Thoát vị bẹn ở trẻ - Đừng thờ ơ, chậm trễ!
PTĐT - Thoát vị bẹn là bệnh lý bẩm sinh thường xuất hiện ở cả trẻ trai và trẻ gái dưới 15 tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Thoát vị bẹn là tình trạng một phần các tạng trong ổ bụng như ruột, mạc nối lớn chui qua lỗ bẹn tạo thành túi thoát vị. Tình trạng này xảy ra do lớp cơ thành bụng – bộ phận có vai trò giữ cố định các nội tạng trong ổ bụng bị yếu đi ở vị trí nào đó và xảy ra ở cả nam và nữ, không phân biệt độ tuổi. Thoát vị bẹn không thể tự khỏi nên phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để.
Thông thường, bệnh nhân bị thoát vị bẹn chỉ bị đau tức hay khó chịu ở vùng bẹn, cảm giác này sẽ tăng lên khi khối thoát vị lớn lên hoặc khi người bệnh gắng sức. Đây được coi là căn bệnh không hiếm gặp với tỷ lệ mắc từ 2-5%, tỷ lệ nam/nữ mắc bệnh là 9/1. Tuy không ảnh hưởng ngay lập tức đến sức khỏe người bệnh nhưng những biến chứng của bệnh như thoát vị kẹt, thoát vị nghẹt lại vô cùng nguy hiểm.
ThS.BS Nguyễn Đức Lân – Trưởng khoa Ngoại nhi Tổng hợp, Trung tâm Sản Nhi cho biết, thoát vị bẹn là bệnh lý khá thường gặp ở trẻ nhỏ do còn tồn tại ống phúc tinh mạc ở trẻ nam (hoặc ống Nuck ở trẻ nữ). Trong khoảng một năm trở lại đây, Khoa đã tiếp nhận và điều trị thành công cho hàng trăm bệnh nhi bị thoát vị bẹn bằng cả hai phương pháp phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi. Sau điều trị, tình trạng sức khỏe các bệnh nhi đều ổn định và không ghi nhận trường hợp tái phát.
Theo các tài liệu y khoa, bệnh có thể là yếu tố gây teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn, làm tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới. Ở phụ nữ, tuy thoát vị bẹn không ảnh hưởng tới khả năng thụ thai, nhưng khi đã mang thai, áp lực ổ bụng sẽ làm tình trạng bệnh ngày càng nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người bệnh. Ngoài ra, bệnh còn gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa, táo bón hoặc không thể đi đại tiện được, gây chậm lớn ở trẻ nhỏ và đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng nghẹt hoại tử ruột.
Theo ThS.BS Nguyễn Đức Lân, bố mẹ có thể phát hiện được khối thoát vị bẹn ở trẻ bằng cách theo dõi, quan sát vùng bẹn, bìu ở trẻ trai và vùng mu, môi lớn ở trẻ gái. Nếu phát hiện ở các vùng này có khối phồng (có thể có khối phồng ngay từ khi sinh ra), đặc biệt khi trẻ ho, khóc, chạy nhảy, khối phồng to lên và khi trẻ nằm yên hoặc ngủ, khối phồng tự mất đi thì nên nghĩ tới bệnh lý thoát vị bẹn và đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Ngay sau khi được phát hiện, tất cả các trường hợp thoát vị bẹn cần được thực hiện phẫu thuật sớm, trừ trường hợp trẻ sinh non, cân nặng thấp hoặc có bệnh lý phức tạp kèm theo như bệnh lý về tim mạch, rối loạn đông máu,… Một số báo cáo cho rằng 90% biến chứng có thể tránh khỏi nếu phẫu thuật được tiến hành trong vòng 01 tháng từ khi có chẩn đoán. Bố mẹ cũng không nên chủ quan cho rằng bệnh có thể tự khỏi khi trẻ lớn lên, càng không nên đợi đến khi trẻ lớn mới đưa đi phẫu thuật bởi bệnh lý này chỉ có thể được điều trị dứt điểm bằng phẫu thuật và trẻ cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt.