Thoái vốn tại Quawaco quay lại vạch xuất phát

Phương án và lộ trình thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Ninh (Quawaco) quay lại vạch xuất phát với kế hoạch hoàn toàn mới.

Việc thoái vốn nhà nước tại Quawaco liên tục lùi thời hạn và chưa rõ đến bao giờ mới kết thúc.

Việc thoái vốn nhà nước tại Quawaco liên tục lùi thời hạn và chưa rõ đến bao giờ mới kết thúc.

Liên tục lùi thời hạn

Theo Thông báo 263/TB-UBND ngày 30/12/2019 về kết luận của ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh về tiến độ công tác thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, những chỉ đạo liên quan đến việc thoái vốn tại Quawaco vẫn đang là xác định tài sản, giá trị doanh nghiệp.

Trước đó, phương án thoái vốn nhà nước tại Quawaco xuống còn 64,5% được trình năm 2016 đã phải điều chỉnh cho phù hợp với Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là thời điểm mà lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nước sạch không thuộc ngành nghề Nhà nước nắm giữ cổ phần.

Ngày 22/2/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh đã có Văn bản số 350/KHĐT-KTN báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2016-2020, trong đó đăng ký thoái toàn bộ phần vốn nhà nước nắm giữ tại Quawaco trong năm 2017. Thời điểm này, Quảng Ninh trở thành một trong số ít địa phương mạnh dạn đăng ký đi đầu trong việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại ngành nước.

Quawaco cũng đã nằm trong danh sách doanh nghiệp phải thoái toàn bộ vốn nhà nước trong năm 2017 theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc thoái vốn nhà nước tại Quawaco liên tục lùi thời hạn và chưa rõ đến bao giờ mới kết thúc, khi mà các yếu tố mới như bổ sung tài sản doanh nghiệp, thay đơn vị thẩm định giá lại phát sinh.

Thực tế, chuyện có nên thoái toàn bộ vốn nhà nước trong doanh nghiệp ngành nước được chú ý đặc biệt, khi những sự cố liên quan đến quản trị ngành xảy ra trong năm 2019. Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 5/2019, Hội Cấp thoát nước cho rằng, cần duy trì một tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp cấp nước cổ phần hóa, nhằm nâng cao trách nhiệm, khẳng định vai trò của quản lý nhà nước trong các doanh nghiệp này.

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, cuối năm 2019, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Trung ương xin ý kiến về việc điều chỉnh phương án thoái vốn nhà nước theo hướng giữ lại cổ phần chi phối (51%) của Nhà nước tại Quawaco. “Việc giữ lại phần vốn này là để giám sát việc đầu tư, cũng như đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ người dân, đặc biệt là các vùng khó khăn và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Thắng cho biết.

Vẫn cần sự kiểm soát của Nhà nước

Quyết định số 2502/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định nguyên tắc hoạt động và chính sách phát triển của ngành nước, dù ngành này không còn nằm trong nhóm dịch vụ công Nhà nước nắm giữ độc quyền. Theo đó, hoạt động cấp nước phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, trong đó có xét đến việc hỗ trợ cấp nước cho người nghèo, các khu vực đặc biệt khó khăn.

Trong lộ trình thực hiện thoái vốn tại Quawaco, Quảng Ninh đã dự thảo Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, trong đó có tiêu chí yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết phát triển thị trường tại các khu vực đô thị, khu công nghiệp, miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa...; chỉ thực hiện điều chỉnh giá nước theo các quy định hiện hành và khi được UBND tỉnh chấp thuận.

Ở khía cạnh phát triển kinh tế, việc Nhà nước nắm giữ quyền chi phối sẽ duy trì chính sách giá bán lẻ nước dành do khu công nghiệp, khu kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ ở mức 11.100 đồng/m3, thấp hơn nhiều so với một số địa phương khác. Điều này giúp hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh...

Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã sáp nhập Hạ Long và Hoành Bồ thành TP. Hạ Long mới. Điều này đồng nghĩa, tại các vùng núi như Đồng Sơn, Kỳ Thượng, người dân cũng phải được tiếp cận nước sạch như tại Hạ Long. Như vậy, chi phí đầu tư sẽ là rất lớn, nhưng hiệu suất sử dụng và thu hồi vốn gần như bằng không, vì dân số khu vực này rất thấp. Nếu tính toán bài toán lợi nhuận, doanh nghiệp tư nhân sẽ rất dè chừng, dù có nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước hay không.

Trong khi quy định pháp luật về thoái vốn còn rất thiếu, những bất cập trong quản lý chất lượng nguồn nước còn tồn tại, thì việc thoái vốn nhà nước tại Quawaco cần được xem xét và điều chỉnh.

Thu Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thoai-von-tai-quawaco-quay-lai-vach-xuat-phat-d115861.html