'Thoát nợ, chỉ nhờ giã bướm'

Đó là khẳng định của nhiều ngư dân ở làng chài tỷ phú xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Làng chài nổi tiếng cả nước chìm trong bão nợ và ngày đầu năm đi đâu cũng nghe ngư dân nói 'chỉ còn biết nhờ giã bướm thì mới qua nổi năm 2020'.

Đó là khẳng định của nhiều ngư dân ở làng chài tỷ phú xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Làng chài nổi tiếng cả nước chìm trong bão nợ và ngày đầu năm đi đâu cũng nghe ngư dân nói "chỉ còn biết nhờ giã bướm thì mới qua nổi năm 2020".

Thuyền trưởng Nguyễn Đậu nói về hoạt động của 2 cánh bướm.

Thuyền trưởng Nguyễn Đậu nói về hoạt động của 2 cánh bướm.

Ngày đầu xuân, thanh niên ở xã Nghĩa An và Nghĩa Phú nằm 2 bên cửa biển cửa Đại Cổ Lũy rầm rập đón xe ra Vịnh Bắc Bộ để lên tàu tiếp tục mở biển. Nhưng năm nay, đoàn quân ngư dân này giống như người thất trận. Nhiều người nhắc đến chuyện đi biển thua lỗ hoài, nên chủ tàu phải tính lương 7-10 triệu/phiên biển. Từ năm 2019 đến nay, ngư dân điêu đứng vì tàu làm nghề giã cào cao tốc càng ra khơi thì càng lỗ, càng đi biển thì nợ nần càng chồng chất. Anh Phong, một thanh niên nói giọng so bì: "Tụi ở nhà làm nghề giã bướm kiếm được 80 triệu/năm, còn mình theo tàu lớn đi xa nhà, làm không ra nổi 30 triệu, tương lai chắc chỉ nhờ giã bướm".

Giữa lúc khó khăn, ngư dân bắt đầu tính đường lùi, không chạy 2 tàu song song để kéo lưới giã đôi mà tính chuyện làm nghề giã chiếc để tiết kiệm nhiên liệu, chấp nhận thu nhập nhỏ giọt nhưng ngày nào cũng kiếm được gạo nấu, không tàn phá môi trường như giã cào cao tốc. Tàu kéo lưới giã 1 chiếc gọi là tàu giã bướm. Những chiếc tàu này từng bị các ngư dân đánh bắt xa bờ liếc mắt rồi quay đi phán 1 câu "bướm, chỉ kiếm đủ xài, chỉ thứ cao tốc kia thì mới có dư dả, đem tiền về cho vợ con".

Để làm nghề giã cào bướm, các ngư dân chỉ cần sắm 1 chiếc tàu nhỏ có chiều dài chừng 12 đến 19m, lắp máy công suất từ 90 đến 450 mã lực, sắm giàn lưới bướm có 2 gọng xòe ra phía sau rồi túc tắc đi biển. Tổng cộng gói đầu tư này chỉ từ 200 đến 900 triệu đồng. Gia đình có 4 cha con thì mời thêm 2 ngư dân nữa lên tàu là đủ đội bạn đi biển. Còn nghề làm giã cào đôi thì ngư dân phải đầu tư đến 2 chiếc tàu để chạy song song kéo lưới, tổng cộng gói đầu tư lên đến khoảng trên 10 tỷ đồng, chi phí mỗi chuyến biển khoảng 400 triệu đồng.

Hiện nay, dư nợ các ngân hàng thương mại của ngư dân 2 xã Nghĩa An và Nghĩa Phú khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Do làm ăn thua lỗ, gần cả làng chài lâm cảnh không có khả năng chi trả. Ông Mai Văn Hai, chủ đôi tàu làm nghề giã cào đôi cao tốc ở xã Nghĩa An cho biết, năm 2018, ông trả nợ ngân hàng được hơn 1 tỷ đồng, khi xảy ra bão nợ trong năm 2019 thì ông cũng cảm thấy khốn đốn, cuối năm 2019 chỉ trả được 250 triệu đồng. Hiện nay ông cho tàu rời vùng biển truyền thống của đoàn tàu giã cào là Vịnh Bắc Bộ để vào ngư trường Bà Rịa Vũng Tàu đánh bắt và cầm cự được.

Bây giờ, ngư dân nghèo ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Bình Thuận đều mưu sinh qua ngày bằng nghề lưới giã bướm. Ông Hai phân tích rằng, ngư dân làm nghề giã đôi quen rồi, giờ xuống làm nghề giã bướm thì cũng phải biết kỹ thuật. Khi kéo lưới và tàu chạy thì 2 bướm phải bung ra, tàu chạy càng nhanh thì 2 bướm phải giữ đều và không được ngửa rồi bật lên trên. Tốc độ tàu giã bướm vừa kéo lưới, vừa vận hành khoảng 3 hải lý/giờ. Ngư dân ra biển phải cạnh tranh, vì tàu kéo lưới giã của Trung Quốc chạy tốc độ lên đến 6 hải lý/giờ nên vơ hết cá trên cùng 1 tuyến đường đi. Nếu khi nào làm nghề giã cào đôi mà không trụ được thì nên làm giã bướm.

Ông Lê Thanh Tùng - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An cho hay, bài toán duy nhất là chuyển đổi nghề giã cào bướm, nhưng ngư dân lại không có tiền. Số tiền cải hoán tàu khoảng 200 triệu đồng. Vài năm về trước, 200 triệu là số tiền nhỏ của ngư dân làng chài, nhưng giờ đây, ngư dân vắt kiệt sức cũng không tìm ra được nguồn cho vay vì đang lâm nợ xấu. Ông Mai Văn Hai, chủ đôi tàu giã cào đôi bộc bạch, ở xã đã có khoảng chục chiếc tàu vay mượn được tiền ngoài và chuyển sang nghề giã cào bướm để kiếm sống qua ngày, ví dụ như tàu của ông Nguyễn Đông, Nguyễn Thiêu.

Ông Hoa, một ngư dân đi bạn và am hiểu về nghề giã cào bướm thổ lộ: "Hồi giờ quen đi làm nghề giã cào đôi, bây giờ phải đi học làm nghề kéo giã cào bướm". Theo ông Hoa khi kéo lưới thì phải giữ tốc độ ổn định để miệng của giã bướm căng ngang chứ không ngửa lên. Nếu chủ tàu mà sợ tốn dầu, chạy quá chậm thì miệng bướm sẽ xếp lại, không ngửa, luồng cá tuôn ra ngoài.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_220135_-thoat-no-chi-nho-gia-buom-.aspx