Thời điểm người mắc sốt xuất huyết có thể gặp biến chứng nguy hiểm

Các biến chứng nguy hiểm thường chỉ xuất hiện khi bệnh nhân đã cảm thấy khá hơn, thường vào khoảng từ ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết đã lây lan nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây. Trong 50 năm qua, số người mắc bệnh đã tăng gấp 30 lần. Các chuyên gia ước tính rằng có từ 284 đến 528 triệu người nhiễm virus sốt xuất huyết trên toàn thế giới mỗi năm.

Sốt xuất huyết là bệnh do virus nhiệt đới gây ra. Nó được lây truyền bởi loài muỗi Aedes. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao, đau đầu và đau nhức toàn thân. Những người bị bệnh thường sẽ hồi phục trong vài ngày. Tuy nhiên, sốt xuất huyết cũng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Các con đường lây nhiễm và sự xuất hiện

Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, có 4 biến thể khác nhau (DENV 1 tới 4). Tất cả đều được truyền qua muỗi Aedes - phổ biến nhất là muỗi sốt vàng hoặc muỗi hổ (Aedes aegypti hoặc Stegomyia aegytpi), đôi khi là muỗi hổ châu Á (Aedes hoặc Stegomyia albopictus).

Loài muỗi này chủ yếu được tìm thấy ở các khu vực thành thị và nơi đông người. Chúng thích đẻ trứng gần nước (chai, thùng mưa, xô...). Nếu con cái bị nhiễm bệnh, chúng có thể truyền virus trực tiếp cho trứng của chúng. Muỗi cái cũng là tác nhân truyền bệnh trực tiếp cho người.

Mọi người có thể lây bệnh sốt xuất huyết cho nhau không?

Bệnh nhân thường bị nhiễm virus sốt xuất huyết thông qua vết đốt của muỗi Aedes. Ngoài muỗi, các loại côn trùng khác cũng có thể hút máu bị nhiễm bệnh của người bệnh và truyền sang người khác.

Sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết trực tiếp từ người sang người - tức là không có sự hiện diện của muỗi Aedes - thường không diễn ra.

Phụ huynh chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết ở TP.HCM. Ảnh: Bích Huệ.

Phụ huynh chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết ở TP.HCM. Ảnh: Bích Huệ.

Không giống như virus cúm, virus sốt xuất huyết không được tìm thấy trong nước bọt của bệnh nhân. Do đó, sốt xuất huyết không thể lây truyền qua hắt hơi, ho hoặc hôn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng một số người đã bị nhiễm bệnh qua quan hệ tình dục không được bảo vệ.

Vì vậy, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) chỉ ra rằng bệnh nhân bị sốt xuất huyết hoặc nghi mắc bệnh này không nên quan hệ tình dục trong thời gian bị bệnh. Các nhà nghiên cứu đến nay đã có thể phát hiện RNA của virus sốt xuất huyết trong tinh dịch, dịch tiết âm đạo và nước tiểu.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa rõ mức độ lây nhiễm có thể xảy ra việc này qua đường tình dục và các nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để có một khuyến nghị chính xác hơn.

Một số báo cáo riêng biệt cho thấy những phụ nữ mang thai đã truyền virus sang thai nhi qua đường máu. Các bác sĩ gọi đây là đường lây truyền theo chiều dọc. Việc lây truyền virus qua sữa mẹ đến nay chỉ được giả định trong một trường hợp. Ngoài ra, bạn có thể bị nhiễm virus sốt xuất huyết qua máu bị nhiễm bệnh (truyền máu, vết thương do kim tiêm).

Các triệu chứng khi nhiễm bệnh

Khoảng thời gian từ khi muỗi Aedes đốt đến khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên (thời kỳ ủ bệnh) là từ 3 đến 14 ngày. Trong hầu hết trường hợp, nhiễm trùng bùng phát từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7.

Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thường không đặc hiệu và tương tự các triệu chứng của bệnh cúm thông thường: Sốt cao (lên đến 40 độ C), ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức khớp và toàn thân. Cơn sốt thường có hai pha. Cùng với đợt sốt thứ hai, phát ban ngứa giống như rubella có thể xuất hiện khắp cơ thể. Các triệu chứng khác có thể đi kèm của sốt xuất huyết là kiệt sức, buồn nôn, nôn mửa cũng như sưng hạch bạch huyết.

Tuy nhiên, nhiều người bị nhiễm bệnh không có triệu chứng gì (đặc biệt là trẻ em).

Biến chứng của bệnh sốt xuất huyết

Ở phần lớn bệnh nhân, sốt xuất huyết tự lành mà không để lại hậu quả gì. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh có thể xảy ra biến chứng thuốc một trong hai loại sau:

- Xuất huyết: Trong trường hợp xuất huyết, một đợt bùng phát sốt cấp tính được theo sau bởi các triệu chứng do tiểu cầu trong máu giảm mạnh. Nhiều loại chảy máu khác nhau như chảy máu kích thước đầu kim ở da hoặc niêm mạc (chấm xuất huyết), chảy máu mũi và nướu răng, xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu và phân có máu).

- Hội chứng sốc do sốt xuất huyết: Huyết áp giảm mạnh, tim không còn có thể bơm đủ máu đi khắp cơ thể. Kết quả là nhịp tim tăng mạnh. Tuy nhiên, các cơ quan quan trọng như não và thận không còn được cung cấp đầy đủ máu và chất dinh dưỡng.

 Ở phần lớn bệnh nhân, sốt xuất huyết tự lành mà không để lại hậu quả gì. Ảnh: Says.

Ở phần lớn bệnh nhân, sốt xuất huyết tự lành mà không để lại hậu quả gì. Ảnh: Says.

Dấu hiệu cảnh báo của các biến chứng:

Đau bụng đột ngột
Nôn mửa lặp đi lặp lại
Nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột xuống dưới 36 độ C
Chảy máu đột ngột
Lú lẫn, bồn chồn hoặc buồn ngủ
Giảm huyết áp đột ngột
Mạch nhanh

Cả hai biến chứng đều có khả năng đe dọa tính mạng và cần được điều trị tại bệnh viện. Điều nguy hiểm là chúng thường chỉ xuất hiện khi bệnh nhân đã cảm thấy khá hơn, thường vào khoảng từ ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh.

Điều trị

Hiện chúng ta không có liệu pháp điều trị tận gốc cho bệnh nhiễm trùng này. Điều này có nghĩa bác sĩ chỉ có thể làm giảm bớt các triệu chứng chứ không thể điều trị chống lại virus.

Việc điều trị bệnh sốt xuất huyết ở giai đoạn sốt không có biến chứng không khác nhiều so với bệnh cúm. Các triệu chứng chính của bệnh sốt xuất huyết trong giai đoạn đầu không thể phân biệt được với bệnh cúm thông thường.

Bạn có thể khẳng định nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết bằng xét nghiệm máu. Mẫu máu của bệnh nhân được kiểm tra để tìm virus sốt xuất huyết và các kháng thể đặc hiệu chống lại mầm bệnh. Các xét nghiệm nhanh để phát hiện các kháng thể cụ thể cũng có sẵn.

Bác sĩ cũng tìm kiếm các dấu hiệu của việc chảy máu, ví dụ ở dạng chảy máu nướu răng, chảy máu cam hoặc chảy máu da nhỏ (chấm xuất huyết). Các bác sĩ cũng có thể thực hiện bài kiểm tra Tourniquet để kiểm tra độ ổn định của mao mạch.

Uống đủ nước rất quan trọng. Bệnh nhân cũng có thể dùng thuốc giảm đau và hạ sốt như paracetamol để chống lại cơn sốt cao và cơn đau. Một số thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt như axit acetylsalicylic (tên thương mại aspirin), ibuprofen... có tác dụng phụ suy giảm quá trình đông máu. Do đó, chúng làm tăng xu hướng chảy máu sẽ không phù hợp cho điều trị sốt xuất huyết.

Khi không có biến chứng, bệnh nhân không nhất thiết phải đến bệnh viện. Tuy nhiên, ngay khi có dấu hiệu chảy máu hoặc sốc sắp xảy ra, việc điều trị nội trú là rất cần thiết. Các thông số quan trọng (nhịp tim, nhịp hô hấp, huyết áp...) có thể được theo dõi chặt chẽ ở bệnh viện. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được truyền dịch hoặc các chế phẩm từ máu nếu cần thiết.

Bệnh nhân cần đặc biệt chú ý giai đoạn cơn sốt đã giảm bớt bởi vì các biến chứng do virus gây ra thường xuất hiện trong giai đoạn này. Tất cả triệu chứng cảnh báo có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm cần được thông báo cho bác sĩ và điều trị kịp thời.

Phòng ngừa

Vào tháng 10/2018, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã phê duyệt vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết cho thị trường châu Âu. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người chưa bị sốt xuất huyết và đã được tiêm phòng có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết với các triệu chứng nặng hơn những người chưa tiêm vaccine. Do đó, vaccine chỉ giới hạn cho những người từ 9 đến 45 tuổi và từng bị sốt xuất huyết trước đó.

Theo Viện Robert Koch, Đức, các nhà khoa học đang nghiên cứu một số loại vaccine khác chống lại bệnh sốt xuất huyết. Một số loại đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Điều quan trọng nhất là tự bảo vệ mình khỏi bị muỗi đốt. Các biện pháp bảo vệ sau đây được khuyến nghị cho mục đích này:

Mặc quần dài
Bôi thuốc đuổi muỗi lên da và quần áo
Căng màn chống muỗi với kích thước mắt lưới tối đa là 1,2 mm trên giường
Gắn lưới chắn ruồi, muỗi vào cửa sổ và cửa ra vào (tẩm thuốc diệt côn trùng)

Diễn biến bệnh và tiên lượng

Sốt xuất huyết thường tự hết mà không có biến chứng. Hầu hết bệnh nhân hồi phục trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, tình trạng kiệt sức có thể kéo dài trong vài tuần.

Bệnh nhân không uống đủ nước hoặc dưới 15 tuổi có nhiều nguy cơ bị biến chứng do sốt xuất huyết.

Lần thứ hai nhiễm virus sốt xuất huyết cũng rất nguy hiểm. Sau khi bị nhiễm sốt xuất huyết, bạn có khả năng miễn dịch suốt đời với loại virus sốt xuất huyết đó. Nhưng bạn có thể bị nhiễm một trong 3 loại virus khác và mắc bệnh trở lại.

Nhiễm trùng thứ phát này thường nghiêm trọng hơn. Các chuyên gia nghi ngờ rằng phản ứng thái quá của hệ thống miễn dịch là nguyên nhân dẫn đến diễn biến trầm trọng hơn của bệnh.

Điều trị y tế chuyên sâu kịp thời là rất quan trọng, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng do sốt xuất huyết gây ra. Tỷ lệ tử vong khi gặp biến chứng xuất huyết là 6-30%.

Hội chứng sốc do sốt xuất huyết thậm chí còn nguy hiểm hơn. Nếu không được điều trị thích hợp, 40-50% bệnh nhân tử vong vì biến chứng này. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong giảm xuống còn 1% hoặc ít hơn.

TS.DS Tạ Thanh Sơn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thoi-diem-nguoi-mac-sot-xuat-huyet-co-the-gap-bien-chung-nguy-hiem-post1353871.html