Thoại Ngọc Hầu qua những tài liệu mới

Cùng với Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) được xem là bậc 'khai quốc công thần' của vùng đất Nam bộ.

Bìa sách Thoại Ngọc Hầu qua những tài liệu mới

Bìa sách Thoại Ngọc Hầu qua những tài liệu mới

Đối với người dân Nam bộ nói chung, đặc biệt là miền Tây Nam bộ, Thoại Ngọc Hầu được tôn kính và thờ ở rất nhiều nơi. Một con người với công lao vĩ đại, một danh tướng tài năng như Thoại Ngọc Hầu, thế nhưng những tư liệu, sách vở viết về ông cho đến nay vẫn chưa có nhiều. Một nhà nghiên cứu trẻ - Trần Hoàng Vũ đã dày công “lần giở cảo thơm”, giới thiệu về ông một cách đường bệ, uy nghi trong cuốn sách Thoại Ngọc Hầu qua những tài liệu mới do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh ấn hành.

Thoại Ngọc Hầu không chỉ nổi tiếng có công lao to lớn với người dân Nam bộ khi ông lãnh ấn kiếm mở mang vùng đất này mà còn là bậc danh tướng đa tài trong lịch sử. Đối với vùng đất Nam bộ, ông là tác giả của kênh đào Vĩnh Tế, kênh Thoại Hà đến nay vẫn được xem là những công trình thủy lợi kì vĩ với tầm nhìn xa trông rộng hiếm có.

Đối với sự nghiệp võ công của các chúa Nguyễn, ông là người đã theo phò chúa Nguyễn Ánh từ những ngày đầu, là bậc công thần đã có công lao dựng nên triều đại nhà Nguyễn. Đối với sứ mệnh trấn thủ biên cương, ông đã từng được vua Gia Long giao trấn thủ và giữ vững biên cương phía Bắc trong nhiều năm. Đối với sự nghiệp ngoại giao, bang giao giữa các lân quốc, ông đã 3 lần lĩnh ấn bảo hộ Cao Miên, 7 lần đi sứ sang Xiêm, đi sứ sang Lào… Tất cả những hành trang, sự nghiệp của Thoại Ngọc Hầu đã được nghiên cứu, sắp xếp trật tự, logic trong công trình nghiên cứu dày dặn gần 500 trang này.

Cuốn sách được chia làm 17 chương từ những trang viết về quê hương đến việc theo chúa Nguyễn; về tài ngoại giao quân sự, tài cầm quân đến công lao trong mở mang phát triển vùng Châu Đốc và sứ mệnh bảo hộ Cao Miên. Đặc biệt, tác giả đã giành 3 chương với gần 50% số trang sách để viết về những vấn đề xung quanh những công lao, dấu ấn mà Thoại Ngọc Hầu đã lưu lại cho đời; về những ai oán mà bậc công thần ấy đã phải gánh chịu khi cuối đời.

Đặc biệt, chương cuối cùng của cuốn sách với tên gọi Cái quan định luận đã có những nhận xét, đánh giá về ông đầy tính thuyết phục. Với phần Cái quan định luận này, tác giả trẻ Trần Hoàng Vũ đã không chỉ là một người nghiên cứu lịch sử, phản ánh lại lịch sử mà đã trở thành “người chép sử”. Người chép sử trong bất cứ thời đại nào cũng phải làm sống dậy các dữ liệu, bắt dữ liệu lên tiếng để rồi từ đó mà “cái quan định luận”.

Viết về Thoại Ngọc Hầu, năm 1972, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu đã cho ra đời cuốn sách với nhan đề Thoại Ngọc Hầu với công cuộc khai phá miền Hậu Giang. Bình luận về sự ra đời cuốn sách này, nhà nghiên cứu Bửu Kế đã viết: “Sự phong phú của sách khiến không còn ai có thể viết về vấn đề này làm gì nữa”. Lời bình ấy đã nói lên tâm huyết, nỗ lực của tác giả Nguyễn Văn Hầu khi biên soạn cuốn sách về Thoại Ngọc Hầu. Thế nhưng, cuộc đời, sự nghiệp của Thoại Ngọc Hầu không chỉ dừng lại ở cuốn sách biên khảo ấy mà được lớp hậu bối tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để hậu thế ngày càng tường tận hơn cuộc đời, sự nghiệp của một bậc khai quốc công thần trên vùng đất Nam bộ.

Vũ Trung Kiên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201909/thoai-ngoc-hau-qua-nhung-tai-lieu-moi-2962582/