'Thời cơ vàng' để kinh tế tư nhân trở thành trụ cột kinh tế quốc gia

Ngày 9/7, tại tỉnh An Giang, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 chính thức khai mạc phiên đối thoại đầu tiên ở khu vực Tây Nam Bộ. Đây là hoạt động do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì, phối hợp tổ chức nhằm mở ra không gian lắng nghe, thảo luận và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế tư nhân – khu vực được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước.

Đưa tiếng nói doanh nhân kiến tạo tương lai

Với chủ đề “Khai phóng tiềm năng – Kiến tạo tương lai Việt”, diễn đàn kinh tế khu vực Tây Nam Bộ thu hút gần 200 đại biểu là doanh nhân trẻ tiêu biểu, chuyên gia kinh tế, đại diện các Hội Doanh nhân trẻ các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ tham dự.

 Bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hòa Hội

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hòa Hội

Phát biểu tại diễn đàn, bà Phạm Thị Bích Huệ - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, diễn đàn diễn ra trong bối cảnh cả nước đang bước vào một kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên phát triển nhanh, hướng tới một Việt Nam hùng cường, hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045.

Việt Nam đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và điều chỉnh địa giới hành chính với quy mô chưa từng có, mở ra kỳ vọng về một nền quản trị quốc gia hiệu lực hơn, linh hoạt hơn, kiến tạo hơn. Đặc biệt, theo bà Huệ, trong bối cảnh chuyển động lớn ấy, khu vực kinh tế tư nhân - với bản chất linh hoạt, sáng tạo, năng động - đang đứng trước một “thời cơ vàng” để khẳng định vai trò, vươn mình trở thành trụ cột thực sự của nền kinh tế quốc gia.

 Quang cảnh diễn đàn.

Quang cảnh diễn đàn.

Bà Phạm Thị Bích Huệ cho biết, diễn đàn năm nay mang trên vai một sứ mệnh lớn hơn - đó là hiện thực hóa tinh thần của “bộ tứ nghị quyết chiến lược” do Bộ Chính trị vừa ban hành: Nghị quyết 57 về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66 về đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng, thi hành pháp luật; Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

“Bốn nghị quyết ấy chính là bệ phóng thể chế, nền móng cho một quốc gia muốn bứt tốc trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Cũng chính từ những nền tảng đó, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã chủ động xây dựng chương trình hành động về phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam. Trong đó tiên phong đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cả nước tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025, để đưa tiếng nói doanh nhân thực sự trở thành một lực lượng đề xuất chính sách, đồng kiến tạo tương lai”, bà Huệ nhấn mạnh.

 Quang cảnh diễn đàn.

Quang cảnh diễn đàn.

Kinh tế tư nhân đóng góp vào hoạch định chính sách

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Cho phép doanh nghiệp tư nhân làm những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, cũng đặt ra thách thức doanh nhân phải am hiểu pháp luật, kinh doanh tử tế mới tồn tại được. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt hơn nên doanh nhân chuẩn bị tâm thế thay đổi tư duy để thích nghi điều kiện, môi trường mới, nắm bắt cơ hội để phát triển.

Ông Trần Huy Hiển – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp cho biết, các chính sách hiện hành có nhiều bước tiến nhưng chưa đủ để hỗ trợ, tạo môi trường minh bạch, kiến tạo cho kinh tế tư nhân và chưa có cơ chế đặc thù. Khu vực Tây Nam Bộ là vùng đất thấp, hạ tầng giao thông còn kém, như Sân bay quốc tế Cần Thơ quy mô đón vài triệu lượt khách mỗi năm, nhưng chưa có chuyến bay quốc tế nào mỗi ngày. Muốn đi nước ngoài phải lên TP HCM.

Ông Hiển hy vọng Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị sớm đi vào cuộc sống, tiếng nói của kinh tế tư nhân đóng góp vào hoạch định chính sách của nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, và doanh nghiệp trở thành thành phần không thể tách rời trong hệ sinh thái kinh tế tư nhân ở Việt Nam nói chung và miền Tây nói riêng, để góp phần vào sự phát triển của đất nước.

 Các đại biểu chia sẻ tại diễn đàn.

Các đại biểu chia sẻ tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, các đại biểu còn nêu, trước đây địa phương quy hoạch thì doanh nhân không được tham gia, doanh nhân (doanh nghiệp) lại là người làm, nên giờ cần thay đổi tư duy đó, để doanh nghiệp cùng với địa phương làm quy hoạch.

Ông Nguyễn Trọng Huy - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam khóa 6 nghĩ rằng, sự thay đổi lớn từ Nghị quyết 68 là sự chuyển động vì dân, vì doanh nghiệp. Ông đề xuất, doanh nhân gắn kết, tham gia cùng chính quyền cấp xã trong công tác quy hoạch tại địa phương. Đặc biệt, cùng với định hướng của tỉnh được phân cấp, phân quyền rõ ràng sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển.

 Ông Dương Long Thành - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Hòa Hội

Ông Dương Long Thành - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Hòa Hội

Ông Dương Long Thành - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi) đề xuất, các tỉnh Tây Nam Bộ có thể mở thêm các sân golf để phát triển du lịch, lôi kéo doanh nhân tới du lịch, mô hình nha khoa du lịch của. Theo ông Thành, các tỉnh vùng Tây Nam Bộ cần có quy hoạch nông nghiệp cụ thể, khuyến khích sản xuất, nuôi trồng theo nhu cầu của thị trường do doanh nhân, doanh nghiệp đề xuất.

“Doanh nghiệp đã tự tin hơn sau Nghị quyết 68, nhưng cần phải tăng tốc theo Chính phủ, nhất là chuyển đổi số, mạnh dạn yêu cầu thay thế lãnh đạo nếu lãnh đạo không làm việc. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng cần tham gia đại biểu HĐND cấp xã để cùng chính quyền tham gia quy hoạch, tham gia đại biểu Quốc hội nhiều hơn (từ 5 - 10%) càng tốt, để cùng đưa tiếng nói của doanh nhân nhiều hơn, mạnh mẽ hơn”, ông Thành nói.

Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thoi-co-vang-de-kinh-te-tu-nhan-tro-thanh-tru-cot-kinh-te-quoc-gia-post1758884.tpo