Thời cơ 'trời cho' để hấp thụ làn sóng 'Trung Quốc + 1'
Tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu có thể chậm vì thời điểm tái khởi động kinh tế mỗi nước mỗi khác, nhưng điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam cần tận dụng khoảng thời gian 'trời cho' này để nắm bắt cơ hội.
Nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 như các nền kinh tế khác trên thế giới nhưng không quá nghiêm trọng.
Nhờ áp dụng hiệu quả các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa các vùng dịch, hạn chế đi lại giữa các địa phương, đóng cửa biên giới, kiểm soát hữu hiệu nhập cảnh, Việt Nam có số bệnh nhân bị lây nhiễm thuộc vào hàng thấp nhất thế giới và không có trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, chúng ta không thể tránh được những hệ quả nặng nề đối với hoạt động kinh tế. Các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các biện pháp phòng dịch như giao thông, du lịch, hàng không, vui chơi, giải trí, ăn uống gần như ngưng hoạt động, kéo theo các ngành liên quan cũng bị ảnh hưởng.
Đại dịch không phải là chiến tranh, không có sự tàn phá các cơ sở hạ tầng, không có sự hủy diệt các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Các tài sản vật chất vẫn còn đó, chỉ có nhu cầu tiêu dùng sụt giảm và tình trạng thất nghiệp tạm thời gia tăng. Nhờ Chính phủ Việt Nam có biện pháp chống dịch hiệu quả nên ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch lên nền kinh tế không nhiều.
Tình trạng đình đốn của các nền kinh tế công nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản sẽ có một tác động tiêu cực nhất định đối với Việt Nam, vì mức độ hội nhập kinh tế rất sâu của Việt Nam với thế giới.
Chúng ta có điều kiện đi trước các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu một bước.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần kiên nhẫn chờ đợi những diễn biến hậu Covid-19 tại các thị trường quốc tế truyền thống để có những giải pháp ứng phó nhanh chóng và thích hợp, vì chúng ta có điều kiện đi trước các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu một bước.
Khi các nước công nghiệp phát triển tái khởi động nền kinh tế của họ, chính sách ưu tiên sẽ là khắc phục nhanh chóng tình trạng thất nghiệp, mà tỷ lệ đã vượt qua mức 2 con số, nhất là tại Hoa Kỳ. Tôi nghĩ rằng, tình trạng thất nghiệp này chỉ là tạm thời, không mang tính chất cơ cấu. Khi tình hình đại dịch được khắc phục, với các chánh sách kích cầu mạnh mẽ hàng chục ngàn tỷ đô la mà các nước phát triển phương Tây và Nhật Bản đang triển khai, nền kinh tế thế giới sẽ từng bước phục hồi, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng trở lại.
Chính thời điểm này sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể nâng cao giá trị xuất khẩu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm mới. Thời kỳ hậu Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam sẽ là cơ hội mới để giành thắng lợi trong chinh phục thị trường thế giới, thúc đẩy tăng trưởng qua chiến lược định hướng xuất khẩu.
Mặt khác, tình hình chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch sẽ thay đổi cơ bản. Trung Quốc không còn là mảnh đất đáng tin cậy cho các nhà đầu tư phương Tây và Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp FDI sẽ chuyển nhà máy của họ từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Để tranh thủ cơ hội này, chúng ta cần nhắm tới các mục tiêu chiến lược phát triển lâu dài, như thực hiện nghiêm túc việc xây dựng nền móng vững chắc cho nền kinh tế nước nhà, tạo môi trường đầu tư lành mạnh; sử dụng các nguồn lực một cách tiết kiệm và hiệu quả; cải thiện, nâng cao năng suất lao động; xây dựng một nền kinh tế chi phí thấp để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thực ra, việc thay đổi chuỗi cung ứng bắt đầu manh nha từ thương chiến Mỹ -Trung, mà một trong những điểm nút mới được chọn để thay thế là Việt Nam. Nhiều người cho rằng đó là cơ hội, tuy nhiên sẽ là thách thức nếu chúng ta không có thay đổi gì. Phải có sự chuẩn bị tốt về môi trường kinh doanh, thật sự tạo sân chơi tốt cho FDI và doanh nghiệp tư nhân cả về luật pháp, nguồn vốn trong nước, nước ngoài; hoàn thiện chính sách vĩ mô. Phải tranh thủ làm lại nền công nghiệp phụ trợ để tăng cường tỷ lệ nội địa hóa.
Tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu có thể chậm vì thời điểm tái khởi động kinh tế mỗi nước mỗi khác, nhưng điều đó cũng có nghĩa là ta cần tận dụng khoảng thời gian “Trời cho” này để nắm bắt cơ hội. Nhưng tôi vẫn tin rằng kinh tế thế giới sẽ phục hồi sớm hơn so với thời kỳ hậu Đại Suy Thoái 1930 và sau Thế Chiến 2.
Sau đại dịch có hai luồng nhận định khác nhau, một luồng cho rằng thế giới bây giờ không còn tin nhau nữa, mỗi nước phải lo lắng cho chính mình, luồng thứ hai dự báo thế giới sẽ ngày càng mở, thái độ của nhà nước sẽ ôn hòa hơn.
Nếu thế giới đóng lại, tự lo về kinh tế thì đó là thời suy tàn của trái đất. Còn thế giới hiểu nhau hơn, mở cửa hơn thì đó mới là tín hiệu vui để phục hồi kinh tế thế giới.
(*) Chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn chia sẻ ý kiến trong khuôn khổ "Tọa đàm trực tuyến: Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng" do TheLEADER.vn phối hợp với Tập đoàn TTC và các đối tác John & Partners, Base.vn