bởi phía Trung Quốc chứ không phải ở phía Mỹ.

Vẫn còn nhiều khúc mắc trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. (Nguồn: Asiantimes)

Đường vẫn còn dài

Trang The Guardian dẫn lời của cố vấn kinh tế trưởng thuộc Tập đoàn bảo hiểm Allianz Mohamed El-Erian cho biết, thỏa thuận giai đoạn 1 được các thị trường đặt nhiều kỳ vọng và xem như là một thỏa thuận có thể đảo ngược tình thế cgiữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn tồn tại một câu hỏi lớn hơn, đó là về những điều diễn ra sau thỏa thuận này.

Nếu hai quốc gia thực thi thỏa thuận giai đoạn 1 một cách nghiêm túc, thỏa thuận này sẽ tiếp tục mở đường cho một thỏa thuận giai đoạn 2 - giải quyết những vấn đề căng thẳng nhất của Mỹ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc như: trợ cấp công nghiệp, thương mại số và tấn công mạng.

Còn nếu thỏa thuận giai đoạn 1 đổ vỡ, thỏa thuận giai đoạn 2 cũng nhanh chóng đổ vỡ và Mỹ - Trung sẽ tiếp tục cuộc chiến thương mại trường kỳ.

Nhận định về thỏa thuận giai đoạn 1, ông Jia Qingguo, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu quốc tế tại Đại học Bắc Kinh cho biết, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không thể giải quyết tất cả các vấn đề gây tranh cãi một cách nhanh chóng.

“Có một thỏa thuận tốt hơn là không có thỏa thuận nào nhưng với thỏa thuận giai đoạn 1, không nên hy vọng rằng sẽ giúp giảm bớt căng thẳng một cách đáng kể”, ông Jia Qingguo nhấn mạnh.

Giới chuyên gia khẳng định, Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn đối đầu trong cuộc đua về công nghệ, do đó dù có đi đến ký kết một thỏa thuận nào đó thì những vấn đề cốt lõi ảnh hưởng quan hệ hai nước vẫn sẽ tồn tại trong thời gian dài.

Thỏa thuận một phần không thể giải quyết được những khác biệt căn bản giữa hai nước về lợi ích kinh tế, chính trị, chiến lược và chặng đường đi đến một kết thúc viên mãn cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn còn dài.

(theo SCMP, Nikkei Asian Review)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoa-thuan-thuong-mai-my-trung-giai-doan-1-khong-qua-nhieu-ky-vong-106288.html