Thời điểm để nhân nhượng?
'Đã tới thời điểm nếu Iran tiếp tục những động thái như vậy, họ sẽ không thể đạt được lợi ích nào ngay cả khi chúng tôi quay trở lại Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA)', đặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley cảnh báo ngày 19-11-2021, sau khi Iran tiếp tục có những động thái tăng cường dự trữ urani đã làm giàu, trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc về việc khôi phục JCPOA dự kiến sẽ được nối lại vào ngày 29-11 tới.
Có lẽ, đã đến lúc, Tehran nên bắt đầu nghĩ đến việc tiết chế bớt sự cứng rắn mà họ thể hiện một cách nhất quán và kiên định suốt 3 năm qua sau khi nước Mỹ rút khỏi hiệp định hạt nhân ký năm 2015 (giữa Iran với nhóm P5+1, bao gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức), để hướng đến một sự hồi sinh đích thực cho JCPOA với những điều khoản “có thể chấp nhận được” đối với cả hai phía.
Sẽ chẳng ai được lợi nếu JCPOA không thể hồi sinh.
Lằn ranh đỏ
Chỉ một ngày sau tuyên bố của Robert Malley, đến lượt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gửi đi thông điệp rằng nước Mỹ sẽ không chấp nhận nhân nhượng quá mức. Tại Đối thoại Manama thường niên tổ chức ở Bahrain, ông Lloyd Austin khẳng định: “Mỹ vẫn giữ cam kết ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn sẽ hướng tới một kết quả ngoại giao trong vấn đề hạt nhân. Nhưng, nếu Iran không sẵn sàng đàm phán nghiêm túc, chúng tôi sẽ xem xét các lựa chọn khác cần thiết để bảo đảm an toàn cho nước Mỹ”. Bên cạnh đó, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng đề cập đến khả năng ứng phó với việc Iran sử dụng máy bay không người lái cảm tử ở Trung Đông.
Trong bối cảnh đàm phán về JCPOA tiếp tục lún trong bế tắc và trước khi vòng đàm phán thứ 7 chuẩn bị bắt đầu mà chưa nhà phân tích quốc tế nào có thể chắc chắn rằng điểm đột phá khai thông sẽ xuất hiện, những gì mà Washington đang thể hiện gợi lên những lo ngại, rằng khi cả hai phía đều cứng rắn đến tận cùng, sự đổ vỡ là khó có thể tránh khỏi.
Tuy vậy, động thái mới nhất từ phía Iran, theo một góc nhìn nào đó, có lẽ cũng khiến mọi sự mềm mỏng đều đang bị thử thách một cách quá đà.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi là một nhà lãnh đạo cứng rắn.
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tính đến ngày 6-11, kho urani của Iran đã tăng lên hơn 2.489 kg, vượt mức cho phép theo các điều khoản của JCPOA. IAEA cho biết thêm: Hiện tổng số urani làm giàu ở mức 20% của Iran đã tăng lên 113,8 kg, tăng từ mức 84,3 kg vào tháng 9 và lượng urani làm giàu ở mức 60% là 17,7 kg tăng từ mức 10 kg ghi nhận trước đó.
Những con số này khiến chuyến công du của Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grassi tới Tehran (ngày 22-11) chìm trong những nghi ngại, đặc biệt là khi IAEA kiên quyết bác bỏ thông tin cho rằng: Camera giám sát của cơ quan này đóng vai trò hỗ trợ bên thứ ba, trong vụ tấn công nhằm vào cơ sở hạt nhân TESA Karaj của Iran hồi tháng 6.
Không chỉ vậy. Bên cạnh Mỹ cũng như các cường quốc phương Tây trong nhóm P5+1, hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Nga và Trung Quốc, bất chấp những mối liên hệ gần gũi với Tehran, cũng cảm thấy “khó xử”. Như chính đặc phái viên Mỹ Robert Malley hé lộ sau cuộc thảo luận ngày 19-11 với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc (Ma Zhaoxu), về những nỗ lực nhằm khôi phục JCPOA và thống nhất lập trường trước vòng đàm phán hạt nhân thứ 7 tại thủ đô Vienna của Áo: “Ba nước chúng tôi thống nhất mạnh mẽ về sự cần thiết của việc quay trở lại tuân thủ đầy đủ JCPOA. Chúng tôi đang phối hợp cùng nhau nhằm đạt được điều đó, bằng cách điều chỉnh các biện pháp tiếp cận khi chúng tôi hướng tới vòng đàm phán thứ 7”.
Một cách kín đáo, thông điệp được đưa ra là Mỹ - Nga - Trung dường như đã thống nhất với nhau, rằng mọi chuyện đều nên có giới hạn, kể cả sự cứng rắn mà Tehran xem là chính đáng (do họ có quyền nới lỏng các cam kết về phía mình, khi JCPOA đã bị vi phạm).
Mức độ làm giàu urani của Iran khiến mọi cường quốc đều quan ngại.
Sau lưng là vách đá
Suốt 3 năm qua, nhất là kể từ đầu năm 2021 - khi Nhà Trắng có chủ mới, phía Iran đã luôn tỏ ra kiên định trong việc bảo vệ quan điểm cũng như lập trường của mình, về việc khôi phục đầy đủ JCPOA. Từ cách nhìn của họ, chuyện nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương “xé bỏ” hiệp định ấy là vi phạm trầm trọng các cam kết và chuyện các biện pháp cấm vận - trừng phạt vẫn liên tiếp được áp đặt lên Iran cũng là điều bất công không thể chấp nhận. Bởi vậy, Tehran chưa từng khoan nhượng ở đòi hỏi mấu chốt: Đầu tiên, mọi biện pháp trừng phạt cần phải được dỡ bỏ vô điều kiện. Vòng đàm phán thứ 6 về JCPOA cũng đã khép lại ở điểm này, trong bế tắc.
Trong thời gian “tạm nghỉ” vừa qua, đã có rất nhiều biến động khiến thực trạng vấn đề trở nên căng thẳng và trầm trọng hơn, mà xét cho cùng, câu chuyện Iran liên tiếp gia tăng trữ lượng urani đã được làm giàu chỉ là một trong số đó.
Cũng mới ngày 31-10, oanh tạc cơ B1-B của không quân Mỹ, được hộ tống bởi phi đội tiêm kích chiến đấu của các đồng minh Israel, Saudi Arabia và Bahrain, đã bay qua Vùng Vịnh, eo biển Bab al-Mandeb, kênh đào Suez, vịnh Oman và cả eo biển Hormuz - nơi Iran xem là vùng ảnh hưởng chiến lược của họ và cũng là tuyến đường vận chuyển 1/5 sản lượng dầu của thế giới. Theo tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Mỹ, mục tiêu của chuyến bay tuần sát này là “trấn an các đồng minh trong khu vực”. Song, dĩ nhiên, với Tehran, đó là một hành động “thị uy” đầy khiêu khích.
Một thông điệp cứng rắn đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gửi đi.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Iran lại đã có một tân tổng thống - ông Ebrahim Raisi - với quan điểm còn cực đoan và “bài Mỹ” hơn người tiền nhiệm Hassan Rouhani gấp bội. Ông tuyên bố thẳng thừng: Kế hoạch tái thiết và phát triển kinh tế Iran là độc lập với đàm phán JCPOA - nơi nước Mỹ thực ra vẫn chưa có được một vị trí chính thức trong các cuộc thảo luận mà vẫn chỉ là những kẻ “ngoài rìa” do đã rút khỏi thỏa thuận ấy. Điều đó có nghĩa là, trên quan điểm của chính quyền Tehran hiện tại, sự “gai ngạnh” sẽ được phô bày một cách không ngần ngại.
Điều này thể hiện rất rõ, trong đợt căng thẳng bùng phát hồi tháng 8, khi Israel và các nước phương Tây cáo buộc Iran chịu trách nhiệm về vụ tấn công tàu “Mercer Street” của Israel. Israel tuyên bố những gì Iran đang làm là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế, đe dọa sẽ tiến hành một cuộc tấn công trả đũa vào các tàu của Iran. Tuyên bố này của Israel đã được Mỹ và Anh “bật đèn xanh”. Đáp lại, Tư lệnh Lực lượng không quân Vệ binh Cách mạng Iran, chuẩn tướng Hajizadeh tuyên bố Iran có đủ sức mạnh và sẽ đáp trả, nếu bị tấn công.
Gần đây nhất, ngày 18-11, Cơ quan An ninh mạng và an ninh cơ sở hạ tầng Mỹ (CISA) cáo buộc Chính phủ Iran có hành vi bảo trợ một nhóm tin tặc bị Mỹ quy trách nhiệm trong các vụ tấn công bằng mã độc nhằm đòi tiền chuộc gần đây ở Mỹ và Úc. Cũng ngày 18-11, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã truy tố 2 công dân Iran vì tham gia vào một chiến dịch “thông tin sai lệch và đe dọa” bằng hình thức trực tuyến nhằm gây ảnh hưởng đến cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Hai công dân này bị cáo buộc lấy cắp thông tin của hơn 100.000 cử tri Mỹ và gửi thư điện tử đe dọa, tung thông tin sai lệch để gây ảnh hưởng đến cử tri của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, đồng thời cố tình xâm nhập các trang web liên quan đến bầu cử.
Máy bay ném bom chiến lược Mỹ B1-B Lancer trên eo biển Hormuz.
Một ngày sau, trên mạng xã hội Twitter, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh phản đối hành động trừng phạt mới của Mỹ và nhấn mạnh: Động thái này là sự tiếp tục của chính sách đã thất bại mà chính quyền Mỹ áp đặt với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Đó là một sự nhắc nhở, rằng Tehran đã đứng vững và đã không cúi đầu, ngay cả trong những thời điểm bị Mỹ áp đặt trừng phạt gắt gao nhất. Dù thời gian có cạn dần, hay dù chính quyền mới ở Washington có hết kiên nhẫn thì Iran vẫn không sẵn sàng thỏa hiệp. Hay ít nhất, không sẵn sàng thỏa hiệp một cách dễ dàng. Họ bảo lưu đòi hỏi “dỡ bỏ trừng phạt”, cũng như kêu gọi “không chính trị hóa IAEA”, sau khi Pháp hối thúc cơ quan này “gửi thông điệp mạnh mẽ tới Tehran” về các hoạt động phát triển hạt nhân.
Song, ngược lại, Nhà Trắng cũng có “thế khó” đang phải chịu đựng. Họ cần một thành tựu ngoại giao nữa mang tính bản lề, để đánh dấu thành công cho chiến lược quay trở lại can dự nhiều hơn vào các “điểm nóng” toàn cầu, theo cương lĩnh tranh cử của đương kim Tổng thống Joe Biden, như chính cách cựu Tổng thống Barack Obama đã đạt được với việc ký kết thành công JCPOA năm 2015. Nhưng, mặt khác, nếu nhân nhượng quá mức, chính quyền Mỹ hiện tại sẽ phải đối diện với việc bị kết tội là “nhu nhược” bởi phe đối lập.
Xét cho cùng, thứ động lực duy nhất mà nước Mỹ có thể trông chờ để tạo nên đột phá về vấn đề JCPOA này vẫn duy nhất chỉ là việc thuyết phục được cả Iran lẫn cộng đồng quốc tế rằng: Nếu mọi sự đổ vỡ, chẳng ai có được “lợi lộc” gì.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/thoi-diem-de-nhan-nhuong--i635735/