Thoái vốn nhà nước: Chờ những chuyển biến mới
Thời gian qua, tốc độ thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đang có xu hướng chậm lại với nhiều áp lực mới. Thế nhưng, dự đoán tình hình sẽ có nhiều chuyển biến khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện rút dần vốn tại 108 doanh nghiệp (DN) trong năm 2019.
Chờ đợi mẻ hàng lớn
SCIC vừa công bố danh sách 108 DN dự kiến phải thoái vốn trong năm 2019. Theo đó, danh sách này toàn là những “ông lớn” có tên tuổi, chẳng hạn như Tổng công ty CP Bảo Minh ; Công ty CP Nhựa Bình Minh; Công ty CP FPT; Công ty CP Dược Lâm Đồng ; Tập đoàn Bảo Việt ; Tổng công ty Licogi; Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex); Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng; Công ty CP Sách Việt Nam; Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông …Tại những công ty này, SCIC nắm các phần vốn khá đa dạng, từ vài phần trăm đến vài chục phần trăm. Ví dụ như SCIC nắm 0,02% vốn tại Công ty CP Nhựa Bình Minh nhưng sở hữu tới 41% vốn tại Tổng công ty Licogi.
Cũng theo số liệu tổng hợp cho thấy, tính đến ngày 31/5, danh mục do SCIC quản lý có 144 DN, với tổng số vốn nhà nước theo giá trị sổ sách hơn 28.600 tỷ đồng, giá trị thị trường khoảng 116.000 tỷ đồng (hơn 5 tỷ USD).
Trong số những DN này, SCIC từng thực hiện thoái một phần vốn và đạt được kết quả nhất định, trong đó phải kể đến việc bán vốn tại Công ty CP Nhựa Bình Minh vào hồi tháng 3/2018. Với thương vụ này, giá vốn chỉ là 145 tỷ đồng nhưng đã bán được 2.330 tỷ đồng, tức là chênh lệch tới 2.185 tỷ đồng. Do vậy, khi SCIC tiếp tục thực hiện công cuộc thoái vốn đã cho thấy sự chủ động cũng như việc tận dụng được sự chuyển biến từ thị trường vốn và thị trường chứng khoán.
Nhiều quan điểm cho rằng, thị trường đang chờ mẻ hàng lớn, nguồn hàng thoái vốn phong phú chắc chắn sẽ thúc đẩy nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội. Cũng trong năm 2019, nhu cầu thoái vốn của Chính phủ được nhìn nhận là cấp bách hơn, do áp lực nợ công và thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, bên cạnh những công ty có kế hoạch thoái vốn năm 2019 là hơn 80 công ty chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn năm 2018. Trong khi đó, theo kỳ vọng của Bộ Tài chính, năm 2019 sẽ cố thu về 50.000 tỷ đồng từ thoái vốn nhà nước, cao hơn 40% so với năm 2018.
Đi vào chất lượng
Để để thoái vốn hiệu quả, một trong những việc cần làm là xác định rõ mục tiêu của việc thoái vốn, bán tài sản. Hiện nhiều DN vẫn còn lúng túng chưa biết bán phần vốn Nhà nước theo phương thức nào để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. Khi thị trường đang chờ nguồn hàng lớn thì phương thức bán vốn một phần hay bán trọn lô cần được cân nhắc.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng việc thoái vốn nhà nước theo phương thức bán trọn lô đang phát huy hiệu quả tích cực. Điển hình như thương vụ thoái vốn nhà nước khỏi Tổng công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn đã thu về cho ngân sách gần 5 tỷ USD và tại Công ty CP Sữa Việt Nam cũng thu về cho Nhà nước khoản chênh lệch gần 9.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Vì vậy với đợt thoái vốn lớn này, việc áp dụng phương thức như đã thực hiện ở 2 DN Sabeco và Vinamilk cũng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được một phần khó khăn trong việc thoái vốn nhà nước tại DN cổ phần hóa và tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.
Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, cần mạnh tay thoái vốn với tỷ lệ cao, thậm chí bán 100% vốn tại những DN nhà nước không cần nắm giữ để nguồn lực quan trọng này được huy động cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Nhìn lại khó khăn công cuộc thoái vốn trong thời gian qua cũng cho thấy những vướng mắc nhất định do liên quan đến đất đai, nhiều đơn vị vẫn chưa có đủ hồ sơ, chưa xác lập quyền sử dụng đất của DN nên chưa thể thực hiện thoái vốn. Chưa kể thoái vốn ở các DN nhà nước còn vướng những thủ tục trong quá trình thẩm định, định giá khiến cho đối tác mua không thể quyết định.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, các cơ quan chức năng phê duyệt phương án chậm nên đến khi phê duyệt được thì giá đã thay đổi, chỉ cần sau mấy tháng giá đã có nhiều biến động khiến người mua khó quyết định.
Trong khi đó, Nghị quyết số 12-NQ/TW đề ra các nguyên tắc khi thoái vốn, trong đó có yêu cầu công khai, minh bạch, tối đa hóa giá trị vốn nhà nước theo thị trường, chứ không yêu cầu phải bảo toàn vốn nhà nước. Do vậy, có những trường hợp giá vốn theo thị trường dưới mệnh giá thì vẫn có thể thoái, càng giữ thì Nhà nước càng thiệt. Tránh trường hợp DN, dự án yếu kém có thể khắc phục để cổ phần hóa, thoái vốn được mà lại “bán non”, thiệt hại lợi ích của Nhà nước.
Giới chuyên gia cũng chỉ ra công tác thoái vốn thời gian qua diễn ra chậm. Việc chậm trễ về khách quan là do khả năng hấp thụ của thị trường chưa lớn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn được khẳng định là từ chính các lãnh đạo DN. Theo đó quy mô DN càng lớn thì khi bóc tách ra sẽ càng đụng tới trách nhiệm của lãnh đạo các thời kỳ và của chính lãnh đạo hiện tại. Điều này khiến người đứng đầu các DN có tư tưởng sợ, né trách nhiệm. Vì vậy, khi SCIC công bố danh sách DN thoái vốn, nhiều kỳ vọng đại cuộc thoái vốn sẽ đi vào chất lượng hơn.