Thỏa thuận 'trong tầm tay'

Hiện Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã nhất trí về lộ trình nhằm tháo gỡ những vướng mắc nổi cộm hiện nay liên quan chương trình hạt nhân Iran đến cuối tháng 6 tới. Đây được xem là đòn bẩy mới nhất nhằm góp phần nhanh chóng khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian ngày 11/3 khẳng định, việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân là điều “nằm trong tầm tay” nếu Mỹ có những hành động thực tế và nhất quán hơn. Ông nhận định, các nỗ lực để đạt được một thỏa thuận hạt nhân tốt và lâu dài vẫn đang được tiếp tục. Ông kêu gọi những hành động hợp tác thiết thực của Mỹ.

Nhà lãnh đạo ngoại giao Iran khẳng định không một bên nào có thể xác định được thời hạn hay kết quả cuối cùng một cách chắc chắn, nhưng nỗ lực chung là rất cần thiết. Ngoại trưởng Iran trước đó cũng cam kết rằng Tehran “sẽ không cho phép bất cứ nhân tố nước ngoài nào” ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia trong các cuộc đàm phán nỗ lực khôi phục Thỏa thuận hạt nhân đang diễn ra tại Vienna, Austria.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, hiện những khác biệt giữa Iran và các nước phương Tây đã “ít hơn số ngón tay trên một bàn tay”. Ông nhấn mạnh, nếu Mỹ có cách tiếp cận hợp lý, hoàn toàn có thể đạt được thỏa thuận nhanh chóng”.

“Nếu Mỹ có quan điểm hợp lý và cân nhắc các mối quan tâm của các nước P4 + 1 và Iran, đồng thời chúng tôi nhận được phản hồi thích hợp cho các yêu cầu của chúng tôi từ Washington, thì một thỏa thuận có thể đạt được trong thời gian ngắn nhất”. Ông tiết lộ, Tehran sẽ quyết định về khả năng tiến hành đàm phán trực tiếp với Mỹ dựa trên cách hành xử của Washington chứ không phải “những thông điệp mập mờ hay khó biết kết quả sẽ ra sao”.

Về phía Mỹ, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thừa nhận, đến nay, những khác biệt cuối cùng vẫn chưa giải quyết xong, dù các bên đã gần với thỏa thuận hơn bao giờ hết: “Tôi nghĩ lý do quan trọng nhất khiến chúng tôi tập trung và ngồi vào bàn đàm phán với người Iran chính là ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân. Đó là lý do tại sao chúng tôi tham gia vào các cuộc đàm phán này. Chúng tôi đang tiến gần hơn với thỏa thuận. Vẫn còn những việc quan trọng cần làm, bao gồm cả các cuộc thảo luận về dầu mỏ. Nhưng lý do quan trọng nhất là ngăn họ có được vũ khí hạt nhân”.

Hiện phía Mỹ và Pháp còn quan ngại thêm một vấn đề khác - đó là yêu cầu mới của Nga về một văn bản từ Mỹ, để đảm bảo rằng bất kỳ mối quan hệ thương mại-kinh tế và đầu tư nào giữa Nga và Iran sẽ không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt Nga hiện nay, dựa theo Thỏa thuận hạt nhân. Các nguồn ngoại giao cho rằng, đòi hỏi của Nga đang ở giai đoạn nước rút là không mang tính xây dựng. Tuy nhiên, giới lãnh đạo cấp cao Iran đồng loạt bác bỏ điều này, cho rằng mọi đóng góp của Nga cho tiến trình đàm phán tại Vienna đến nay là tích cực.

Trong cuộc điện đàm hồi đầu tuần này, cả Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Iran Hossein Amir Abdollahian đều khẳng định, việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân cần đảm bảo rằng “tất cả các bên liên quan đều có quyền bình đẳng và tự do hợp tác trong mọi lĩnh vực mà không gặp bất cứ sự phân biệt đối xử nào”. Với Mỹ và châu Âu, hiện đã không còn thời gian để trì hoãn thêm việc đưa các bên trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015.

Điều phối viên châu Âu Enrique Mora khẳng định, đã đến lúc phải đưa ra các quyết định chính trị để kết thúc tiến trình đàm phán. Ông cho rằng, sẽ không còn các cuộc đàm phán cấp chuyên gia hay các cuộc gặp chính thức để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, khi mà đại diện đàm phán của các nước đã về nước để báo cáo lãnh đạo toàn bộ kết quả đạt được, nhằm đưa ra quyết định chính trị cuối cùng.

Theo giới chuyên gia, cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với Mỹ và các nước phương Tây đang được đánh giá là tiến triển tốt. Tuy nhiên để đi tới thỏa thuận cuối cùng, các bên vẫn còn một số vấn đề phải giải quyết. Chính vì vậy, chuyến thăm Iran của Giám đốc IAEA hồi tuần trước được cho là nhằm mục đích tháo gỡ nút thắt và những hoài nghi của phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran, lượng uranium làm giàu và cả các cơ sở hạt nhân mà họ cho là Iran bí mật phát triển. v.v... Trước những lo ngại này của phương Tây, Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của mình là vì mục đích năng lượng, công nghiệp, y tế đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân Iran.

Iran và IAEA tháo nút thắt liên quan tới vấn đề hạt nhân. Ảnh: IRNA.

Iran và IAEA tháo nút thắt liên quan tới vấn đề hạt nhân. Ảnh: IRNA.

Dù vậy, cuộc đàm phán còn một số vấn đề. Trước hết, việc các bên trở lại đàm phán là một dấu hiệu tích cực và được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, việc đàm phán không đơn giản khi các bên đưa ra điều kiện ràng buộc lẫn nhau. Thứ nhất là vấn đề “Mỹ đảm bảo với Iran sẽ không rút khỏi thỏa thuận một lần nữa”. Iran cho rằng cần quyết định chính trị từ phía Mỹ và phải được quốc hội Mỹ phê duyệt mới có thể tin tưởng bởi các nhà lãnh đạo Iran vẫn lo ngại Mỹ có thể rút lui khỏi thỏa thuận đơn phương lần nữa như đã làm năm 2018. Nhưng điều đó là không thể với các nhà đàm phán Mỹ, bởi vì Điều hai của Hiến pháp Mỹ quy định quyền của tổng thống từ bỏ bất kỳ thỏa thuận bên ngoài nào tùy thuộc vào sự chấp thuận của Quốc hội và các tiêu chuẩn là không có Quốc hội phản đối.

Trong khi đó, phía Mỹ cho rằng Iran đàm phán chỉ để “câu giờ” nhằm tiếp tục phát triển hạt nhân và gây sức ép với Mỹ cũng như phương Tây trong các vấn đề khu vực, người di cư, an ninh, chiến tranh ủy nhiệm.v.v… Vấn đề khác là Iran muốn Mỹ phải dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt. Trong khi đó, Mỹ chỉ đồng ý dỡ bỏ từng phần các lệnh trừng phạt, cũng như cho rằng trong những năm qua Iran đã làm giàu uranium lên quá mức cho phép trong thỏa thuận 2015, phá vỡ nhiều điều khoản của thỏa thuận.v.v… Ngoài ra, các bên còn đưa các điều kiện khác mà được cho là cản trở tiến trình đàm phán.

Trong những ngày qua, các quan chức châu Âu hy vọng về kết quả đàm phán đạt được trong cuối tuần này để hồi sinh thỏa thuận năm 2015 nhưng nhấn mạnh rằng vẫn còn đó điểm tranh chấp. Các bên châu Âu tham gia đàm phán tại Vienna xác nhận rằng thỏa thuận là “gần gũi”. Mặc dù các bên tham gia đã thông báo về tiến bộ trong vòng đàm phán cuối cùng, nhưng họ chưa đạt đến đỉnh điểm đồng thuận để ký một thỏa thuận và sẽ đưa Mỹ trở lại thỏa thuận, đưa Iran trở lại thực hiện các nghĩa vụ quy định trong thỏa thuận để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Nếu không đạt được thỏa thuận vào cuối tuần này, giới quan sát cho rằng phương Tây có thể rời khỏi cuộc đàm phán. Điều này đồng nghĩa với việc đổ vỡ đàm phán và các bên lại quay trở lại vạch xuất phát, căng thẳng có thể lại leo thang ở Trung Đông liên quan tới vấn đề hạt nhân, những tác động về kinh tế, an ninh, dầu khí của khu vực và toàn cầu cũng bị ảnh hưởng.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/thoa-thuan-trong-tam-tay-i646756/