Thỏa ước lao động tập thể là cơ sở để người lao động gắn bó với doanh nghiệp

Trong cuộc khảo sát việc hướng dẫn thương lượng ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) năm 2024, tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàng Mai, mới đây, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh đã nhấn mạnh, cần khẳng định TƯLĐTT là cơ sở để người lao động có sự gắn bó chặt chẽ với nơi làm việc, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, phát triển tại các doanh nghiệp.

Trên địa bàn quận Hoàng Mai có 6.688 doanh nghiệp với 24.291 lao động. Lãnh đạo LĐLĐ quận Hoàng Mai cho biết, qua nắm bắt tình hình chung tại doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, hoặc có tổ chức Công đoàn nhưng chưa ký TƯLĐTT, ngoài những chế độ đãi ngộ được quy định trong Nội quy lao động, quy chế lương, thưởng... việc thực hiện các chế độ đãi ngộ với người lao động không có sự thống nhất giữa các năm cũng như giữa các lao động trong công ty, mà phụ thuộc vào quyết định của người sử dụng lao động, không có sự ràng buộc hay quy định rõ ràng.

Sự không rõ ràng minh bạch ảnh hưởng lớn đến quan hệ lao động tại doanh nghiệp, một số lao động bất mãn cho rằng, không có sự công bằng nên xin nghỉ việc, hoặc có thái độ làm việc hời hợt, không nhiệt tình với công ty. Người sử dụng lao động cũng thưởng phạt tùy tiện khiến người lao động không yên tâm làm việc.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh chủ trì khảo sát việc hướng dẫn thương lượng ký kết và thực hiện TƯLĐTT năm 2024, tại LĐLĐ quận Hoàng Mai.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh chủ trì khảo sát việc hướng dẫn thương lượng ký kết và thực hiện TƯLĐTT năm 2024, tại LĐLĐ quận Hoàng Mai.

Trong khi đó, ở những doanh nghiệp đã ký TƯLĐTT, các chế độ đãi ngộ cho người lao động được cải thiện và nâng cao rất nhiều; việc thực hiện các chế độ nghiêm túc, có quy định rõ ràng. Người lao động có thể căn cứ vào những điều khoản khen thưởng, các chế độ đãi ngộ trong TƯLĐTT để phấn đấu, đạt thành tích tốt trong lao động sản xuất.

Cụ thể, phúc lợi bắt buộc cho người lao động (chế độ lương cơ bản, lương làm thêm giờ; chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; trợ cấp ốm đau, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp,...) được thực hiện theo đúng pháp luật.

Trên 60% doanh nghiệp có phúc lợi tự nguyện cho người lao động (các khoản phụ cấp, bữa ăn ca, chế độ thăm quan, nghỉ mát, hiếu, hỷ...) cao hơn so với quy định của pháp luật.

LĐLĐ quận Hoàng Mai thường xuyên liên hệ với cán bộ Công đoàn cơ sở, chủ động nắm bắt tình hình, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các Công đoàn cơ sở trong việc thương lượng, ký kết và thực hiện các điều khoản đã ký trong TƯLĐTT.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo LĐLĐ quận Hoàng Mai cũng nêu các giải pháp, khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị trong việc nâng cao số lượng, chất lượng thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

Trong đó, khó khăn nhất hiện nay là trong Bộ luật Lao động không có điều khoản bắt buộc phải ký kết TƯLĐTT, vì vậy, nhiều người sử dụng lao động không sẵn sàng thỏa thuận những nội dung có lợi cho người lao động nên cố tình kéo dài thời gian thương lượng, dẫn đến không thể ký kết TƯLĐTT, hoặc nếu ký thì hoàn toàn sao chép từ Bộ luật Lao động, không có điều khoản nào có lợi cho người lao động.

Đoàn khảo sát cũng nghe đại diện Ban Chấp hành Công đoàn của một số Công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ quận Hoàng Mai chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại đơn vị. Đáng chú ý, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Tập đoàn Karofi Nguyễn Hương Quỳnh bày tỏ, do làm kiêm nhiệm nên việc sắp xếp thời gian để chuẩn bị, sắp xếp lịch họp với người sử dụng lao động, lấy ý kiến người lao động gặp khó khăn, thường xuyên phải làm ngoài giờ.

TƯLĐTT sẽ tập trung vào các vấn đề cốt lõi mà đoàn viên, người lao động mong muốn như: Tiền lương, tiền thưởng, các khoản phụ cấp, bữa ăn ca...

TƯLĐTT sẽ tập trung vào các vấn đề cốt lõi mà đoàn viên, người lao động mong muốn như: Tiền lương, tiền thưởng, các khoản phụ cấp, bữa ăn ca...

Qua nắm bắt tình hình, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh nhấn mạnh, việc đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT giữa người sử dụng lao động và người lao động có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên; đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động.

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, TƯLĐTT sẽ tập trung vào các vấn đề cốt lõi mà đoàn viên, người lao động mong muốn như: Tiền lương, tiền thưởng, các khoản phụ cấp, bữa ăn ca...

Để nâng cao số lượng, chất lượng thương lượng, ký kết TƯLĐTT, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động. Khẳng định TƯLĐTT là cơ sở để người lao động có sự gắn bó chặt chẽ với nơi làm việc, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, phát triển tại các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, nâng cao chất lượng, trình độ cán bộ Công đoàn cơ sở nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia thương lượng, đàm phán với doanh nghiệp trong xây dựng TƯLĐTT.

Đồng thời xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn quy trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT, xây dựng Thỏa ước mẫu đơn giản, dễ hiểu để triển khai đến các Công đoàn cơ sở; tư vấn hỗ trợ cho Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở trong quá trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thoa-uoc-lao-dong-tap-the-la-co-so-de-nguoi-lao-dong-gan-bo-voi-doanh-nghiep-172153.html