Thời điểm ECB tìm lối đi riêng
Các thị trường hiện dự báo ECB sẽ tiến hành ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, so với chưa đến 2 lần của Fed.
Theo ông Yannis Stournaras, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, đồng thời là thành viên ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ngân hàng này không nên ngại tách khỏi quan điểm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và thay đổi quan điểm thận trọng về lãi suất.
Lối đi riêng
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông Stournaras cho rằng thời điểm hiện nay là lúc để ECB có lối đi riêng khi tình hình tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Mỹ hoàn toàn khác nhau. Tại Mỹ, nhu cầu mạnh hơn nhiều, phần lớn nhờ sự thúc đẩy từ ngân sách. Trong khi đó, tình hình tại châu Âu không giống như Mỹ và lạm phát tại Eurozone chủ yếu là do phía cung, không phải do phía cầu.
Bình luận trên được đưa ra ngay sau khi Mỹ công bố lạm phát tăng vượt dự kiến và “dội gáo nước lạnh” vào những kỳ vọng về chính sách nới lỏng tiền tệ.
Phát biểu tại Frankfurt sau khi ECB đánh đi tín hiệu sẽ bắt đầu dỡ bỏ các đợt tăng lãi suất vào tháng Sáu, ông Stournaras nhắc lại rằng ECB có thể cắt giảm lãi suất bốn lần trong năm nay, dù các nhà đầu tư đã giảm bớt dự đoán về những động thái như vậy trên toàn cầu. Các thị trường dự báo ECB sẽ tiến hành ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, so với chưa đến 2 lần của Fed.
Theo ông Stournaras, những khó khăn của kinh tế Eurozone khiến chính sách nới lỏng trở nên cấp bách hơn. Mặc dù vẫn dự tính về cái gọi là “hạ cánh mềm”, ông cảnh báo rằng việc chờ đợi quá lâu để hạ lãi suất sẽ gây nguy hiểm cho tăng trưởng vốn đã yếu ớt và có nguy cơ khiến lạm phát giảm xuống dưới mục tiêu 2%.
Ông Stournaras lưu ý đã có những hạt giống đầu tiên của sự phục hồi ở châu Âu cũng như ở Đức và không nên để những hạt giống phục hồi đầu tiên này chết yểu. Ông Stournaras ủng hộ việc giảm lãi suất liên tục vào tháng Sáu và tháng Bảy và sau đó là hai đợt giảm lãi suất nữa vào cuối năm. Tuy nhiên, một số đồng nghiệp của ông Stournaras ủng hộ cách tiếp cận thận trọng hơn, do lo ngại rằng lạm phát có thể tăng trở lại khi tiền lương tăng. Họ muốn điều chỉnh chính sách ba tháng một lần khi ECB cập nhật dự báo hàng quý.
Trao đổi với Bloomberg Television, cựu Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet, cũng đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa bối cảnh kinh tế ở Mỹ và châu Âu. Ông ví von hai khu vực này như hai con tàu không ở cùng một vị trí, ngay cả khi hướng về cùng một bến cảng.
Nhà kinh tế Holger Schmieding tại ngân hàng Berenberg cho rằng Eurozone cần cắt giảm lãi suất, nhưng kinh tế Mỹ thì chưa. Trong khi đó, nhà kinh tế Ludovic Subran của tổ chức dịch vụ tài chính Allianz nhấn mạnh rằng ngay cả khi ECB cắt giảm lãi suất, khả năng điều động của ngân hàng vẫn bị hạn chế bởi vòng xoáy tài chính Mỹ.
Thế khó của ECB
Ngày 11/4, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất như dự đoán, nhưng phát đi thông điệp rõ ràng rằng ngân hàng này sẵn sàng hạ lãi suất khi lạm phát ở gần mức 2%.
Bình luận sau quyết định này, Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde tái khẳng định bà và các đồng nghiệp không đi theo các tín hiệu từ bên kia Đại Tây Dương. Trả lời báo giới, bà Lagarde nhấn mạnh ECB không phụ thuộc vào Fed. Dù vậy, bà Lagarde thừa nhận có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của ngân hàng này.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định các quyết định của ngân hàng này chỉ phụ thuộc vào số liệu, chứ không phụ thuộc vào Fed. Nhưng giới phân tích và các nhà hoạch định chính sách lại cho rằng lãi suất và lạm phát cao ở Mỹ sẽ tác động đến các kế hoạch của ECB thông qua các thị trường tài chính và hoạt động thương mại.
Ông Max Stainton, chuyên gia cấp cao của công ty Fidelity International, cho biết dù công ty này vẫn tin rằng ECB sẽ là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên bắt đầu hạ lãi suất trong năm nay, nhưng lộ trình này còn phụ thuộc vào Fed.
Khả năng ECB cắt giảm lãi suất trước Fed đã khiến một số nhà quan sát lo lắng. Lãi suất thấp hơn tại Eurozone có thể thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở nơi khác, làm suy yếu đồng euro và khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Đồng euro đã chạm mức thấp nhất trong hai tháng sau quyết sách của ECB ngày 11/4. Điều này cho thấy sự khác biệt về chính sách tiền tệ xuyên Đại Tây Dương đang khuấy động thị trường tài chính.
Dù vậy, việc cắt giảm lãi suất sẽ mang lại sự nhẹ nhõm cho nền kinh tế châu Âu, nơi hầu như không có mức tăng trưởng kinh tế nào trong hơn một năm. Cuộc khảo sát cho vay hàng quý của ECB cho thấy nhu cầu vay vốn doanh nghiệp sụt giảm bất ngờ vào đầu năm 2024, làm giảm kỳ vọng về sự phục hồi sản lượng.
Theo một cuộc khảo sát riêng rẽ các doanh nghiệp dự đoán mức tăng lương sẽ giảm trong 12 tháng tới, trong khi các nhà kinh tế tại Goldman Sachs dự đoán tăng trưởng tiền lương sẽ giảm tốc đáng kể trong nửa cuối năm nay.
Bà Lagarde nhận định kinh tế sẽ phục hồi khi lạm phát chậm hơn làm tăng thu nhập thực tế, trong khi tiền lương và xuất khẩu đều tăng. Theo bà, theo thời gian chính sách tiền tệ sẽ ít gây cản trở cho nhu cầu hơn. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của Eurozone vẫn đối mặt rủi ro.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thoi-diem-ecb-tim-loi-di-rieng/330071.html