Thời của vàng?

Nhiều yếu tố cho thấy, thời điểm hiện tại là cơ hội tốt để nắm giữ vàng. Lưu ý, nắm giữ chứ không phải lướt sóng vàng.

Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Thanh khoản hệ thống dịu bớt, lực đẩy đầu tiên cho vàng

Thị trường tài chính thế giới trong tháng 3 vừa qua chứng kiến sự suy giảm mạnh của hầu hết các loại tài sản, ngoại trừ tiền mặt và trái phiếu Mỹ; thậm chí, có không ít bất ngờ khi tài sản trú ẩn như vàng cũng giảm giá.

Tại sao lại như vậy? Vấn đề nằm ở thanh khoản và vay nợ (margin). Khi thị trường tài sản toàn cầu sụt giảm, nhiều tổ chức đầu tư bất ngờ lâm vào cảnh thua lỗ. Những khoản vay margin của họ bắt đầu bị gọi giải chấp (call margin), mọi tài sản lúc này đều phải cố gắng quy về tiền mặt để xử lý vấn đề vay nợ.

Do đó, sự bán tháo diễn ra đối với vàng phần nhiều với mục đích tăng tiền mặt cho các cuộc gọi giải chấp các loại tài sản khác, khiến “tiền mặt là vua”.

Tuy nhiên, giai đoạn này dự kiến sẽ không kéo dài và nhu cầu trú ẩn nhiều khả năng sớm trở lại chi phối khi vấn đề thanh khoản được xử lý xong. Những số liệu từ thị trường tiền tệ liên ngân hàng quốc tế cho thấy, trong một tuần gần đây, nhu cầu thanh khoản đã dịu bớt.

Viễn cảnh về một giai đoạn nới lỏng vô tiền khoáng hậu

Hàng chục nghìn tỷ USD đã được bơm vào thị trường tài chính thế giới trong chưa đầy hai tháng qua nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng. Rất có thể, hàng chục nghìn tỷ USD nữa sẽ được bơm vào hệ thống trong thời gian tới để kích thích nền kinh tế hậu dịch bệnh.

Viễn cảnh dư thừa tiền trong tương lai sẽ giữ lãi suất ở mức thấp trong một thời gian đáng kể, chưa nói đến sự khan hiếm của vàng so với tiền sẽ ngày càng mở rộng.

Trong khi đó, lãi suất thực (lãi suất sau khi trừ lạm phát kỳ vọng) tại nhiều thị trường lớn vẫn đang âm và có dấu hiệu cho thấy lãi suất này sẽ ngày càng âm nhiều hơn. Ðây là chất kích thích mạnh mẽ cho đà tăng trung hạn của giá vàng.

“Quả bom” nằm ở lãi suất dài hạn và khối nợ khổng lồ của toàn cầu

Tại một số thị trường, lãi suất dài hạn (chẳng hạn lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm) đã giảm về gần 0%, phá kỷ lục về “mức sàn” lãi suất được thiết lập trong cuộc đại suy thoái năm 1929 - 1930 và đây cũng là mức lãi suất thấp nhất trong lịch sử.

Quy mô bảng cân đối kế toán của một số ngân hàng trung ương lớn đang bước vào chu kỳ tăng mới.

Quy mô bảng cân đối kế toán của một số ngân hàng trung ương lớn đang bước vào chu kỳ tăng mới.

Con số này báo hiệu nền kinh tế thế giới đang ngày càng yếu đi và một tương lai “bất lực” của các ngân hàng trung ương trong việc kích thích kinh tế.

Có nhiều quan điểm cho rằng, thế giới đang đứng trước nguy cơ của một đợt suy thoái, có thể dữ dội hơn cả những gì kinh tế thế giới đã phải trải qua vào năm 1929 - 1930.

Dịch Covid-19 không phải là nguyên nhân, có chăng dịch bệnh này chỉ là chất xúc tác, điều thực sự đáng lo ngại đó là các con số vay nợ khổng lồ trên toàn cầu.

Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng số nợ toàn cầu đã đạt mốc gần 270.000 tỷ USD, tương đương 350% GDP toàn cầu năm 2019.

Mỗi người trên thế giới đang nợ số tiền gấp 3,5 lần thu nhập hàng năm. Với bối cảnh hiện tại, con số này dự kiến sẽ nhanh chóng thiết lập mốc kỷ lục mới trong năm 2020.

Vay nợ quá lớn so với thu nhập trong khi nhiều ngân hàng trung ương “lực bất tòng tâm” trong việc kích thích kinh tế sẽ là “quả bom nổ chậm” với nền kinh tế. Lo ngại này sẽ là động lực cho đà tăng dài hạn của giá vàng.

Như vậy, bối cảnh ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đều hỗ trợ giá vàng, cơ hội nắm giữ vàng đang mở ra cho các nhà đầu tư. Tất nhiên, không ít nhà đầu tư vẫn thích cổ phiếu hơn, khi mức tăng giá trong các đợt phục hồi thường nhanh và mạnh.

Ðan Hạ

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/vang-ngoai-te/thoi-cua-vang-322591.html