Thoát nghèo bền vững nhờ xuất khẩu lao động

Cùng với những nỗ lực trong việc chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm cho bà con các dân tộc trên địa bàn, thời gian qua, huyện Sơn Động (Bắc Giang) chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ người dân xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nhờ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.

Nhà mới khang trang

Căn nhà mới khang trang, kiên cố của vợ chồng anh Trần Văn Nuôi (SN 1989), dân tộc Sán Chí, thôn Trung Sơn, xã Lệ Viễn nổi bật hơn so với những ngôi nhà khác. Theo lời ông Trần Văn Sầng - bố đẻ anh Nuôi, cơ ngơi này là thành quả lao động tại Hàn Quốc của vợ chồng anh Nuôi trong hơn 4 năm qua.

Được biết, khoảng 5 năm trước, vợ chồng anh Nuôi ra ở riêng với của hồi môn là ngôi nhà cấp 4 nằm ngay sát quốc lộ 31. Vốn được học nghề sửa chữa xe máy, anh Nuôi vay mượn bạn bè mở cửa hàng tại nhà. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, vốn đầu tư ít nên cửa hàng vắng khách, sớm phải đóng cửa.

Ngôi nhà khang trang vừa được xây dựng của anh Trần Văn Nuôi, thôn Trung Sơn, xã Lệ Viễn.

Ngôi nhà khang trang vừa được xây dựng của anh Trần Văn Nuôi, thôn Trung Sơn, xã Lệ Viễn.

Năm 2019, được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tuyên truyền về chương trình cho vay vốn đi XKLĐ tại Hàn Quốc, anh Nuôi quyết định học tiếng để “xuất ngoại”. Sau vài tháng, thấy công việc ổn định, thu nhập khá, vợ anh cũng sang cùng, vừa để vợ chồng gần nhau, vừa tăng thu nhập. Hiện trung bình mỗi tháng, trừ chi phí, vợ chồng anh gửi về hơn 60 triệu đồng.

“Đầu năm nay, tôi cũng cho con trai út theo anh chị sang lao động tại Hàn Quốc. Hiện mỗi tháng cháu gửi về hơn 20 triệu đồng, cao hơn nhiều so với đi làm công nhân tại khu công nghiệp”, ông Sầng cho biết.

Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Sơn Động, toàn huyện có hơn 900 người đang đi lao động hợp đồng tại các nước. Riêng từ đầu năm đến nay có 110 trường hợp XKLĐ, tập trung chủ yếu ở các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức…

Qua đánh giá, từ XKLĐ, nhiều hộ gia đình có điều kiện cải tạo nhà ở, vươn lên thoát nghèo, thậm chí có vốn đầu tư kinh doanh. Điển hình như trường hợp của gia đình ông Chu Văn Chiến (SN 1966), dân tộc Tày, thôn Thượng, xã Cẩm Đàn thoát nghèo và xây được ngôi nhà mới 3 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi nhờ có 3 người con đang lao động tại Hàn Quốc; gia đình chị Vi Thị Giang (SN 1992), dân tộc Nùng, thôn Trại Răng (cùng xã Cẩm Đàn) vừa cải tạo nhà, vừa mua được 2 lô đất trị giá hơn 1,6 tỷ đồng.

Ngôi nhà đầy đủ tiện nghi của gia đình ông Chu Văn Chiến, thôn Thượng, xã Cẩm Đàn.

Ngôi nhà đầy đủ tiện nghi của gia đình ông Chu Văn Chiến, thôn Thượng, xã Cẩm Đàn.

Hay như anh Đặng Văn Hoàn (SN 1983), dân tộc Cao Lan, thôn Đồng Dầu, xã An Bá mỗi năm gửi về cho gia đình gần 500 triệu đồng nhờ có việc làm ổn định tại Hàn Quốc. Ông Hoàng Như Hậu, Chủ tịch UBND xã An Bá nói: “Hiện toàn xã có 55 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Malaysia. Mỗi năm số lao động này gửi về địa phương khoảng 26 tỷ đồng. Đến nay, 100% hộ gia đình có người đi XKLĐ đã xây dựng được nhà kiên cố, nhiều hộ mua được ô tô và có tiền gửi ngân hàng”.

Tăng cường kết nối, thêm lựa chọn cho người lao động

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, huyện Sơn Động ra khỏi danh sách huyện nghèo, các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn lực. Đối với hoạt động XKLĐ, huyện đưa ra giải pháp rất cụ thể, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn giúp người dân hiểu rõ, yên tâm khi XKLĐ.

Với vai trò hỗ trợ vốn vay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi về các chương trình, chính sách hỗ trợ. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho 39 lao động vay vốn đi XKLĐ với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng; trong đó cho vay ký quỹ đi lao động tại Hàn Quốc là 22 lao động, mỗi người 100 triệu đồng.

Ông Lưu Văn Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho biết: “Hiện chúng tôi đang cho 115 khách hàng vay vốn XKLĐ với tổng dư nợ gần 10,7 tỷ đồng. Với những trường hợp đang có nhu cầu, chúng tôi chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài hướng dẫn người lao động hoàn thiện hồ sơ và tiến hành giải ngân vốn ngay khi các thủ tục hoàn tất”.

Theo đánh giá, các chính sách về lao động nói chung, hỗ trợ XKLĐ nói riêng đã góp phần nâng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện. Cụ thể, giai đoạn 2020-2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 5%/năm, hiện chỉ còn 20,82% hộ nghèo. Tại các địa phương, nguồn kiều hối từ hoạt động XKLĐ đã mang lại nguồn lực quan trọng để phát triển KT-XH.

Ví như tại xã Lệ Viễn, trung bình mỗi năm lực lượng đi lao động tại các nước gửi về địa phương hơn 32,4 tỷ đồng, góp phần nâng thu nhập bình quân của xã năm 2023 lên 28 triệu đồng/người/năm, vượt mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra đến năm 2025. Tương tự, tại xã Cẩm Đàn, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 25,39%, giảm 8% so với năm 2022.

Bà Vi Thị Tú, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Để đẩy mạnh chương trình XKLĐ, ngoài việc tập trung tuyên truyền, huyện sẽ phối hợp với các doanh nghiệp trong lĩnh vực XKLĐ để người dân có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp. Trước mắt, trong tháng 11 này, chúng tôi tổ chức 7 lớp tập huấn, 4 phiên giao dịch việc làm cho lao động địa phương. Đặc biệt, huyện sẽ tổ chức ngày hội việc làm, trong đó có mời 5 doanh nghiệp chuyên về XKLĐ tham gia”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/414498/thoat-ngheo-ben-vung-nho-xuat-khau-lao-dong.html