Gia Lai tận dụng 'rừng vàng, biển bạc', đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Du lịch được xác định là một trong 5 trụ cột tăng trưởng trong thời gian tới với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Gia Lai.
Chiều 9/7, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức gặp mặt kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2025). Dự gặp mặt có đại diện các sở, ngành, một số xã, phường trong tỉnh; Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Vùng đất có lợi thế “rừng vàng, biển bạc”
Phát biểu tại buôỉi gặp mặt, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, từ ngày 1/7, tỉnh Gia Lai mới chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra một không gian phát triển mới, toàn diện và sâu rộng cho vùng đất giàu bản sắc văn hóa, giàu tài nguyên du lịch và đầy khát vọng vươn lên.

Gặp mặt kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2025). Ảnh: Hiền Mai
Với tiềm năng lợi thế “rừng vàng, biển bạc”, tỉnh Gia Lai sở hữu hệ sinh thái du lịch độc đáo, kết hợp hài hòa giữa du lịch biển nghỉ dưỡng tại Quy Nhơn, Kỳ Co - Eo Gió với du lịch sinh thái, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, khám phá đại ngàn Kon Ka Kinh, Biển Hồ…
Nghề chằm nón ngựa Phú Gia; lễ hội Chùa Bà - Nước Mặn... đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hệ thống giao thông đồng bộ với cảng biển, sân bay, cao tốc, cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi để kết nối liên vùng, mở rộng thị trường và phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, có chiều sâu.
Dư địa phát triển du lịch của tỉnh rất lớn, không chỉ về tài nguyên mà còn ở khả năng hình thành các chuỗi giá trị: Từ nông nghiệp kết hợp du lịch, du lịch thông minh đến phát triển các điểm đến đẳng cấp quốc tế. Đây là cơ hội để du lịch Gia Lai vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực.

Du lịch cộng đồng là một trong những hình thức được khách du lịch yêu thích tại Gia Lai. Ảnh: Hiền Mai
Tổng đóng góp của hoạt động du lịch vào GRDP của khu vực Bình Định (cũ) đến năm 2025 là 16,51%; lượng khách du lịch năm 2022 đạt 4.120.000 lượt khách. Đến năm 2025, ước đạt 10,1 triệu lượt khách, tăng 145% so với năm 2022. Doanh thu du lịch năm 2022 đạt 13.119 tỷ đồng, năm 2025 ước đạt hơn 27.500 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ năm 2022.
Bình quân giai đoạn 2022 - 2025, lượt khách khu vực Gia Lai (cũ) đạt 21,2%/năm, doanh thu đạt 17,2%/năm. Bình quân cả giai đoạn 2021 - 2025, lượt khách tăng 39%/năm, doanh thu 43%/năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh Gia Lai đón gần 7,4 triệu lượt khách (trong đó, khu vực Bình Định (cũ) đạt gần 6,5 triệu lượt khách, Gia Lai (cũ) đạt 890 nghìn lượt khách), doanh thu du lịch đạt hơn 17.340 tỷ đồng.

Du lịch biển nghỉ dưỡng tại Quy Nhơn. Ảnh: Hiền Mai
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 1.254 cơ sở lưu trú với hơn 23.136 phòng; 89 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó: 18 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 71 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.
Tỉnh Gia Lai đang tập trung quy hoạch, đầu tư bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng cấp quốc gia, cấp tỉnh gắn với phát triển du lịch. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; di tích tháp Chăm; xây dựng và triển khai Đề án thí điểm cho thuê dịch vụ gắn với phát huy giá trị di tích Tháp Đôi và Tháp Bánh Ít giai đoạn 2025 - 2028.
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ngành du lịch tỉnh Gia Lai phấn đấu năm 2025 đón 11,8 triệu lượt khách, tăng 12% so với năm 2024, doanh thu du lịch ước đạt 28.500 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2024. Đến năm 2030, phấn đấu đón được 18,5 triệu lượt khách, trong đó có 1,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 17,4 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Khu di tích thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Hiền Mai
Thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng các tuyến du lịch kết nối Đông - Tây, tạo chuỗi dịch vụ du lịch khép kín; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với hệ thống hạ tầng, dịch vụ hiện đại, chất lượng cao.
Hoàn thành và triển khai lập quy hoạch chung khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya; quy hoạch chung khu du lịch Phương Mai thành khu du lịch quốc gia. Chú trọng phát triển du lịch “xanh”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa đặc trưng của địa phương.
Tăng cường liên kết không gian du lịch vùng, các tỉnh liền kề và các quốc gia lân cận. Tăng cường kết nối các địa bàn trọng điểm du lịch trong tỉnh, liên kết vùng và liên vùng. Kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm và phát triển các điểm đến du lịch hấp dẫn được xác định theo thế mạnh của từng khu vực: Du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch khoa học, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Tây Nguyên và lịch sử phong trào Tây Sơn...
Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và phát huy lợi thế, kết nối về điều kiện tự nhiên của 2 khu vực giữa mùa cao điểm của khu vực Bình Định (mùa hè) là mùa thấp điểm của khu vực Gia Lai cũ (mùa mưa) và ngược lại, mùa thấp điểm (mùa mưa) của khu vực Bình Định là mùa cao điểm của khu vực Gia Lai (mùa khô từ tháng 10 - tháng 12).

Du khách trải nghiệm văn hóa của người Jrai ở Gia Lai. Ảnh: Hiền Mai
Tiếp tục tổ chức các sự kiện, lễ hội: Lễ hội du lịch hè, lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya, các sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch khác. Đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến tỉnh cùng với việc hoàn thành nâng cấp Ga hàng không Phù Cát và các tuyến cao tốc.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành du lịch. Xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu số; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống các ứng dụng, phần mềm du lịch như: Phần mềm quản lý lưu trú, ứng dụng du lịch Gia Lai, đẩy mạnh thực hiện mã QR code thuyết minh thông tin các di tích, hiện vật, điểm đến. Triển khai thực hiện thông điệp du lịch 3K “Không nâng giá, ép giá; không tranh giành khách; không ô nhiễm tiếng ồn, rác thải” và 3A “An toàn giao thông; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn tính mạng, tài sản”.
"Du lịch tiếp tục được xác định là một trong 5 trụ cột tăng trưởng trong thời gian tới với định hướng phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên lợi thế biển, sinh thái núi rừng, di sản văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Chămpa", bà Đỗ Thị Diệu Hạnh nhấn mạnh.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cũng trình bày nhiều tham luận tập trung vào các nhóm vấn đề: Định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái, lịch sử - văn hóa, du lịch cộng đồng; xây dựng các tuyến du lịch kết nối giữa biển, đảo miền Trung và Tây Nguyên...