Thỏa thuận xong, không thực hiện

Trước khi mất, ông Lê Văn Du (sinh năm 1917), bà Đinh Thị Hai (sinh năm 1928, ấp Tân Thành, xã Tân Lập, Tịnh Biên) làm di chúc phân chia đất ruộng và đất vườn cho 7 người con. Sau ngày ông bà chết, chị em bất hòa do người em trai không đồng ý chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ). Hơn 2 năm qua, họ buộc phải đến tòa án giải quyết nhưng vụ việc vẫn chưa ngã ngũ.

Trình bày sự việc đến Báo An Giang, chị em bà Lê Thị Hy (sinh năm 1964), bà Lê Thị Tuyền (sinh năm 1967, cùng ngụ tổ 7, ấp Tân Thành, xã Tân Lập) cho biết, em trai bà đã đồng ý phân chia tài sản theo di chúc, nhưng sau đó lại không thực hiện như cam kết. Đương thời, nhờ chịu khó lao động, cha mẹ bà nuôi 7 người con và tạo dựng được 142 công đất tầm lớn (gần 1.300m2/công), chủ yếu là đất ruộng và một số đất thổ cư. Ngoài 62 công đất tọa lạc ở 2 xã Tân Lợi (Tịnh Biên) và Đào Hữu Cảnh (Châu Phú), số còn lại ở ấp Tân Thành (xã Tân Lập).

Ngày 22-11-1999, cha mẹ bà làm di chúc phân chia đất ruộng, đất vườn cho 7 người con (4 trai, 3 gái). Trong đó, bà Lê Thị Hy 10 công đất tầm lớn, Lê Thị Tuyền lúc đầu 8 công, sau người mẹ bổ sung thêm 2 công khi người cha của bà vừa chết. Các anh trai được phân chia như nhau, riêng em trai út (Lê Văn Điển, sinh năm 1969) ngoài kỷ phần đã định, được nhận 20 công đất cha mẹ hưởng già. Tất cả số đất phân chia đều được chuyển QSDĐ khi di chúc được mở, nhưng chị em bà chỉ canh tác, không được chuyển QSDĐ. “Sau này do quá khó khăn, nhất là chị tôi (Lê Thị Hy bị bệnh), chị em tôi kêu cậu út chuyển QSDĐ nhưng em trai viện đủ điều, trong đó có lý do “chị Hy bị bệnh tâm thần”. Sau đó, khi có kết quả của bệnh viện “bác ý kiến” em trai, cậu Điển né tránh, kéo dài, dù các anh chị nhiều lần khuyên bảo. Cuối cùng, chị em tôi buộc phải khởi kiện đến tòa án nhờ phân xử. Qua gần 2 năm “cả nhà” đáo tụng đình, ngày 2-5-2019 em trai nói đồng ý làm theo di chúc, đến cơ quan chức năng chuyển QSDĐ cho 2 chị. Khi nhận được quyết định đồng tình thuận phân của tòa án, anh chị em tôi rất vui mừng” - bà Lê Thị Tuyền cho biết.

Các anh chị và đương sự sau khi trình bày ý kiến ngày 2-1-2020

Nói về việc này, ông Lê Văn Quan (80 tuổi, người anh cả của gia đình) chia sẻ: “Đất cha mẹ để lại, có phân chia rõ ràng, không tranh chấp với ai nhưng cả nhà phải nhiều lần đến tòa án phân xử, vô cùng xấu hổ. Chú út Điển nói chị bệnh nhưng là dù có thật, nhưng tài sản cha mẹ cho phải giao lại để người chị sử dụng, thậm chí bán để lo chữa trị bệnh là chuyện bình thường. Chú út không làm như vậy, mà tìm cách kéo dài, đến mức giả vờ đồng ý thực hiện theo di chúc, rồi lại phủ nhận kéo dài thêm sự việc. Gia đình tôi mất nhiều thời gian cho việc mất tình nghĩa này”.

Chúng tôi gặp ông Lê Văn Điển tìm hiểu thêm việc này nhưng không liên lạc được. Tuy nhiên, qua trình bày, ý kiến của ông Điển thể hiện trong các biên bản của tổ hòa giải ở địa phương và của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tịnh Biên đều cho thấy, đương sự đã kéo dài, tìm cách chống chế việc không chuyển QSDĐ cho 2 người chị. Đặc biệt, ông Điển đề nghị bà Hy phải có kết quả của bệnh viện điều trị tâm thần. Đến khi có kết quả và qua tác động của các anh, đương sự “đồng ý làm theo di chúc”, sau đó lại không chịu thực hiện. Về việc này, lãnh đạo UBND xã Tân Lập cho biết: “Các đương sự đều là người lao động lâu năm ở địa phương. Việc mâu thuẫn phân chia tài sản theo di chúc của gia đình này đã được tổ chức hòa giải nhiều lần và sau đó trở thành vụ “Tranh chấp chia thừa kế tài sản”, được TAND huyện Tịnh Biên phân xử. Về việc chị em bà Hy, bà Tuyền tiếp tục khởi kiện đến TAND huyện Tịnh Biên, địa phương nắm được nhưng không rõ nội dung cụ thể”.

Theo hồ sơ vụ án, sau nhiều năm em trai trì hoãn việc chuyển QSDĐ theo di chúc, bà Lê Thị Hy và Lê Thị Tuyền khiếu nại đến chính quyền địa phương và khởi kiện vụ việc đến TAND huyện Tịnh Biên năm 2017. Qua nhiều lần làm việc, ngày 2-5-2019, tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc do các đương sự đã thỏa thuận được với nhau. Tuy nhiên, sau đó ông Điển không thực hiện theo thỏa thuận, bà Hy và bà Tuyền tiếp tục khởi kiện. Ngày 8-7-2019, TAND huyện Tịnh Biên thụ lý vụ việc và ngày 2-1-2020 lấy ý kiến của các đương sự. Các anh, chị là người có nghĩa vụ liên quan đồng ý làm theo di chúc, riêng ông Điển không đồng ý, không ký tên vào biên bản.

Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Những người có tên trong di chúc có đủ điều kiện nhận di sản thừa kế phải thực hiện. Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó, hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản. Nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tài sản là đất ruộng không được giao QSDĐ thì người nhận thừa kế có quyền khởi kiện nhờ tòa án xem xét giải quyết. Đối với việc người em bội ước thỏa thuận sẽ là tình tiết bất lợi của vụ viêc”.

Bài, ảnh: NGUYỄN RẠNG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/thoa-thuan-xong-khong-thuc-hien-a261981.html