Thoái vốn Viglacera, vì sao bán nhỏ

Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là hết hạn thời gian đăng ký tham gia đợt thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera (VGC) do Bộ Xây dựng thực hiện.

Ðợt thoái vốn mở rộng cửa cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia, nhưng hầu như không có sự quan tâm nào của nhà đầu tư thể hiện trên các chat room dành cho nhà đầu tư cá nhân.

Với phương thức thoái vốn được công bố, cộng với những động thái về việc sang tay gần 10% cổ phần VGC của Dragon Capital cho các nhà đầu tư trong nước gần đây, thị trường cũng tỏ ra thờ ơ với đợt thoái vốn vì khó có thể thấy bóng dáng của một cuộc đua nóng bỏng như đã từng xảy ra ở Vinaconex hồi cuối năm ngoái.

Tại sao lại như vậy?

18% cổ phần mà Bộ Xây dựng bán ra đợt này là một tỷ lệ rất… chơi vơi. Nó cho phép nhà đầu tư mua cả lô cổ phần, hoặc các nhà đầu tư tập hợp thành nhóm mua lượng cổ phần trên trở thành cổ đông lớn của Viglacera, nhưng lại không đủ số lượng để lá phiếu có bất cứ trọng lượng nào trong các quyết định lớn liên quan đến doanh nghiệp.

Theo điều lệ Viglacera, để nắm trọn quyền tại Tổng công ty, nhóm nhà đầu tư phải sở hữu 65% cổ phần trở lên, nhưng mức 51% cũng đủ để quyết định nhiều đầu việc quan trọng.

Nếu chỉ đầu tư tài chính thì mức giá khởi điểm cao hơn gần 10% so với thị giá VGC ở thời điểm hiện tại không phải là mức giá hấp dẫn với các nhà đầu tư. Bằng chứng là Dragon Capital đã mạnh tay thoái gần 9% cổ phần tại Viglacera với giá chưa tới 21.000 đồng/cổ phần.

Còn đầu tư chiến lược, để thay đổi quản trị và hiệu quả hoạt động của VGC như các nhà đầu tư đã bỏ vốn vào Vinaconex trước đây thì sao?

Rõ ràng là kịch bản này khả thi hơn, vì nếu so sánh các chỉ số tài chính cũng như tài sản của Viglacera, đây còn là “cô gái” đẹp hơn so với Vinaconex, theo nhận xét của giới phân tích chứng khoán.

Giới đầu tư nhìn nhận rằng, nếu Bộ Xây dựng thoái toàn bộ 54% cổ phần VGC trong đợt này và bán theo lô lớn thì chắc chắn đây sẽ là cuộc đua kịch tính và không kém phần nóng bỏng so với thương vụ bán đấu giá Vinaconex.

Bởi khi ấy, nhà đầu tư nào mua trọn lô cổ phần có thể tham gia nắm quyền quản trị công ty. Còn theo phương án thoái vốn như hiện tại, sẽ là rủi ro rất lớn nếu đợt thoái vốn tiếp theo trong năm, nhà đầu tư không thể mua được trọn lô cổ phần.

Khi đợt thoái vốn không có các yếu tố để thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia, chắc chắn giá trúng đấu giá (nếu có) sẽ khó vượt trội so với giá khởi điểm, vì không có yếu tố cạnh tranh.

Hệ quả là tiềm năng tăng giá cổ phần để tối đa hóa được lợi ích nhà nước thu về cho đợt thoái vốn tiếp theo 36% cổ phần tại Viglacera sẽ rất mông lung, vì nhà đầu tư đang săn mua đủ lượng cổ phần chi phối không dại gì để giá lên cao dẫn đến phải mua giá cao.

Ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, trong mỗi thương vụ thoái vốn nhà nước, cần làm rõ mục tiêu thoái vốn là vì tiền hay vì lý do nào khác. Ðể tối đa hóa dòng tiền thu được, bên bán phải xác định bán quyền chi phối tại doanh nghiệp.

Viglacera không thuộc nhóm ngành nghề, doanh nghiệp mà Nhà nước phải nắm giữ, chủ trương thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp này cũng đã được công bố từ rất sớm. Vậy nên, thị trường băn khoăn, thương vụ này có hướng đến việc tối đa hóa dòng tiền thu về cho Nhà nước hay không?

Người quan sát

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/thoai-von-viglacera-vi-sao-ban-nho-259835.html