Thổi bùng 'lửa' nhiệt huyết, trách nhiệm
Nhìn lại gần nửa chặng đường thực hiện lời hứa trước cử tri và Nhân dân của các đại biểu HĐND trong bối cảnh khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, có thể thấy rõ và xuyên xuốt là vai trò quan trọng từ sự lan tỏa tinh thần đổi mới, trách nhiệm, vì dân của Quốc hội; cùng với đó là tăng cường giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã truyền cảm hứng, giữ và thổi bùng 'lửa' nhiệt huyết, trách nhiệm. Qua đó, hoạt động của HĐND tiếp tục có những đổi mới thiết thực, ngày càng trách nhiệm, gần dân, thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Từ hội nghị lần đầu tiên tổ chức
Xuất phát từ sự quan tâm sâu sắc và kỳ vọng lớn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử, trong đó có HĐND các cấp, năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên tổ chức các hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở 3 miền (Bắc, Trung, Nam). Các hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức và chủ trì không chỉ là diễn đàn lớn để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kiến nghị mà còn tiếp tục tăng cường sự gắn kết nhằm nâng cao hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương - biểu hiện cụ thể, sinh động của tinh thần khát khao đổi mới, hành động, vì dân.
Tham dự các hội nghị tổng kết ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện Thường trực HĐND các địa phương đã vô cùng phấn khởi, bởi hội nghị là dịp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với HĐND các tỉnh, thành phố gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, lắng nghe những mô hình hay, cách làm mới; nêu lên những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của HĐND, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp hữu hiệu khắc phục nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, ngày càng thực quyền. Đặc biệt, những đổi mới này giúp HĐND cảm nhận thấy mình có được một người đồng hành tin tưởng; thấy mình được quan tâm, lắng nghe hơn; thấy mối gắn kết giữa các cơ quan dân cử và một kênh cùng động viên, học hỏi để hoạt động tốt hơn.
Chính vì những hiệu quả thiết thực đó, việc tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện và triển khai nhiệm vụ năm của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã trở thành hoạt động thường niên.
Đến việc tăng cường báo cáo, giám sát bằng hình ảnh trực quan sinh động
Tại Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương năm 2021, triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (khu vực miền Bắc), cùng với ghi nhận những kết quả tích cực trong hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trong năm đầu nhiệm kỳ, kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đặt ra nhiều gợi mở, định hướng rất thiết thực cho hoạt động của HĐND trong năm 2022 và cho cả nhiệm kỳ. Cùng với đó, là những “luồng gió mới” đến từ tinh thần trách nhiệm, hành động, nỗ lực đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trở thành tiền đề, động lực thôi thúc HĐND các địa phương cũng phải đặt mình trong quỹ đạo đó, tiếp tục có những cách làm sáng tạo, linh hoạt nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động.
Trong đó, đáng chú ý là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động, nhất là trong tổ chức kỳ họp. Theo đó, cùng với duy trì “kỳ họp không giấy”, cung cấp tài liệu thông qua mã QR-Code để cử tri, Nhân dân truy cập theo dõi, việc tổ chức các hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát chuyên đề và báo cáo bằng hình ảnh đã được nhiều địa phương nỗ lực thực hiện, tạo hình ảnh trực quan sinh động nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Điển hình, không chỉ tiếp tục tổ chức các phiên giải trình, chất vấn bằng “hình ảnh, phóng sự”, diễn ra sôi nổi, nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Bắc Giang Khóa XIX (kỳ họp thường lệ giữa năm 2023), lần đầu tiên, Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh (về việc chấp hành quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2022) được trình bày bằng hình ảnh trực quan, sinh động. Đổi mới này giúp đại biểu nhìn nhận rõ hơn những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và cả nguyên nhân khách quan, chủ quan Đoàn giám sát chỉ ra. Trên cơ sở đó, tiếp tục thảo luận, đề xuất, hiến kế để thực hiện hiệu quả hơn việc chấp hành quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên thì đặc biệt chú trọng báo cáo bằng hình ảnh trực quan sinh động tại kỳ họp để đại biểu đánh giá, nhìn nhận thấu đáo, toàn diện về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Đơn cử, tại Kỳ họp thứ 11 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Khóa XIV ngày 24.3.2023, việc trình bày Tờ trình Đề án đề nghị công nhận thành phố Sông Công là đô thị loại II đã được “hình ảnh hóa” sinh động thông qua phóng sự trình chiếu tại kỳ họp về quá trình hình thành, phát triển của thành phố qua từng giai đoạn; những căn cứ để thành phố có thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị loại II. Hay tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh (kỳ họp thường lệ giữa năm 2023), Báo cáo của UBND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm cũng được thể hiện sinh động qua phóng sự bằng hình ảnh, giúp đại biểu nhìn nhận rõ hơn về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế để cùng bàn thảo, hiến kế.
Và “đòn bẩy” cho hoạt động giám sát quyền lực
Những gợi mở, định hướng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương năm 2021, triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (khu vực miền Bắc) cũng là tiền đề cho sự ra đời của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND - thực sự là một “công cụ” phát huy vai trò giám sát quyền lực của HĐND, góp phần xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm khiết, phục vụ Nhân dân. Là lời giải đáp cho những kiến nghị và mong chờ của HĐND các cấp từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ra đời, Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được các địa phương triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực ngay sau khi được ban hành.
Theo Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Oanh, sẽ là thiếu sót nếu như nói đến hoạt động HĐND mà không nhắc đến một công cụ mà Quốc hội đã trao cho, đó là Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 với 2 quy định chi tiết đặc biệt quan trọng. Đó là giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND và tranh luận trong phiên chất vấn. Nếu như phiên giải trình là một quy định chi tiết, thuận lợi cho thực hiện thì tranh luận thực sự là một quy định mang tính chất “đòn bẩy” cho hoạt động HĐND. Với quy định này, Chủ tọa điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng bảo đảm quyền tranh luận của đại biểu để đại biểu HĐND, người bị chất vấn, người được mời tham dự phiên chất vấn có quyền tranh luận để đưa ra ý kiến phản biện lại các quan điểm mà mình quan tâm, đồng thời làm rõ vấn đề trong phiên họp, đưa ra được cách giải quyết tốt nhất. Ở Đồng Nai, khi thực hiện quy định này đã tạo nên sức “nóng” trong phiên chất vấn về các nội dung đông đảo đại biểu, cử tri quan tâm.
Cũng trên cơ sở Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15, việc ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn không chỉ dừng lại ở một số HĐND địa phương và đã trở thành hoạt động rộng khắp, thường xuyên. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để theo dõi, giám sát, đôn đốc việc hực hiện các lời hứa, cam kết trước cử tri và Nhân dân địa phương của các tư lệnh ngành. Cùng với đó, nhiều địa phương đã tăng cường tái giám sát, đôn đốc việc thực hiện những kết luận, kiến nghị sau giám sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát quyền lực.
Điển hình, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Kim Dung, tại Kỳ họp thứ 6 (Kỳ họp thường lệ giữa năm 2023), lần đầu tiên, HĐND tỉnh Tuyên Quang xem xét Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh, với nhiều nội dung quan trọng, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được, nỗ lực của các cấp, ngành, các địa phương; đồng thời, xem xét đánh giá trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND tỉnh theo đúng quy định Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng đã giải trình, làm rõ hơn những vấn đề đặt ra, cam kết giải pháp để đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện cũng như đảm bảo hiệu lực, quả hoạt động giám sát quyền lực.