Thoát nghèo nhờ mô hình 'Gắn kết hộ'
Thực hiện mô hình 'Gắn kết hộ', Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) tổ chức gắn kết và duy trì 73 cặp hộ, trong đó, có 37 cặp hộ người Kinh gắn kết với hộ đồng bào Gia Rai. Thông qua 'Gắn kết hộ' không chỉ góp phần giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mà còn tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Gia đình anh Kpuih CLúc, công nhân Đội 4 (Công ty Bình Dương) và chị Rơ Lan Cham, người dân tộc Gia Rai, ở làng Hle-Ngol, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai trước năm 2020 vẫn đang còn là hộ nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng nay chuẩn bị thoát nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2021-2025). Anh Kpuih CLúc cho biết, một trong những nhân tố giúp gia đình anh có sự thay đổi thần kỳ đó là nhờ sự động viên, giúp đỡ như anh em ruột thịt từ gia đình Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Hương, Trợ lý Phòng Kỹ thuật-Công nghệ và Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thảo, nhân viên thống kê Đội 4 (Công ty Bình Dương).
“Gia đình tôi gắn kết hộ với gia đình anh Hương, chị Thảo từ năm 2020 và được anh chị xem như những người em trong gia đình. Từ kỹ thuật chăm sóc, khai thác mủ cao su đến phát triển vườn cây của gia đình, chăn nuôi bò giống đều được anh chị hướng dẫn tận tình, chu đáo. Nhờ đó, tôi có lương hơn 9 triệu đồng/tháng, vườn cà phê hơn 300 cây, bò giống Công ty trao tặng đang phát triển tốt, hứa hẹn mang đến cho gia đình những nguồn thu đáng kể để thoát nghèo bền vững”, anh Kpuih CLúc vui mừng nói.
Người dân làng Ó Kly, xã Ia Tôr đã quen thuộc với hình ảnh gia đình anh Vũ Duy Thành, nhân viên bảo vệ Đội 1 (Công ty Bình Dương) và vợ là chị Lê Thi Tâm, y tá Đội 1 cùng gia đình anh Kpuih Klu, chị Siu Giáp, người dân tộc Gia Rai thường xuyên qua lại trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Sự động viên, hỗ trợ nhau đã giúp hai gia đình trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương. Chị Siu Giáp là công nhân ưu tú, có tay nghề xuất sắc của Công ty Bình Dương, hằng năm, chị đều vượt kế hoạch sản lượng hơn 125%. Riêng năm 2022, chị đạt năng suất 17,5 tấn mủ cao su, vượt 137% kế hoạch năm. Gia đình chị Siu Giáp còn có hơn 2ha cà phê, đàn bò 8 con cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chị Siu Giáp tâm sự: “Gắn kết hộ giúp chúng tôi có thêm những người anh, người chị, tối lửa tắt đèn có nhau, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Một trong những thành công trong mô hình “Gắn kết hộ” của Công ty Bình Dương là không chạy theo số lượng. Các cặp hộ gắn kết phải trên tinh thần tự nguyện và hộ gia đình cán bộ, nhân viên, công nhân người kinh là hạt nhân để giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ công nhân mới. Hằng năm, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty Bình Dương chọn những hộ cán bộ, nhân viên, công nhân tiêu biểu trong làm kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc để gắn kết, hỗ trợ hộ gia đình khó khăn với tinh thần “no đói có nhau”, “sướng khổ cùng nhau”. Theo Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thảo, gia đình anh Kpuih CLúc và chị Rơ Lan Cham thoát nghèo nhanh là nhờ sau khi "gắn kết hộ", hai gia đình bàn bạc, xác định mục tiêu, lộ trình thoát nghèo một cách cụ thể. “Năm 2021, chúng tôi giúp nhau rèn luyện tay nghề, đẩy mạnh chăn nuôi, tăng gia, lấy ngắn nuôi dài để tạo nguồn vốn và đặt mục tiêu, năm 2022, gia đình anh Kpuih CLúc trong diện hộ cận nghèo, năm 2023, thoát nghèo bền vững”, chị Thảo nhấn mạnh.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/thoat-ngheo-nho-mo-hinh-gan-ket-ho-740386