Thời cơ 'chín muồi' để phát triển nội lực nền kinh tế - Bài 1: Nhận diện thẳng thắn về nội lực của nền kinh tế

Những nhận định thẳng thắn về nội lực kinh tế đã được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra thông qua những con số kỷ lục về xuất khẩu điện tử. Cơ quan quản lý về xuất nhập khẩu, lần đầu tiên sau rất nhiều năm báo cáo về kỷ lục xuất khẩu cũng đã có những nhận định thẳng thắn về con số này…

Kim ngạch xuất nhập khẩu đang hướng đến mốc kỷ lục 800 tỷ USD nhưng tỷ trọng của DN trong nước chưa đến 30%. (Ảnh trong bài: Báo Công Thương).

Kim ngạch xuất nhập khẩu đang hướng đến mốc kỷ lục 800 tỷ USD nhưng tỷ trọng của DN trong nước chưa đến 30%. (Ảnh trong bài: Báo Công Thương).

Sau gần 30 năm mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới khi kim ngạch xuất nhập khẩu lớn gần gấp 2 lần GDP. Đã đến lúc cần đặt “bài toán” phát triển nội lực nền kinh tế, đặc biệt Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã nêu rõ yêu cầu “có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu”.

Không say sưa với con số kỷ lục xuất nhập khẩu

Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam lần thứ VI diễn ra ngày 15/1/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết: “Tôi được báo cáo là Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu (XK) điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về XK linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về XK thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử. Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu % giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài. Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu”?

Tổng Bí thư cũng chỉ ra một sự thật đáng lo về công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam khi đưa ra những con số đáng lo: “Tại Thái Nguyên có 60 DN đối tác cấp I cung ứng cho Samsung thì tới 55 DN nước ngoài; tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp I, thì có tới 164 DN nước ngoài. Các DN trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải”.

Năm 2024, lần đầu tiên báo cáo của Bộ Công Thương có những nhìn nhận thẳng thắn về con số kỷ lục xuất nhập khẩu. Theo đó, thay vì “ngủ quên” trên chiến thắng khi kim ngạch xuất nhập khẩu đang dần tiến tới kỷ lục lịch sử - 800 tỷ USD, thì Bộ Công Thương lại có những nhận định rất thẳng thắn khi nhìn nhận giá trị của Việt Nam trong con số kỷ lục kia chỉ chưa đến 30%...

“Samsung đầu tư vào Việt Nam từ 2008 đến nay, tại Thái Nguyên có 60 doanh nghiệp đối tác cấp I cung ứng cho Samsung thì tới 55 doanh nghiệp nước ngoài; tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp I, thì có tới 164 doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải” - Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI ngày 15/1/2025.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thừa nhận, phần lớn kim ngạch XK của Việt Nam do các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) mang về với tỷ trọng khoảng trên 70%. Toàn bộ thặng dư trong cán cân thương mại do các DN FDI tạo ra. Cán cân thương mại của DN trong nước liên tục thâm hụt với xu hướng tăng.

Chưa kể, với tỷ trọng chiếm 70% kim ngạch XK nhưng XK của khu vực DN FDI phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Giá trị gia tăng trong XK chưa được như kỳ vọng, phần lớn hàng XK thuộc nhóm hàng gia công, chế biến và tập trung chủ yếu ở nhóm DN FDI (như dệt may, da giầy, điện tử), tỷ lệ nội địa hóa thấp và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Hàng nông nghiệp XK chủ lực chủ yếu XK dưới dạng nguyên liệu thô, sơ chế, khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng của thị trường thế giới hạn chế” - Thứ trưởng Thắng chỉ rõ.

Thực tế, câu chuyện kim ngạch XK của Việt Nam phụ thuộc lớn vào DN FDI không phải đến thời điểm này chúng ta mới nhận ra. Nhiều năm nay, các câu hỏi xoay quanh việc DN FDI chiếm thị phần XK quá lớn đã được nhiều chuyên gia kinh tế, các tổ chức nghiên cứu quốc tế, các định chế tài chính lớn của thế giới đặt ra.

Mới đây nhất, Báo cáo “Việt Nam 2045 Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao của Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi cuối tháng 11/2024 cũng đã tiếp tục đề cập thẳng thắn đến vấn đề này. Theo đó, WB nhận định: “Đằng sau mô hình XK hiện nay của Việt Nam là cấu trúc nền kinh tế mà XK chủ yếu tập trung ở những DN FDI với sự tham gia hạn chế của các DN trong nước.

Bên cạnh đó, tuy đã chuyển dịch nhanh sang các lĩnh vực chế tạo chế biến công nghệ cao, nhưng tăng trưởng XK của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào số lượng chứ chưa phải chất lượng. Theo phân tích của WB, giá trị bình quân trên mỗi đơn vị XK (một chỉ tiêu về chất lượng XK) của Việt Nam đã tăng gấp đôi, cho thấy sự chuyển dịch sang hàng điện tử XK có giá trị cao hơn trong hai thập kỷ qua. Nhưng số lượng vẫn là động lực chính cho tăng trưởng XK khi khối lượng XK tăng lên đến gần mười lần trong cùng kỳ.

Thu hút vốn FDI cao nhưng doanh nghiệp Việt hưởng lợi thấp

Báo cáo công bố hồi đầu tháng tháng 12/2024 của WB nhận định: “Trong thập kỷ qua, Việt Nam nổi lên là địa chỉ thu hút vốn FDI hàng đầu trong khu vực, với dòng vốn vào bình quân đạt 4,6% GDP - vượt qua tất cả các quốc gia so sánh khác trong năm 2022. Tính theo tỷ lệ so tổng đầu tư (tổng đầu tư toàn xã hội), vốn đầu tư FDI đóng góp bình quân 15%, lại một lần nữa thuộc dạng cao nhất trong khu vực Đông Á.

Trong các ngành thu hút nhiều vốn FDI nhất phải kể đến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Hầu như hàng năm, số lượng vốn hút FDI từ ngành này đều nhiều nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất. Đây cũng là điểm sáng, đóng góp vô cùng quan trọng trong tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam.

“Thu hút FDI không chỉ đơn giản tính bằng giá trị XK mà phải tính bằng năng lực và nội lực của DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng ra sao. Chúng ta cần phải xem trong hệ sinh thái của Samsung hay một số tập đoàn điện, điện tử của Nhật Bản và Hàn Quốc thì các DN của chúng ta tham gia được bao nhiêu trong phân khúc này” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Nhưng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu vấn đề: “Giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực DN trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị công nghiệp của cả nước. Thu hút FDI không chỉ đơn giản tính bằng giá trị XK mà phải tính bằng năng lực và nội lực của DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng ra sao. Chúng ta cần phải xem trong hệ sinh thái của Samsung hay một số tập đoàn điện, điện tử của Nhật Bản và Hàn Quốc thì các DN của chúng ta tham gia được bao nhiêu trong phân khúc này”.

WB cũng đánh giá, mặc dù hiện nay Việt Nam đang XK hàng hóa có công nghệ khá cao, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng trong nước trong những mặt hàng XK đó lại tương đối thấp. Các mặt hàng chế tạo, chế biến đóng góp 65% tổng giá trị gia tăng trong nước của hàng XK, nhưng tỷ trọng này thấp hơn khi nhìn vào các mặt hàng chế tạo, chế biến giá trị cao như hàng điện tử (khoảng 15% tổng giá trị gia tăng trong nước so với 18% của hàng dệt). Hầu hết các hoạt động XK phụ thuộc vào hàm lượng nhập khẩu, bao gồm linh kiện và cấu kiện, phần nhiều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Điều đó cho thấy Việt Nam chỉ thu được một tỷ lệ nhỏ tổng giá trị gia tăng của hàng hóa được quốc gia XK.

Nguyên nhân nào khiến nội lực còn yếu?

Nền kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới khi kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp 2 lần tổng GDP. Trong kim ngạch xuất nhập khẩu thì khu vực FDI chiếm trên 70% và giá trị kim ngạch đến chủ yếu từ ngành công nghiệp.

Trong khi đó, Tư lệnh ngành Công Thương không ngần ngại đánh giá “ngành công nghiệp còn rất gian nan mới có thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu bởi chưa đủ sức làm chủ cuộc chơi”. Đồng thời cho rằng “đây là điều phải nhìn lại khi chúng ta vẫn nói về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Nhận diện các nguyên nhân dẫn đến công nghiệp của Việt Nam còn yếu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, chúng ta vẫn thiếu chủ động và chậm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chiến lược, mục tiêu, giải pháp của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thành các cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách còn phân tán, nhỏ lẻ chưa thật sự hấp dẫn, chưa khả thi, thậm chí kém hiệu quả và chưa đi vào cuộc sống.

“Đầu tư từ ngân sách cho một số chương trình khuyến công, công nghiệp hỗ trợ không ít; đầu tư cho khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo không dưới 2% ngân sách hằng năm cũng không phải ít nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế, một phần do chất lượng công tác tham mưu” - Bộ trưởng Diên nói.

Ngoài ra, một nguyên nhân khiến nội lực kinh tế Việt Nam chưa thể vươn tầm sau gần 30 năm thu hút FDI được nhiều chuyên gia nhận diện là do “chúng ta chưa có các cam kết cụ thể để buộc DN FDI phải chuyển giao công nghệ khi đầu tư tại Việt Nam.

(còn tiếp)

Nhật Thu - Hoàng Tú

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thoi-co-chin-muoi-de-phat-trien-noi-luc-nen-kinh-te-bai-1-nhan-dien-thang-than-ve-noi-luc-cua-nen-kinh-te-post540181.html