Thỏa thuận trần nợ công của Chính phủ Mỹ - Con đường gập ghềnh

Sau nhiều tuần đàm phán, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được 'thỏa thuận về nguyên tắc' về trần nợ công và cuối ngày 27/5 (giờ địa phương). Tuy vậy, việc một số nhà lập pháp của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ cho biết họ sẽ phản đối và khẳng định sẽ bỏ phiếu trống cho thấy tiến trình thông qua thỏa thuận này tại Quốc hội sẽ rất khó khăn trước khi Chính phủ Mỹ cạn tiền vào tuần tới.

Nghị sỹ bảo thủ Chip Roy của Ủy ban các quy định Hạ viện là một trong những người đầu tiên lên tiếng chống lại thỏa thuận này và cho biết sẽ cố gắng để ngăn chặn văn kiện này được thông qua tại Hạ viện. Ông khẳng định “đây không phải là một thỏa thuận tốt” khi nước Mỹ sẽ phải gánh thêm khoảng 4.000 tỷ USD nợ công để đổi lại việc “đóng băng” chi tiêu trong hai năm và không có cải cách chính sách đáng kể nào. Ông cũng kêu gọi các nhà lập pháp đảng Cộng hòa “giữ vững lập trường” và không nhượng bộ Nhà Trắng.

Một thành viên khác của ủy ban này là ông Ralph Norman cũng đã công khai phản đối thỏa thuận trên. Thỏa thuận cũng vấp phải sự chỉ trích từ Thống đốc Florida Ron DeSantis, một ứng cử viên cho tham gia tranh cử tổng thống năm 2024 của đảng Cộng hòa cùng với cựu Tổng thống Donald Trump. Theo ông, thỏa thuận này không đủ để thay đổi quỹ đạo tài khóa và “Sau thỏa thuận này, nước Mỹ sẽ vẫn trên đà hướng đến nguy cơ vỡ nợ”. Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc bang Georgia Andrew Clyde cũng cho rằng, việc tăng trần nợ công là một “rào cản khó khăn”.

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Kevin McCarthy bày tỏ lạc quan thỏa thuận sẽ được Quốc hội thông qua kịp thời trước thời điểm Chính phủ hết tiền trang trải các chi phí.

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Kevin McCarthy bày tỏ lạc quan thỏa thuận sẽ được Quốc hội thông qua kịp thời trước thời điểm Chính phủ hết tiền trang trải các chi phí.

Trong khi đó, Hạ nghị sỹ Dan Bishop từ bang North Carolina cũng phản đối hành động của Chủ tịch Kevin McCarthy khi chia sẻ: “Ông ta (McCarthy) nói rằng, chúng ta có thể đấu tranh một lần nữa vào năm tới nhưng đồng thời lại ngăn chặn biện pháp đấu tranh bằng cách chấp nhận tăng giới hạn nợ tới 2 năm”.

Tại Thượng viện, nhà lập pháp Mark Lee thuộc đảng Cộng hòa đã phản đối dự luật này. Điều này báo hiệu một cuộc bỏ phiếu thông qua đầy khó khăn tại nơi này khi bất kỳ thành viên nào cũng có quyền trì hoãn dự luật trong nhiều ngày. Không chỉ vậy, một số nhà lập pháp của đảng Dân chủ cũng tỏ ra không hài lòng với một số điểm trong thỏa thuận.

Đảng viên Dân chủ tiến bộ Raul Grijalva nhận định rằng, những thay đổi của dự luật đối với các quy tắc môi trường là “đáng lo ngại và vô cùng thất vọng”. Nhà lập pháp này đang đề cập tới một chi tiết trong thỏa thuận lưỡng đảng cho phép đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng. Những phản đối này cho thấy những trở ngại tiềm tàng trong quá trình bỏ phiếu tại cả Hạ viện và Thượng viện.

Tuy nhiên, một số người ủng hộ dự luật cho rằng Quốc hội sẽ thông qua kịp thời trước thời điểm Chính phủ hết tiền trang trải các chi phí. Tổng thống Joe Biden cho biết ông đã nói chuyện với nhiều người và lạc quan về tương lai của thỏa thuận trần nợ công đạt được cuối tuần qua với Chủ tịch Kevin McCarthy.

“Tôi chưa bao giờ nói rằng tôi tin tưởng vào những gì Quốc hội sẽ làm nhưng tôi cảm thấy rất hài lòng về thỏa thuận trần nợ công. Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người và họ đều cảm thấy hài lòng. Chúng ta hãy chờ khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu”, ông nói, đồng thời kêu gọi “mạnh mẽ” cả 2 viện thông qua thỏa thuận.

Chia sẻ niềm lạc quan này, ông Kevin McCarthy cho hay ông hy vọng đa số đảng viên Cộng hòa sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận nguyên tắc vừa đạt được. Ông gọi đây là cách kiềm chế chi tiêu liên bang, mặc dù “nó có thể không đáp ứng được mong muốn của tất cả mọi người”. Ông cho rằng, 95% đảng viên Cộng hòa ủng hộ thỏa thuận: “Có thể thỏa thuận không giải quyết mọi thứ cho tất cả mọi người, nhưng đây là một bước đi đúng hướng mà không ai nghĩ rằng chúng tôi có thể làm được trong hôm nay”.

Mặc dù vậy, những sự lạc quan này không che giấu nổi những khó khăn phía trước khi các lãnh đạo cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang phải chạy đua để vận động các nghị sỹ của mình ủng hộ thỏa thuận. Để đưa ra thông qua tại Hạ viện, thỏa thuận này cần ít nhất một nửa thành viên đảng Cộng hòa, 111 nghị sỹ và 107 nghị sỹ Dân chủ ủng hộ. Tại Thượng viện, dự luật cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ của đảng Cộng hòa cộng với 51 phiếu của đảng Dân chủ. Mặc dù 29/5 là ngày nghỉ lễ nhưng cả ông Kevin McCarthy và giới chức Nhà Trắng đều không nghỉ khi bận rộn tìm kiếm sự đồng thuận từ những người ủng hộ và vận động những nghị sỹ phản đối. Cho đến nay, đã có hàng loạt nghị sỹ cấp cao của đảng Cộng hòa tuyên bố phản đối và khẳng định sẽ bỏ phiếu trống. Thử thách đầu tiên đối với dự luật diễn ra vào ngày 30/5 (giờ địa phương), khi đưa ra thảo luận tại Ủy ban quy tắc Hạ viện.

Theo nội dung thỏa thuận được công bố, hai bên đã nhất trí tăng giới hạn nợ trong hai năm, đồng thời đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với các chương trình hỗ trợ công cộng liên bang và thu hồi khoảng 28 tỷ USD chưa sử dụng trong quĩ cứu trợ COVID_19, trong khi vẫn giữ lại kinh phí cho phát triển vaccine, phương pháp điều trị, hỗ trợ nhà ở và dịch vụ y tế cho cộng đồng thổ dân. Cùng với đó, thỏa thuận sẽ giữ cho chi tiêu phi quốc phòng của Mỹ gần như không thay đổi trong năm tài chính 2024 và tăng 1% vào năm sau, cũng như sẽ không giới hạn trần nợ cho đến tháng 1/2025, tức sau cuộc bầu cử tổng thống tới đây vào tháng 11/2024.

Trong năm tài chính tiếp theo, dự luật phù hợp với ngân sách quốc phòng đề xuất của Tổng thống Joe Biden là 886 tỷ USD. Tuy nhiên, dự luật này hạn chế tăng ngân sách liên bang ở mức 1% trong 6 năm tới, nhưng điều khoản đó sẽ không có hiệu lực bắt đầu từ năm 2025. Nhìn chung, Nhà Trắng ước tính rằng kế hoạch này sẽ giảm chi tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden ít nhất 1 nghìn tỷ USD, nhưng các tính toán chính thức vẫn chưa được công bố.

Đáng chú ý, thỏa thuận sẽ tài trợ đầy đủ cho việc chăm sóc y tế cho các cựu chiến binh theo như kế hoạch chi tiết ngân sách năm 2024 do người đứng đầu Nhà Trắng đề xuất, bao gồm một quỹ dành riêng cho các cựu chiến binh đã tiếp xúc với các chất độc hại hoặc các mối nguy hiểm từ môi trường. Quỹ này dự kiến sẽ có ngân sách 20,3 tỷ USD. Bên cạnh đó, thỏa thuận sẽ đưa ra những thay đổi trong Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia.

Lần đầu tiên sau gần bốn thập kỷ, sẽ có “một cơ quan lãnh đạo duy nhất” được chỉ định để thực hiện định kỳ các đánh giá về môi trường. Nó cũng đơn giản hóa một số yêu cầu đối với đánh giá môi trường. Các cơ quan sẽ có một năm để hoàn thành các đánh giá về môi trường và các dự án được coi là có tác động phức tạp đến môi trường sẽ cần được xem xét trong vòng hai năm. Đường ống Mountain Valley, một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở Tây Virginia cũng sẽ được đặc cách phê duyệt tất cả các yêu cầu cấp phép còn tồn đọng…

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/thoa-thuan-tran-no-cong-cua-chinh-phu-my-con-duong-gap-ghenh-i695260/