Thời 'bữa trưa miễn phí' đã kết thúc với ngân hàng truyền thống

Nếu không quyết liệt đổi mới và cắt giảm chi phí, các ngân hàng châu Á sẽ bị thâu tóm giữa lúc phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các công ty công nghệ đang lấn sân và thay đổi mạnh mẽ lĩnh vực ngân hàng.

 Trụ sở của ngân hàng trực tuyến WeBank ở TP. Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: VCG

Trụ sở của ngân hàng trực tuyến WeBank ở TP. Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: VCG

Đó là lời cảnh báo trong báo cáo của hãng tư vấn toàn cầu McKinsey & Company công bố hôm 2-7. Báo cáo cho biết tỷ số lợi nhuận trên vốn sở hữu (ROE), một chỉ số để đánh giá khả năng sinh lời, của các ngân hàng ở châu Á đã giảm từ mức trung bình 12,4% vào năm 2010 về mức 10,1% vào năm ngoái và có thể giảm về mức thấp đến 6,4% vào năm 2023 nếu các ngân hàng số có thể mở rộng quy mô nhanh chóng và cướp thị phần từ các ngân hàng truyền thống.

Đồng tác giả báo cáo Jacob Dahl, Giám đốc Thực hành dịch vụ tài chính ở châu Á của McKinsey & Company, lý giải rằng lợi nhuận các ngân hàng ở châu Á giảm vì tốc độ tăng trưởng chậm lại ở nhiều thị trường; các khoản nợ xấu tăng lên sau một thời kỳ cho vay quá mức; sự tự mãn của một số ngân hàng không chịu cắt giảm chi phí như các đối thủ và đặc biệt là sự hiện diện ngày càng gia tăng của các đối thủ số hóa.

Báo cáo được công bố sau khi Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) thông báo hôm 28-6 rằng sẽ cấp 5 giấy phép ngân hàng số ở Singapore. Khắp châu Á, nhiều cơ quan quản lý khác cũng đang điều chỉnh các quy định để cấp giấy phép cho các ngân hàng chỉ hoạt động trực tuyến và thường được vận hành bởi các công ty công nghệ.

Tại Hồng Kông, 8 ngân hàng trực tuyến sẽ khai trương dịch vụ vào cuối năm nay. Tháng trước, 5 ngân hàng lớn nhất ở Hồng Kông bao gồm ngân hàng HSBC quyết định bỏ thu phí số dư tối thiểu (khách hàng trả phí nếu không đạt số dư tối thiểu trong tài khoản của họ), một động thái mà các nhà phân tích cho rằng nhằm ứng phó với sự cạnh tranh của các ngân hàng trực tuyến sắp đi vào hoạt động.

“Các ngân hàng châu Âu và các ngành công nghiệp khác chẳng hạn ngành công nghiệp ô tô, buộc phải cắt giảm chi phí không chỉ 2% mà là 20% mỗi năm và không chỉ cắt giảm một lần mà từ năm này sang năm khác”, Jacob Dahl nói. Ông cho rằng một số ngân hàng châu Á cần học hỏi chiến lược cắt giảm chi phí này.

Báo cáo McKinsey & Company cảnh báo những ngân hàng ở châu Á nếu không thể quyết liệt cắt giảm chi phí, rốt cục sẽ phải tự bán mình khi mà các đối thủ công nghệ, vốn đang được hưởng lợi nhờ tiếp cận nhiều dữ liệu khách hàng hơn, sẽ tìm cách mở rộng thị phần ngân hàng.

Thời kỳ “bữa trưa miễn phí” (tức thời kỳ kiếm lợi nhuận dễ dàng) đã kết thúc đối với các ngân hàng châu Á khi họ đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng do nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và sự cạnh tranh của các công ty công nghệ đang lấn sân vào mảng ngân hàng số, báo cáo nhận định.

 Tượng sư tử trước các cao ốc văn phòng ở khu trung tâm tài chính tại Hồng Kông. Ảnh: Reuters

Tượng sư tử trước các cao ốc văn phòng ở khu trung tâm tài chính tại Hồng Kông. Ảnh: Reuters

Các ngân hàng trong khu vực cần phải sử dụng công nghệ để cải thiện tính hiệu quả và ngăn chặn mối đe dọa của “các kẻ tấn công số hóa” chẳng hạn Alibaba hay Google. Báo cáo ghi nhận các đổi mới gần đây ở khía cạnh tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và phân tích có thể giúp các ngân hàng truyền thống cắt giảm chi phí hoạt động đến mức 40%.

Các nhà phân tích của McKinsey & Company cho biết các công ty công nghệ tài chính có thể mở rộng phạm vi kinh doanh, cho phép khách hàng gửi tiền, vay tiền và điều này sẽ càng làm xói mòn hơn nữa thị phần của các ngân hàng trong khu vực.

Nhờ không tốn chi phí quản lý, các ngân hàng số cũng đang ép chặt biên lợi nhuận của các ngân hàng truyền thống, theo nhận định của Joydeep Sengupta, đối tác cấp cao của McKinsey & Company ở Singapore. Sengupta dẫn ra ví dụ ngân hàng cho vay tiêu dùng trực tuyến WeBank (Trung Quốc), đang được sự hậu thuẫn tài chính của Công ty đầu tư và Internet Tencent. WeBank đã xây dựng danh mục cho vay hơn 40 tỉ đô la và có tỷ số ROE vượt mức 24%.

Các nhà phân tích của McKinsey & Company cảnh báo: “Nhiều ngân hàng (ở châu Á) sẽ chật vật ứng phó khi ‘cơn bão’ ngày càng nghiêm trọng. Con đường phía trước rất khó khăn và các ngân hàng kém hiệu quả sẽ biến mất”.

Theo bản báo cáo, biên lợi nhuận thắt chặt, chất lượng tài sản suy giảm và chi phí cơ bản gia tăng đang gây áp lực buộc các ngân hàng ở châu Á phải hợp tác và sáp nhập để nâng cao năng suất và quy mô. Các hoạt động sáp nhập trong ngành ngân hàng sẽ diễn ra mạnh mẽ ở các thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam, nơi bốn ngân hàng lớn nhất kiểm soát chưa đến 50% thị trường.

Theo Reuters, Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/291003/thoi-bua-trua-mien-phi-da-ket-thuc-voi-ngan-hang-truyen-thong.html