Thoáng ở 'tầng' luật, thông ở 'tầng' dưới luật

Rà soát dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp sáng qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, có thể bỏ được khoảng 1/3 số điều. Lý do có thể bỏ được nhiều như thế không hẳn là do cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật này chuẩn bị chưa kỹ.

Đánh giá về dự án Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận, cả 4 chính sách của dự luật đều rất tốt, gồm: phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn hóa chất. Trong đó, 3 chính sách được thiết kế tương đối rõ, các điều khoản tương đối cụ thể, chi tiết.

Nhưng vấn đề là “lại chi tiết quá”. Nêu nhận định này, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh lại chủ trương chung của Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước là phải đơn giản hóa hệ thống pháp luật. “Hãy trả lại cho Chính phủ những việc gì của Chính phủ. Luật của Quốc hội chỉ quy định đúng vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không nghị định hóa luật, không thông tư hóa luật. Chức năng, nhiệm vụ của các Bộ do Chính phủ quy định, không phải do luật quy định. Thành phần, các giấy phép... là việc của Chính phủ, không phải việc của Quốc hội quy định. Cho nên, luật này, các đồng chí rà soát có thể bỏ được khoảng 1/3 số điều trong này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Đơn giản hóa và minh bạch hóa hệ thống pháp luật không phải là yêu cầu mới, nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự và càng cấp bách hơn trong bối cảnh nhiều đạo luật được đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều luật khi thời gian thực hiện chưa được bao lâu, thậm chí có luật vừa ban hành, chưa có hiệu lực thi hành đã lại đề xuất sửa đổi, như các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vừa qua - dù việc sửa đổi này hướng đến mục tiêu rất tích cực là đẩy sớm hiệu lực thi hành để các chính sách mới, đột phá trong các luật này sớm đi vào cuộc sống, khơi thông các điểm nghẽn, tạo động lực mới cho các lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế.

Sáng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một nội dung quan trọng khác, đó là tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Qua đó cho thấy, vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể, thậm chí cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật. Đặc biệt, số lượng văn bản quy định chi tiết nợ mới phát sinh nhiều, văn bản nợ đọng kéo dài chưa được khắc phục triệt để; số lượng văn bản ban hành chậm, không bảo đảm hiệu lực thi hành đồng thời với luật còn nhiều.

Như vậy, để thấy rằng, để “Luật chỉ quy định đúng vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không nghị định hóa luật, không thông tư hóa luật” không chỉ là vấn đề kỹ thuật lập pháp hay ủy quyền lập pháp mà đòi hỏi phải đổi mới từ tư duy, phương pháp tiếp cận trong xây dựng pháp luật, bảo đảm luật quy định có tính bao quát, không điều chỉnh chi tiết các quan hệ xã hội đang trong quá trình vận động, có nhiều thay đổi; chỉ luật hóa những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh tính đúng đắn, phù hợp, khả thi để bảo đảm tính ổn định và "tuổi thọ" lâu dài của luật.

Đặc biệt, phải minh định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ trong xây dựng pháp luật, xác định rõ hơn nữa những việc gì phải được luật hóa, việc gì thuộc trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành. Một mặt, Quốc hội phải cương quyết từ chối các dự luật không tuân thủ quy định về thẩm quyền lập pháp, việc của Chính phủ, của bộ, ngành nhưng lại “đẩy” lên Quốc hội, trong khi có những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội lại đề xuất quy định khung để hướng dẫn trong các văn bản dưới luật. Mặt khác, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải giám sát chặt chẽ việc tổ chức thi hành luật, trọng tâm là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Bởi thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành, các thủ tục, cấp phép... trong các văn bản dưới luật thường là “địa hạt” màu mỡ cho tiêu cực, “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực khiến luật khó hoặc không đi vào cuộc sống. Nếu không giám sát được chặt chẽ, không kiểm soát được hiệu quả việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật nói riêng, tổ chức thi hành luật nói chung thì hệ thống pháp luật có thể thông thoáng, đơn giản và minh bạch ở "tầng" luật nhưng lại là "rừng rậm" ở "tầng" dưới luật gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoang-o-tang-luat-thong-o-tang-duoi-luat-post390129.html