Thời điểm 'vàng' thu hút người tài vào khu vực công
Mới đây, Bộ Nội vụ đã trình Dự thảo 'Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài' để lấy ý kiến nhân dân vào thời điểm đáng chú ý là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021–2026.
Đánh giá về Dự thảo, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng: “Đây là điểm quan trọng để những nhân tài ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài thấy rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn cần họ để họ quyết định phục vụ cho đất nước, đem trí tuệ và khả năng phục vụ quốc gia, dân tộc”.
Nhân tài là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước
Dự thảo đã nêu 6 quan điểm chung của việc thu hút, trọng dụng nhân tài, trong đó nhấn mạnh: Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài là bộ phận rất quan trọng trong Chiến lược cán bộ của Đảng. Xây dựng tổ chức thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài phải tuân thủ đường lối, chính sách cán bộ của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ. Thống nhất nhận thức về nhân tài là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước hùng cường; là tiềm lực và sức mạnh của quốc gia; là hạt nhân của nền kinh tế trí thức; là yếu tố then chốt của sự phát triển. Đội ngũ nhân tài phải tiêu biểu cho nền văn hóa và trí tuệ Việt Nam vừa có tài vừa có đức, năng lực sáng tạo và khát khao cống hiến vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Một điểm mới quan trọng là Dự thảo khẳng định, thu hút, trọng dụng nhân tài, không phân biệt nhân tài là đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho nhân tài được cống hiến và đãi ngộ xứng đáng với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Gắn với mục tiêu, từ năm 2021 đến năm 2025, 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với Chiến lược này và tình hình thực tiễn. Có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững như: Chính trị và quản lý điều hành nhà nước; khoa học, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số, cơ sở dữ liệu, tự động hóa…; giáo dục; y tế; công nghệ sinh học; văn hóa, thể thao…
Từ năm 2026 đến năm 2030, 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.
Đánh giá về Dự thảo, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, nhân tài là tài nguyên đặc biệt của quốc gia. Chỉ có nhân tài và là những người có tâm, có tầm mới đưa đất nước chúng ta lên tầm cao mới. Đây là vấn đề hết sức hệ trọng và quan trọng. Chính vì thế, việc Bộ Nội vụ trình Dự thảo Đề án trong thời điểm nước ta đang trong thời điểm này là hết sức hợp lý và là thời điểm vàng.
“Đây là điểm quan trọng để những nhân tài ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài thấy rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn cần họ để họ quyết định phục vụ cho đất nước, đem trí tuệ và khả năng phục vụ quốc gia, dân tộc”, ông Hòa nói.
Cần sớm ban hành chính sách
Giáo sư Trương Nguyện Thành - Giảng viên giảng dạy tại Trường Đại học Utah (Mỹ), Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP HCM đã từng thẳng thắn đánh giá rằng, sở dĩ nhiều sinh viên Việt Nam học tập tại nước ngoài sau khi tốt nghiệp thường không về Việt Nam làm việc là vì điều đó xuất phát từ quyền tự do căn bản của con người đó là quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân.
Theo Giáo sư Thành, chúng ta cần thực hiện ít nhất 3 biện pháp để giữ chân người tài: Thứ nhất, đặt trọng tâm hàng đầu vào tài năng trong việc tuyển chọn nhân viên; Thứ hai, cởi bỏ các cơ chế hành chính và quản lý đa chiều nặng nề ở các cơ quan nhà nước; Thứ ba, có chế độ đãi ngộ tương ứng với hiệu quả công việc.
Tuy nhiên theo đánh giá chung của Bộ Nội vụ, hiện công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện thu hút người tài tại các nơi chưa quyết liệt, quyết tâm. Việc bố trí, sử dụng nhân lực chưa hợp lý, vẫn còn những trường hợp bố trí, sử dụng không đúng vị trí, chuyên môn sau thực hiện tuyển dụng, thu hút; chính sách đãi ngộ chưa đủ mạnh để công chức, viên chức thực sự yên tâm cống hiến.
Bộ Nội vụ cũng đưa ra thống kê các số liệu việc thu hút nhân tài hiện nay của các bộ, ngành, địa phương để có sự đánh giá khách quan nhất việc thu hút và trọng dụng nhân tài hiện nay như thế nào. Theo đó, trong 3 bộ và 21 tỉnh, thành có báo cáo khảo sát, số lượng công chức, viên chức được thu hút: Hiện có 3.128 người được tuyển dụng theo chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao tại 24 bộ và địa phương. Trong đó 2.903 người hiện nay vẫn đang công tác (chiếm 92,8%) và 225 người đã nghỉ việc (chiếm 7,2%).
Về trình độ chuyên môn khi được thu hút: Có 68 người được thu hút có trình độ tiến sỹ (chiếm 2,41%), 853 người có trình độ thạc sỹ (chiếm 30,25%) và 1.899 người có trình độ đại học (chiếm 67,34%). Về cơ cấu tuổi khi được thu hút: Có 3 độ tuổi được khảo sát trong biểu thống kê đó là “từ 20 đến dưới 25 tuổi” chiếm tỷ lệ 42,5% (1.180 người); “từ 25 đến dưới 30 tuổi” chiếm 40,1% (1.115 người) và “trên 30 tuổi” chiếm tỷ lệ thấp nhất với chỉ 17,4% (484 người).
Về ngành, nghề được đào tạo, bồi dưỡng sau khi thu hút: Ngành nghề chiếm tỷ lệ cao nhất là y tế với 842 người, chiếm tỷ lệ 30,97%, tiếp theo đó là ngành kỹ thuật - công nghệ với 363 người (13,35%), ngành kinh tế với 231 người (8,5%), tài chính với 219 người (8,05%). Các lĩnh vực khác chiếm tỷ lệ cao với 1.064 người (chiếm 39,13%).
Về chức vụ hiện nay của những người được thu hút: Đa số những người được thu hút hiện nay vẫn giữ chức vụ là chuyên viên và tương đương, 2.375 người, chiếm tỷ lệ 90,13%. Chỉ có duy nhất 1 người giữ chức vụ lãnh đạo UBND tỉnh hoặc tương đương (chiếm 0,04%); lãnh đạo Sở hoặc tương đương cũng chiếm tỷ lệ rất ít là 1.37% (tương ứng với 36 người), lãnh đạo phòng và tương đương là 8,46% (223 người).
Đánh giá thực tiễn thực hiện, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, trước đây, TP HCM cũng đã có đề án thu hút nhân tài và cũng đã phát huy hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án đã có nhiều vấn đề bởi người thực hiện đề án làm chưa đúng với tinh thần đề án nên kết quả hiện tại không như mong đợi. Theo ông Hòa, việc thu hút nhân tài phải cởi mở, công tâm, khách quan, vô tư để những nhân tài khi làm việc cảm thấy được trọng dụng, trân trọng. Chứ thu hút nhân tài mà kèm theo những điều kiện, kèm theo những vấn đề thì người tài sẽ không đến cống hiến.
Trong tình hình đất nước hội nhập hiện nay, theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, chúng ta cần tập trung thu hút nhân tài vào các lĩnh vực then chốt để những người này đưa đất nước “cất cánh”, đó là: Khoa học công nghệ; kinh tế; giáo dục; văn hóa nghệ thuật. Theo đó, Nhà nước cần sớm ban hành chính sách, pháp luật giúp cho việc nhận diện nhân tài. Song song là ban hành cơ chế phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Cần căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, có chính sách cụ thể để thu hút nhân tài vào từng lĩnh vực cần khuyến khích để tạo đột phá phát triển đất nước.
Dự thảo “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” đưa ra nhóm giải pháp trong thời gian tới: Hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành chính sách pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài; Nâng cao nhận thức về nhân tài; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân tài gắn với tạo nguồn nhân tài; Tạo môi trường, điều kiện làm việc; Thành lập Quỹ phát triển nhân tài quốc gia; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách nhân tài; Hợp tác quốc tế để thực hiện Chiến lược; Giải pháp về kinh phí.