Thoát nỗi lo đầu ra nhờ nông nghiệp công nghệ cao
Công nghiệp và xây dựng tuy chiếm đến gần 63% trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh Hưng Yên, còn nông nghiệp, thủy sản chỉ chiếm 8,44%. Tuy nhiên, nhờ chú trọng phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng bằng việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đi đôi phát triển mô hình HTX, ngành nông nghiệp ở Hưng Yên đang thu được nhiều trái ngọt khi phát triển theo đúng hướng bền vững.
Hưng Yên có khoảng 54.000ha đất sản xuất nông nghiệp, diện tích nuôi thủy sản cũng có trên 5.000ha. Tuy nhiên trong sản xuất, người dân, thành viên HTX từng rơi vào cảnh tiêu thụ khó khăn, sản xuất manh mún…
Lợi ích kép
Để giải quyết bài toán này, Hưng Yên xác định xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nông sản chủ lực theo hướng công nghệ cao, giúp người dân nhanh chóng đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng đồng bộ, từ đó chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại.
Chính vì vậy, trong 5 năm qua, các HTX trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tính đến nay, toàn tỉnh có 45 HTX nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Nhiều công nghệ tiên tiến được các HTX ứng dụng hiệu quả như Công nghệ ghép nhân giống, nuôi cấy phôi nấm trong nhà lạnh; công nghệ nhà kính, nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển bán tự động; công nghệ nuôi thâm canh thủy sản trong ao công nghệ cao...
Tiêu biểu như HTX hoa cây cảnh Xuân Quan đã chủ động ứng dụng các công nghệ, chiết, ghép giống hoa, cây cảnh bằng các nguồn cây giống chất lượng. Diện tích hoa, cây cảnh của HTX cũng đã được sản xuất trong nhà lưới, nhà kính chiếm trên 80% tổng diện tích sản xuất hoa, cây cảnh toàn xã.
Ông Nguyễn Văn Thơm, thành viên HTX chia sẻ: Tham gia HTX, thành viên được định hướng phương hướng sản xuất. HTX tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao, sản xuất các giống hoa mới giữa các thành viên. Ngoài ra, thành viên được hỗ trợ về giống, vật tư sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm nên yên tâm mở rộng sản xuất theo hướng công nghệ cao, phát triển kinh tế gia đình.
Hay như HTX nhãn lồng Nễ Châu, ngoài ứng dụng tiêu chuẩn GAP vào sản xuất, từ năm 2021, các thành viên đã đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, HTX đã đưa các sản phẩm chủ lực lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng khắp nơi trên cả nước và ở nước ngoài.
Nhờ vậy, thương hiệu, uy tín của HTX không ngừng vươn xa, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cũng như nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường. Nhiều sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ ở các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm trên cả nước.
Có thể thấy, sau thời gian đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hiệu quả hoạt động của các mô hình này đã tăng 30 – 35%, nhân công lao động cũng giảm 40 – 50%, trong khi sản xuất ít phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu.
Đang là mô hình thành công trong ứng dụng công nghệ cao, ông Phạm Văn Khá, Giám đốc HTX giống nấm Nam Hàn cho biết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, HTX có thể sản xuất nấm quanh năm, ngay cả những khi thời tiết nắng nóng. Điều này giúp HTX duy trì sản lượng 3 – 5 tấn/tháng để đáp ứng các mối hàng.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao, giúp thành viên, người lao động trong HTX chỉ phải làm nhiệm vụ cắt tỉa cành lá dư thừa và thu hoạch, các khâu còn lại như tưới nước, bón phân, đo nhiệt độ… cơ bản đã được tự động hóa bằng hệ thống máy móc hiện đại.
Nhân rộng HTX công nghệ cao
Tuy đạt được không ít kết quả nhưng quá trình ứng dụng khoa học công nghệ trong các HTX ở Hưng Yên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Giám đốc HTX sản xuất rau - quả và cung ứng dược liệu An Thịnh Phát, Bùi Văn Phương cho biết, năng lực, ý thức trong ứng dụng công nghệ của một số thành viên HTX còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ngay như việc chấp hành quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ hiện cũng chưa tốt nên chất lượng sản phẩm chưa thực sự đồng đều.
Bên cạnh đó, do chưa tập trung vào khâu đột phá trong sản xuất các sản phẩm chủ lực nên hầu hết các HTX hiện nay có quy mô nhỏ, chưa tạo ra vùng sản xuất tập trung, dẫn đến năng lực cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp. Việc liên kết giữa HTX trong tỉnh với các HTX trồng vùng đồng bằng sông Hồng chưa thực sự cao nên chưa tạo thành các chuỗi lớn, bền vững.
Chính vì vậy mà trong khoảng 415 HTX trên toàn tỉnh, đến nay mới có 44 HTX ứng dụng công nghệ cao. Con số này còn quá khiêm tốn, chưa đưa nông nghiệp của tỉnh bứt phá dựa trên những thế mạnh sẵn có.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng nông nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh Hưng Yên xác định, thời gian tới sẽ thông qua các mô hình, dự án về phát triển HTX, các cấp ngành sẽ tạo điều kiện để các HTX đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, chế biến.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích các HTX chủ động học hỏi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất một cách hợp lý nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.