Thời cơ phát huy nội lực, nhưng…
Ngày 24-9-2019, Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế đối với 8 dự án thành phần của tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đồng thời điều chỉnh hồ sơ mời đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án này theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Phải chăng trong số 60 bộ hồ sơ sơ tuyển đợt mời thầu quốc tế này, nhà thầu Trung Quốc áp đảo với 30 bộ hồ sơ, gây một số lo ngại về chất lượng nhà thầu cũng như những vấn đề liên quan đến căng thẳng địa chính trị trong khu vực.
Thực ra có thể thấy quyết định lần này của Bộ GTVT là đi theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, theo đó các dự án đầu tư có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài hay nhà thầu nước ngoài, cần được xem xét một cách nghiêm túc về quốc phòng, an ninh.
Phải ràng buộc bằng pháp lý
Khi nhà thầu nước ngoài trúng thầu, họ chọn sử dụng công nghệ, con người và các công ty phụ trợ là người của họ. Vì vậy, nếu công ty Việt Nam có thể làm hạ tầng tốt, đây là một cơ hội đáng để mạo hiểm.
Điều này cũng là bình thường trong bối cảnh địa chính trị hiện tại. Chẳng hạn như chính phủ Mỹ đang đánh tiếng phải xem xét quy định giới hạn đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc, trong đó có khả năng là ngăn toàn bộ đầu tư tài chính vào các công ty Trung Quốc. Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại, điều này tương tự như việc lợi ích chi tiêu công của chính phủ qua các dự án hạ tầng sẽ chạy trực tiếp vào tay các doanh nghiệp nội địa.
Tuy nhiên, sau khi có tuyên bố này, nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra lo ngại là ngân hàng thương mại sẽ không hỗ trợ vay vốn làm các dự án hạ tầng này. Ông Nguyễn Viết Huy, Vụ phó Đối tác công tư của Bộ GTVT cho biết hai yếu tố quyết định sự thành công của 8 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam: (1) chọn được nhà đầu tư mạnh, đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm; (2) đảm bảo được nguồn vốn tín dụng cho dự án.
Điều này rõ ràng cho thấy, cái giá phải trả cho việc dùng nội lực để làm hạ tầng. Đó là phải đặt cược độ an toàn của hệ thống ngân hàng vào đó luôn. Nếu dự án trục trặc hay kéo dài, nhà thầu mất năng lực tài chính thì ngân hàng cũng lâm nguy.
Cái giá thứ hai là hình thức PPP cụ thể sẽ như thế nào? Từ trước khi quyết định hủy đấu thầu quốc tế được thông qua, có một sự thật rất ít nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính và kinh nghiệm tham gia dự thầu.
Một trong những nguyên nhân là hình thức BOT không còn hấp dẫn nữa, vì những qui định chưa rõ ràng và diễn biến phức tạp của thực tế thu phí BOT trong thời gian qua. Trong khi đó, nhà đầu tư tỏ ra ưa chuộng hình thức đổi đất lấy hạ tầng theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao). Vấn đề ở đây là nếu đi theo con đường này, đất nào sẽ được lấy, lấy ra sao? Ai sẽ giám sát tính công bằng và hợp lý của định giá đất đây?
Nêu ra những vấn đề trên để thấy, tuy quyết định hủy đấu thầu quốc tế là phù hợp trong bối cảnh đấu thầu quốc tế không có nhiều cạnh tranh, và đa số nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, nhưng không phải nó không có cái giá phải trả và câu chuyện chưa dừng lại ở đây.
Lựa chọn không gọi thầu quốc tế là chấp nhận gắn chặt rủi ro của hệ thống ngân hàng Việt Nam vào các dự án hạ tầng hoàn toàn làm bằng vốn nội địa. Mặt khác, nếu quản lý hình thức PPP lỏng lẻo, một số công ty nội địa sẽ hưởng lợi lớn từ việc nhận được thầu các dự án này, còn phần thiệt vẫn là về phía người dân đóng thuế.
Nhà nước và nhà đầu tư cùng thắng
Nếu pháp lý không rõ ràng, xem như chúng ta phải đặt cược độ an toàn của hệ thống ngân hàng. Bởi nếu dự án trục trặc hay kéo dài, nhà thầu mất năng lực tài chính, ngân hàng cũng lâm nguy.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, không có lựa chọn nào mà không phải trả giá. Nếu đã lựa chọn con đường dùng nội lực để làm hạ tầng, thì phải đảm bảo cả nhà nước và nhà đầu tư đều có thể thắng. Đây là một tiền đề quan trọng cho nhiều dự án sau này mà người dân có thể yên tâm để chính phủ chỉ giao cho công ty trong nước làm.
Mỹ hay Trung Quốc không phải ngẫu nhiên mà họ có năng lực làm hạ tầng và phát triển khoa học công nghệ, nếu như công ty trong nước của họ không được trúng thầu các dự án trọng yếu quốc gia. Hơn nữa, chúng ta cũng nhìn thấy thực tế khi nhà thầu nước ngoài trúng thầu, họ chọn sử dụng công nghệ, con người và các công ty phụ trợ là người của họ. Vì vậy, nếu công ty Việt Nam có thể làm hạ tầng tốt thì đây là một cơ hội đáng để mạo hiểm.
Vấn đề là lãnh đạo các cấp cần phải nhìn thấy đây là một cơ hội cũng như thách thức để cả một nền công nghiệp trong nước chuyển mình, chứ không phải một cơ hội để nhóm lợi ích nào đó trục lợi. Đồng thời Quốc hội cần phải quyết liệt giám sát các dự án trọng điểm này, yêu cầu mức minh bạch cao nhất có thể để làm tiền lệ cho các dự án sau này.
Những diễn biến phức tạp về địa chính trị hiện tại tuy đặt ra nhiều thách thức và rủi ro, nhưng cũng mở ra những cơ hội cho chính phủ, doanh nghiệp và các nhóm lợi ích để làm mới mình, hướng về lợi ích lâu dài hơn cho đất nước. Những cơ hội này không thể bị bỏ lỡ. Chúng ta đang ở thời điểm bắt buộc phải đẩy nền kinh tế trỗi dậy bằng những đầu tư hợp lý, vào những dự án hạ tầng thiết yếu, vào con người và công nghệ. Và chúng ta không thể chỉ dựa vào ngoại lực để xây dựng những thứ đó.
Lựa chọn lần này của Việt Nam, theo tôi đã mở ra một tiền lệ rất quan trọng, mà sự thành bại của nó quyết định một xu thế chính sách dài hạn, cũng như mức độ đồng thuận của xã hội về sau đối với việc quyết định chỉ đấu thầu nội địa cho một số dự án trọng điểm. Trong năm qua, chúng ta đã ít nhiều mất niềm tin về cái gọi là năng lực sản xuất hàng Việt Nam của người Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta phải lấy lại niềm tin đó, để tiếp tục xây dựng những nội lực thực sự của Việt Nam chứ không phải chỉ sống nhờ vốn ngoại.
Thế nhưng, muốn thoát sự phụ thuộc vào vốn ngoại và nhà đầu tư ngoại, tự thân thể chế của nền kinh tế phải được đổi mới, cụ thể là những quy định về đấu thầu, hình thức hợp tác công ty phải trở nên minh bạch hơn, các phương tiện truyền thông phải được phép đi sâu, điều tra về các khuất tất của các dự án lớn, hợp tác công-tư, để doanh nghiệp Việt có năng lực thật sự thì được làm đàng hoàng còn những nhóm lợi ích muốn trục lợi cũng phải chùn tay.
Các nhóm lợi ích phải hiểu rằng họ không thể tồn tại mà không mang lại những lợi ích lớn hơn cho cả nền kinh tế, và nếu họ cố tình chơi xấu, phạm luật chơi trong những thời điểm then chốt như thế này, họ phải bị trừng trị để làm gương.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/quy-hoach-do-thi/thoi-co-phat-huy-noi-luc-nhung-72934.html